Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.2. Các khái niệm cơ bản
1.2.1. Bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, “Tích hợp là lắp ráp, kết nối các thành phần của một hệ thống để tạo nên một hệ thống đồng bộ”.
Từ điển Anh-Anh (Oxford Advanced Learner's Dictionany), từ “integrate”
có nghĩa là kết hợp những phần, những bộ phận với nhau trong một tổng thể.
Những phần, những bộ phận này có thể khác nhau nhưng thích hợp với nhau.
Tác giả Đỗ Hương Trà lại khái niệm: Tích hợp là sự hợp nhất hay nhất thể hóa các bộ phận khác nhau để đưa tới một đối tượng như là một thể thống nhất dựa trên những nét bản chất của các thành phần đối tượng (Đỗ Hương Trà (Chủ biên), el al, 2016).
Theo từ điển Giáo dục học: "Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác
nhau trong cùng một kế hoạch dạy học" (Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, 2001). Trong phạm vi luận văn này tác giả sử dụng định nghĩa này làm khái niệm công cụ để nghiên cứu.
b. Dạy học tích hợp
UNESCO định nghĩa dạy học tích hợp là “một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau” (Theo UNESCO, 1972).
Roegiers X. cho rằng: “Sư phạm tích hợp là một quan niệm về quá trình dạy học trong đó toàn thể các quá trình học tập góp phần hình thành ở học sinh những năng lực rõ ràng, có dự tính trước những điều cần thiết cho học sinh nhằm phục vụ cho quá trình học tập tương lai hoặc hoà nhập học sinh vào cuộc sống lao động. Khoa sư phạm tích hợp làm cho quá trình học tập có ý nghĩa”
(Xavier Roegiers, 1996).
Tác giả Đỗ Hương Trà định nghĩa: “Dạy học tích hợp là một quan điểm sự phạm, ở đó người học cần huy động (mọi) nguồn lực để giải quyết một tình huống phức hợp – có vấn đề nhằm phát triển các năng lực và phẩm chất cá nhân” (Đỗ Hương Trà, el al, 2016).
Theo chương trình tổng thể do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 12 năm 2018: Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng,... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kĩ năng. Trong luận văn này tác giả sử dụng khái niệm này làm khái niệm dạy học tích hợp.
c. Năng lực dạy học tích hợp của giáo viên khoa học tự nhiên - Năng lực
Theo Từ điển Tiếng Việt, Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc
tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Năng lực là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao (Nguyễn Như Ý, 1999).
Roegiers, X. cho rằng: “Năng lực là sự tích hợp các kĩ năng tác động một cách tự nhiên lên các nội dung trong một loạt tình huống cho trước để giải quyết những vấn đề cho những tình huống này đặt ra”
Năng lực: là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018)
Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 đã ghi
“Năng lực là khả năng thực hiện công việc, nhiệm vụ của giáo viên” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2018)
Trong luận văn tác giả sử dụng khái niệm theo chương trình tổng thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên
Từ khái niệm năng lực và khái niệm dạy học tích hợp nêu trên có thể hiểu:
Năng lực dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên là khả năng liên kết các đối tượng giảng dạy của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau thuộc các môn Khoa học tự nhiên trong cùng một kế hoạch dạy học nhằm giúp học sinh sử dụng phối hợp những kiến thức, kĩ năng và thao tác nhất định để giải quyết một tình huống phức tạp trong thực tiễn học tập và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn liên quan đến Khoa học tự nhiên.
Như vậy các mặt trong năng lực dạy học tích hợp của giáo viên môn Khoa học tự nhiên khái quát qua các nội dung sau:
+ Giáo viên có kiến thức chuyên môn, kiến thức liên môn và một sự hiểu biết xã hội rộng. Nếu thiếu nó giáo viên sẽ không liên kết được những kiến thức có liên quan đến nội dung dạy học, khi đó việc tích hợp chỉ là sự gượng ép, rời rạc không có tính liên thông trong mạch kiến thức.
+ Giáo viên phải nắm rõ về dạy học tích hợp, cụ thể như bản chất của dạy học tích hợp; các hình thức tích hợp, các mức độ tích hợp.
+ Giáo viên phải đảm bảo các kĩ năng sau khi tiến hành dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên:
* Có kĩ năng xác định chủ đề hoặc nội dung tích hợp; kĩ năng khai thác những nội dung. Kĩ năng nằng đòi hỏi giáo viên phải nhận ra được những nội dung trong cùng môn học hoặc các môn liên quan có mối liên kết nhau trong việc giải quyết vấn đề thực tiễn để xây dựng thành chủ đề thống nhất. Nó là một trong những kĩ năng cốt lõi của dạy học tích hợp đối với giáo viên.
* Có kĩ năng lập kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp. Một khi đã xác định được chủ đề tích hợp thì việc lập kế hoạch là kĩ năng không thể thiếu của giáo viên. Kĩ năng này giúp giáo viên xác định cụ thể những mục tiêu cần đạt, những nội dung hoạt động cần triển khai, dự kiến hệ thống các phương pháp cần thực hiện và cũng dự kiến các hình thức triển khai chủ đề tích hợp.
* Có kĩ năng tổ chức thực hiện tốt và đa dạng quá trình dạy học tích hợp, trong và ngoài không gian lớp học với những phương pháp, kĩ thuật, phương tiện dạy học và hình thức tổ chức dạy học đa dạng.
* Có kĩ năng khai thác, sử dụng và hướng dẫn sử dụng các kênh thông tin một cách hiệu quả, nhất là qua Internet và công nghệ dạy học trực tuyến để làm cho nội dung bài giảng phong phú, đa dạng.
* Có kĩ năng giải quyết, ứng phó linh hoạt các vấn đề, cũng như các tình huống nảy sinh trong dạy học theo hướng tích hợp. Kĩ năng này đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm và tìm hiểu rộng các vấn đề có liên quan đến chủ đề
dạy học để có cách xử lí hiệu quả và tạo niềm tin cho học sinh tham gia học tập.
* Có khả năng gắn lí thuyết với thực hành một cách hiệu quả, thiết thực.
Bản chất của dạy tích hợp là tổ chức dạy học kết hợp giữa dạy lí thuyết và thực hành trong một nội dung bài học. Do đó khi dạy học kết hợp được lí thuyết với thực tiễn sẽ làm tăng khả năng thuyết phục cho học sinh, đồng thời tạo được hứng thú cho học sinh tham gia nghiên cứu các chủ đề học tập.
* Có kĩ năng kiểm tra đánh giá quá trình học tập tích hợp của học sinh.
Hình thức kiểm tra đánh giá phải đổi mới không đề cao việc ghi nhớ mà tập trung cho sự sáng tạo của học sinh khi giải quyết vấn đề. Có hình thức đánh giá theo quá trình học tập của học sinh mà giảm bớt việc kiểm tra ghi nhớ truyền thống hay làm các bài kiểm tra định kì. Khi tiến hành tốt kĩ năng này sẽ là nguồn động viên, khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo trong học tập.
+ Có tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm, cẩn thận, kiên trì trong công việc.
Thái độ về các môn khoa học tự nhiên thể hiện ra bằng hành vi thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy cho học sinh và thái độ ứng xử với đồng nghiệp và sự hợp tác chia sẻ trong nghề nghiệp.
+ Có tình cảm với công việc như lòng yêu nghề, yêu thích công việc giảng dạy các môn khoa học tự nhiên, say mê, sáng tạo trong nghề nghiệp nhằm ngày càng nâng cao năng lực cho bản thân. Bên cạnh đó dành hết tâm huyết truyền tải lòng yêu nghề, yêu khoa học cho học sinh mà mình phụ trách.
- Bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trường Trung học cơ sở
Từ điển Bách khoa Việt Nam: "Bồi dưỡng là làm cho tăng thêm năng lực và phẩm chất".
Theo tác giả Nguyễn Minh Đường: "Bồi dưỡng có thể coi là quá trình cập nhật kiến thức và kĩ năng còn thiếu hoặc đã lạc hậu trong một cấp học, bậc học và thường được xác nhận bằng một chứng chỉ" (Nguyễn Minh Đường, 1996)
Ngành giáo dục và đào tạo "Bồi dưỡng giáo viên là việc nâng cao, hoàn thiện trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho các giáo viên đang dạy học", bồi dưỡng giáo viên là sự tiếp tục phát huy năng nực tự học, tự đào tạo đã được tạo ra ở quá trình đào tạo ban đầu theo hình thức bồi dưỡng từ xa, theo định hướng "tự đào tạo để dạy học sinh tự học" (Trần Bá Hoành, 2002)
Từ các khái niệm trên có thể nói: Bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trường Trung học cơ sở là một hoạt động có chủ đích nhằm cập nhật kiến thức khoa học tự nhiên mới tiến bộ hoặc nâng cao trình độ giáo viên để tăng thêm năng lực, phẩm chất theo yêu cầu tích hợp của môn Khoa học tự nhiên bậc Trung học cơ sở.