Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.3. Cơ sở lí luận về hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trung học cơ sở
1.3.4. Nội dung bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên ở trường THCS
Theo điều 7, khoản 2, luật giáo dục 2019 “Phương pháp giáo dục phải khoa học, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; bồi dưỡng cho người học năng lực tự học và hợp tác, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên” (Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 2019).
Bên cạnh đó, dựa trên những yêu cầu của chương trình giáo dục môn khoa học tự nhiên và yêu cầu về dạy học tích hợp trong môn khoa học tự nhiên theo
chương trình tổng thể. Hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên tại trường Trung học cơ sở gồm các nội dung sau:
- Bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng nền tảng nâng cao năng lực theo yêu cầu môn khoa học tự nhiên và Chuẩn nghề nghiệp. Môn KHTN trong chương trình tổng thể 2018 là sự tích hợp của ba môn học riêng lẻ vật lí, hoá học, sinh học trong chương trình dạy học hiện hành do đó giáo viên đang dạy các môn KHTN hiện nay cần được bồi dưỡng, cập nhật những nội dung mới, nội dung tích hợp từ các môn học mà bản thân chưa được đào tạo trước đó như giáo viên vật lí sẽ bổ sung thêm một số nội dung tích hợp từ bộ môn sinh học và hoá học,..
- Bồi dưỡng năng lực hiểu biết về dạy học tích hợp môn KHTN. Mỗi giáo viên có một năng lực, thế mạnh khác nhau nhưng năng lực dạy học tích hợp biểu hiện ở một số nội dung như nhận thức đúng về mục đích, vai trò của việc dạy học tích hợp; các hình thức, mức độ tích hợp; các phương pháp sử dụng trong dạy học tích hợp. Để đạt được năng lực này mỗi giáo viên phải xác định được nhu cầu của bản thân, thường xuyên tự học trao dồi kĩ năng và nâng cao năng lực hiểu biết của bản thân.
- Bồi dưỡng năng lực phát triển chương trình môn KHTN và các chủ đề tích hợp ở trường THCS. Việc phát triển hay mở rộng thêm những nội dung trong việc tích hợp đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu, rộng và có khả năng bao quát toàn bộ chương trình. Năng lực này giúp giáo viên thiết kế lại, phát triển thêm một số nội dung tích hợp phù hợp với từng đối tượng học sinh mình giảng dạy.
- Bồi dưỡng năng lực phát hiện, xác định mức độ tích hợp, phân loại và sắp xếp các chủ đề cần tích hợp trong chương dạy học. Khả năng tiến hành dạy học tích hợp thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào việc nhận diện được
vấn đề của giáo viên, nó đòi hỏi mỗi giáo viên phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo, huy động toàn bộ tri thức của mình phục vụ việc xây dựng chủ đề dạy học.
Nội dung này cũng là một trong những nội dung cốt lõi cần có của mỗi giáo viên KHTN trong việc dạy học tích hợp.
- Bồi dưỡng năng lực lập kế hoạch, tổ chức, điều khiển hoạt động học tập của học sinh trong dạy học tích hợp môn khoa học tự nhiên. Dạy học tích hợp đòi hỏi giáo viên phải huy động tối đa những kĩ năng, khả năng sáng tạo của bản thân nhằm làm cho giờ học sôi động, thu hút mà đảm bảo sự tích cực tham gia của toàn bộ học sinh. Do đó việc lập kế hoạch, xác định rõ các mục tiêu, dự kiến các hình thức tổ chức, những tình huống có thể xảy ra, sẽ đảm, bảo cho việc dạy học đạt hiệu quả.
- Bồi dưỡng năng lực vận dụng phương pháp trong dạy học tích hợp khoa học tự nhiên nhằm giải quyết các nhiệm vụ học tập. Việc dạy học không phải bất biến chỉ sử dụng một phương pháp mà nó đòi hỏi phải phối hợp nhiều phương pháp trong việc giải quyết một vấn đề. Đặc biệt các vấn đề thực tiễn luôn có nhiều khía cạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, hợp lí của nhiều phương pháp khác nhau.
- Bồi dưỡng năng lực năng lực sử dụng thiết bị và các phương tiện trong dạy học tích hợp. Thiết bị hỗ trợ cho việc dạy học là không thể thiếu và thiết bị ngày càng tiên tiến, do đó việc sử dụng thành thạo các thiết bị phục vụ dạy học và hỗ trợ dạy học là điều bắt buộc đối với mỗi giáo viên. Tuy nhiên kĩ năng sử dụng các thiết bị không tự nhiên mà có, nó phải được bồi dưỡng, cập nhật thường xuyên.
- Bồi dưỡng năng lực kiểm tra, đánh giá trong dạy học tích hợp. Dạy học tích hợp KHTN thì hình thức kiểm tra, đánh giá cũng phải được tích hợp một cách linh hoạt, kết hợp nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như đánh giá thái độ học tập, đánh giá khả năng sáng tạo, đánh giá kĩ năng thực hành và đánh giá
nhận thức vấn đề thông qua quá trình kết hợp bài thu hoạch,.. Để làm được điều đó thì giáo viên hiện nay cũng cần phải được bồi dưỡng các hình thức này vì trong chương trình hiện hành chủ yếu tập trung đánh giá bằng cách thi cử, ghi nhớ máy móc.
- Bồi dưỡng năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong dạy học, giáo dục và quản lí trường học nhằm khai thác tốt những tài liệu dạy học và tham khảo một số nội dung tích hợp từ các nước tiên tiến.
- Bồi dưỡng kĩ năng hướng dẫn tư vấn học sinh THCS trong học tập, sinh hoạt. Dạy học tích hợp đòi hỏi giáo viên phải tương tác, tư vấn cho học sinh những định hướng giải quyết vấn đề gặp phải trong quá trình học tập.Vì vậy hơn ai hết giáo viên phải có kĩ năng tư vấn, giải quyết vấn đề tốt để làm chỗ dựa cho học sinh khi tham gia học tập, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.