Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC DẠY HỌC TÍCH HỢP CÁC MÔN
1.3. Cơ sở lí luận về hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên trung học cơ sở
1.3.5. Phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên
a. Phương pháp tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên
Việc sử dụng phương pháp bồi dưỡng năng lực bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên ở trường Trung học cơ sở phải phù hợp với mục tiêu, nội dung, các điều kiện khách quan, đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả. Có nhiều phương pháp tổ chức bồi dưỡng năng lực cho giáo viên, tuỳ theo điều kiện và đặc điểm tình hình của từng trường Trung học cơ sở có thể sử dụng các phương pháp bồi dưỡng sau:
- Phương pháp thuyết trình trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên các môn khoa học tự nhiên đó là cách thức trình bày bằng lời một khối lượng lớn tài liệu học tập có nội dung sâu sắc, khái quát và có hệ thống. Phương pháp này dùng cung cấp những kiến thức chung, tổng quát của nội dung dạy học. Nó có ưu
điểm là thời gian ngắn truyền tải được nhiều nội dung cho nhiều người, nội dung có tính logic hợp lí. Tuy nhiên nó cũng có hạn chế là khả năng tương tác thấp, người được bồi dưỡng ít có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân, khả năng bao quát và thực hành hạn chế.
-Ðàm thoại trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên là phương pháp giảng viên hay chuyên gia xây dựng hệ thống câu hỏi cho người tham gia trả lời hoặc trao đổi, tranh luận với nhau dưới sự chỉ đạo của người hướng dẫn, qua đó tiếp nhận kiến thức. Trong điều kiện bồi dưỡng đông thì việc sử dụng câu hỏi là một trong những cách thức tiện lợi nhất để kích thích người tham gia học tập một cách tích cực.
-Dạy học trực quan (hay còn gọi là trình bày trực quan) là việc giảng viên, người thực hiện công tác tập huấn, bồi dưỡng sử dụng những phương tiện trực quan, phương tiện kĩ thuật dạy học nhằm minh hoạ, làm rõ các vấn đề.
- Phương pháp thảo luận nhóm là một sự trao đổi ý tưởng, quan điểm, nhận thức giữa các học viên và giáo viên, để làm rõ và làm giàu sự hiểu biết các nội dung phù hợp với hoạt động bồi dưỡng. Phương pháp này phát triển khả năng cộng tác, nêu quan điểm cá nhân trên nhiều phương diện. Không khí thảo luận cởi mở nên người học tiếp thu thêm kinh nghiệm xã hội của các thành viên trong nhóm; kĩ năng giao tiếp, hợp tác của người học được phát triển.
Nhưng phương pháp này cũng có những hạn chế cần lưu ý đó là một vài thành viên không tham gia vào hoạt động chung cuả nhóm. Ý kiến các nhóm có thể quá phân tán hoặc mâu thuẫn gay gắt với nhau. Thời gian có thể bị kéo dài.
Những lớp có sĩ số đông hoặc lớp học chật hẹp, bàn ghế khó di chuyển thì khó tổ chức hoạt động nhóm.
- Dạy học giải quyết vấn đề là việc người hướng dẫn, giảng viên tạo ra những tình huống có vấn đề, điều khiển người tham gia phát hiện vấn đề, hoạt
động tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề và thông qua đó chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng và đạt được những mục đích học tập khác.
-Phương pháp bồi dưỡng theo tình huống trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn nghề nghiệp.
Trong đó người học tự lực giải quyết một tình huống điển hình, gắn với thực tiễn góp phần khắc phục tình trạng giáo dục hàn lâm, xa rời thực tiễn.
- Phương pháp tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu tài liệu là một cách tiếp cận cá nhân để cung cấp thông tin cho người học. Giảng viên cung cấp cho người học các tài liệu hoặc các nguồn tài liệu có chứa các nội dung hay qui trình cần phải nắm để tự nghiên cứu.
b. Loại hình tổ chức hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên ở trường Trung học cơ sở
Giáo viên các môn khoa học tự nhiên trước hết là giáo viên nên cũng tuân theo những loại hình bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp chung tại các trường Trung học cơ sở như sau:
- Hoạt động bồi dưỡng chuẩn hoá và nâng chuẩn; Bồi dưỡng chuyên sâu theo các chủ đề KHTN. Đây là hoạt động cần thiết để nâng cao trình độ, năng lực của giáo viên đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về đổi mới trong Giáo dục và Đào tạo đặc biệt trong việc dạy học tích hợp. Hoạt động này nhằm đáp ứng yêu cầu mà luật giáo dục 2019, điều 72, khoàn 1 đã nêu “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” (Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 2019).
- Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT. Hiện nay, để nâng cao chất lượng GDĐT đặt ra yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi
dưỡng phải được thực hiện thường xuyên và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình và quy chế, được cụ thể: Thông tư số 17/2019/TT-BGDĐT, ngày 01/11/2019 ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đã nêu rõ mục đích như sau: “Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông nhằm bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; là căn cứ để quản lí, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đối với yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông và yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông” (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2019)
- Hoạt động tự bồi dưỡng của cá nhân. Ngoài những nội dung qui định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ngành mỗi giáo viên cần tự bồi dưỡng thêm các nội dung khác liên quan trực tiếp đến công việc của mình, chú trọng việc tự bồi dưỡng, trao dồi các năng lực cần thiết trong dạy học tích hợp. Hoạt động này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn bản thân, dạy học ngày nay đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên các kết quả nghiên cứu mới nhất mà không trường lớp nào có thể theo kịp. Do đó bản thân phải tự cập nhật để tri thức luôn mới và có giá trị cao nhất.
-Bồi dưỡng theo chuyên đề ở trường, cụm trường, chuyên đề huyện. Đây là một trong những nội dung thích hợp nhất cần sử dụng sáng tạo để phát triển chuyên môn liên tục cho đội ngũ. Đẩy mạnh hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn theo các chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề về nâng cao, mở rộng kiến thức bộ môn.
c.Hình thức tổ chứchoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên cho giáo viên
Để thực hiện các loại hình bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp các môn khoa học tự nhiên có các hình thức bồi dưỡng sau:
- Hình thức tập trung: Bồi dưỡng theo khoá học hay theo từng đợt tại cơ sở đào tạo hay cơ sở bồi dưỡng giáo viên. Hình thức này phù hợp cho loại hình bồi dưỡng nâng chuẩn và bồi dưỡng kiến thức tổng quát. Tuy nhiên khi chọn loại hình này cần lưu ý về mặt thời gian, để tránh ảnh hưởng hoạt động thường xuyên của giáo viên và nhà trường.
- Hình thức tổ chức chuyên đề ở trường, cụm trường, chuyên đề huyện…
Hình thức này thích hợp với việc cập nhật kiến thức thường xuyên, giới thiệu cách làm hay, bổ sung thêm các phương pháp mới,…
- Hình thức tổ chức tại chỗ: Việc bồi dưỡng được tổ chức ngay tại trường THCS hoặc cụm trường gần nơi giáo viên đang giảng dạy với nhóm nhỏ. Hình thức này có thể do giáo viên cốt cán tại trường, mạng lưới bộ môn, mời báo cáo viên,.. thực hiện bồi dưỡng. Nó có lợi thế về địa điểm, nội dung phù hợp đặc điểm đối tượng tại mỗi trường.
- Hình thức bồi dưỡng từ xa, kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến qua mạng Internet và bồi dưỡng tập trung có tư vấn, hỗ trợ của giảng viên/ đội ngũ cán bộ cốt cán. Thông qua các phương tiện công nghệ giảng viên khái quát, hướng dẫn, người học thực hành dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, hoặc giảng viên khi đến tập trung người học trình bày sản phẩm để rút kinh nghiệm.