Chủ đề "Vật chất và năng lượng

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học môn tự nhiên xã hội ở tiểu học docx (Trang 86 - 88)

IV. HƯỚNG DẪN GIẢNG DẠY CÁC CHỦ ĐỀ TRONG MÔN KHOA HỌC 1 Chủ đề "Con người và sức khoẻ"

2. Chủ đề "Vật chất và năng lượng

2.1. Mục tiêu:

Giúp học sinh:

- Nhận biết được đặc điểm và ứng dụng của một số chất, một số vật liệu và dạng năng lượng thường gặp trong đời sống và sản xuất.

- Biết quan sát và làm một số thí nghiệm thực hành khoa học đơn giản gần gũi với đời sống, sản xuất.

-Ham hiểu biết khoa học, có ý thức vận dụng kiến thức vào đời sống.

2.2. Nội dung chủ đề

a. Lớp 4: 33 tiết + 2 tiết ôn tập chủ đề

-Nước: Tính chất của nước; ba thể của nước; vòng tuần hoàn nước trong thiên nhiên; nước cần cho sự sống; nước bị ô nhiễm; một số cách làm sạch nước; bảo vệ và tiết kiệm nước.

-Không khí: Sự tồn tại của không khí; các tính chất của không khí; các thành phần của không khí; không khí cần cho sự sống; gió, phòng chống bão; không khí bị ô nhiễm, bảo vệ bầu không khí trong sạch.

-Âm thanh: Các nguồn âm; sự lan truyền âm thanh; âm thanh trong cuộc sống; chống tiếng ồn.

-Ánh sáng: Các nghuồn sáng; bóng tối; ánh sáng cần cho sự sống, ánh sáng và việc bảo vệ đôi mắt;

-Nhiệt: nóng lạnh và nhiệt độ; vật dẫn nhiệt và cách nhiệt; các nguồn nhiệt; nhiệt cần cho sự sống.

b. Lớp 5: 25 tiết + 2 tiết ôn tập và kiểm tra học kỳ I + 2 tiết ôn tập chủ đề

- Đặc điểm và công dụng của một số vật liệu thường dùng: Tre, mây, song; kim loại (sắt, đồng, nhôm) và hợp kim (gang, thép); đá vôi; gốm (gạch, ngói); xi măng; thuỷ tinh; cao su; chất dẻo; tơ sợi.

-Sự biến đổi của chất: Sự chuyển thể của chất; hỗn hợp; dung dịch; sự biến đổi hoá học.

- Sử dụng năng lượng: năng lượng; sử dụng năng lượng chất đốt; sử dụng năng lượng gió và năng lượng nước chảy; sử dụng năng lượng điện; lắp mạch điện đơn giản; an toàn và tránh lãng phí khi sử dụng điện.

Chủ đề " Vật chất và năng lượng" tích hợp kiến thức của các lĩnh vực khoa học thực nghiệm như Vật lý, Hoá học. Vì vậy, phương pháp dạy học đặc trưng của chủ đề này là thí nghiệm, quan sát. GV có thể sử dụng phương pháp quan sát, thí nghiệm kết hợp thảo luận nhóm và một số phương pháp khác. Cụ thể:

- Đối với các bài về đặc điểm và công dụng của một số vật liệu thường dùng GV nên sử dụng phương pháp quan sát kết hợp thảo luận nhóm, hỏi đáp. Đối tượng quan sát tốt nhất là các mẫu vật (như tre, mây song, kim loại, gốm, xi măng, thuỷ tinh cao su...)

Ví dụ: Khi dạy Bài 24: Đồng và hợp kim của đồng (Khoa học 5)

Để tìm hiểu tính chất của đồng GV có thể chia học sinh thành các nhóm. Các nhóm tiến hành quan sát các dây đồng (hoặc các mẩu đồng) và mô tả màu sắc, độ sáng, tính cứng, tính dẻo của dây đồng. Có thể so sánh dây đồng với dây thép.

Kết thúc thời gian thảo luận nhóm, đại diện các nhóm lên báo cáo kết quả quan sát của nhóm mình, các nhóm khác bổ sung. Trên cơ sở kết quả quan sát của các nhóm, GV đưa ra kết luận: Đồng có màu đỏ nâu, có ánh kim, không cứng bằng sát, dẻo, dễ uốn, dễ dát mỏng hơn sắt.

- Đối với các bài về tính chất, đặc điểm của các chất (nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh, tính chất lý học, hoá học của chất): phương pháp dạy học chủ đạo là

thí nghiệm. GV có thể sử dụng phương pháp thí nghiệm kết hợp với các phương pháp

dạy học khác như: thảo luận nhóm, hỏi đáp, quan sát, giải thích với các mức độ khác nhau:

- GV yêu cầu HS quan sát hình vẽ hoặc đọc phần mô tả thí nghiệm trong SGK, sau đó HS thảo luận và đưa ra dự đoán kết quả thí nghiệm và giải thích rút ra kết luận.

- GV làm mẫu, hướng dẫn HS làm theo

-GV giao nhiệm vụ, giúp đỡ HS từng bước tiến hành thí nghiệm thông qua phiếu học tập hoặc chỉ dẫn bằng lời.

-GV giao nhiệm vụ, HS tự mình tiến hành thí nghiệm, GV theo dõi, hướng dẫn khi cần thiết.

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của từng bài học mà GV hướng dẫn HS học tập theo phương pháp thí nghiệm với các mức độ cho phù hợp.

Đặc biệt, GV có thể vận dụng dạy học nêu vấn đề để dạy các bài có sử dụng phương pháp thí nghiệm.

Ví dụ: khi dạy bài 32 " Không khí gồm những thành phần nào?"( KH4) GV có thể tiến hành như sau:

GV nêu vấn đề (kết hợp giới thiệu bài học): Người đầu tiên trên thế giới đã phát hiện các thành phần chính của không khí là nhà hoá học ngươì Pháp tên là Lavôđiê. Ông đã xác định được các thành phần của không khí như thế nào? Không khí là do một chất khí hay nhiều chất khí tạo thành? Bài học hôm nay bằng các thí nghiệm chúng ta sẽ làm sáng tỏ điều này.

Giải quyết vấn đề bằng cách tiến hành thí nghiệm: Trước khi làm thí nghiệm GV giới thiệu dụng cụ thí nghiệm, trình bày cách lắp đặt thí nghiệm và cách thí nghiệm. HS phán đoán hiện tượng xảy ra theo câu hỏi của GV: hiện tượng gì sẽ xảy ra nếu ta úp cốc thuỷ tinh lên cây nến đang cháy?(cây nến tắt hay không tắt?)

GV biểu diễn thí nghiệm, HS quan sát diễn biến thí nghiệm, nhận xét, giải thích hiện tượng xảy ra qua hệ thống câu hỏi của GV:

- Hiện tượng đã xảy ra như thế nào? (so sánh với những phán đoán của HS) - Vì sao cây nến đang cháy lại bị tắt?

- Sau khi cây nến tắt em có nhận xét gì về mực nước trong cốc và ngoài cốc? - Vì sao nước lại dâng lên trong cốc?

- Vì sao nước không dâng lên chiếm toàn bộ thể tích của cốc?

GV giảng: điều đó chứng tỏ trong cốc còn một chất khí nữa chưa cháy hết. Người ta đã xác định chất khí đó là ni tơ, khí ni tơ không duy trì sự cháy.

Qua thí nghiệm trên ai có thể rút ra kết luận gì về các thành phần của không khí?

Trên cơ sở ý kiến của HS, GV đưa ra kết luận chung: không khí gồm hai thành phần chính: đó là khí ôxi và khí nitơ, khí ôxi duy trì sự cháy, khí nitơ không duy trì sự cháy.

- Ngoài ra, khi dạy chủ đề "Vật chất và năng lượng" GV có thể khai thác, sử dụng

các trò chơi khoa học nhằm gây hứng thú học tập, khơi dậy ở HS trí tò mò, lòng ham hiểu biết khoa học.

Ví dụ: Khi dạy bài 38- 39:Sự biến đổi hoá học (Khoa học 5) GV có thể tổ chức cho HS thực hiện trò chơi "Bức thư bí mật" để các em có thể hiểu rõ hơn về sự biến đổi hoá học dưới tác dụng của nhiệt.

-Chuẩn bị: Một nhóm một quả chanh (hoặc một ít dấm), một que tăm, một mảnh giấy, diêm, nến.

-Cách tiến hành: GV chia HS thành các nhóm, yêu cầu các nhóm tiến nhúng đầu tăm vào nước chanh (hoặc dấm) rồi viết chữ lên tờ giấy và để khô, sau đó hơ gần ngọn nến và quan sát chữ viết trên tờ giấy (Lưu ý: không hơ giấy quá gần ngọn lửa để phòng cháy, hoặc có thể hơ giấy gần của sổ, nơi có nhiều ánh sáng để quan sát).

Kết thúc trò chơi: GV nhận xét, đặt câu hỏi cho cả lớp: Điều kiện gì đã làm cho dấm (nước chanh) đã khô trên giấy biến đổi hoá học?

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học môn tự nhiên xã hội ở tiểu học docx (Trang 86 - 88)