1. Ý NGHĨA CỦA KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC CÁC MÔN VỀ TN-XH
Trong quá trình dạy học nói chung, các môn TN-XH nói riêng, việc kiểm tra đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng.
* Đối với học sinh:
- Việc kiểm tra, đánh giá sẽ giúp học sinh biết được mức độ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng để từ đó điều chỉnh hoạt động học tập của mình.
- Thông qua kiểm tra, đánh giá học sinh phát triển được các năng lực hoạt động trí tuệ như ghi nhớ, tái hiện, phân tích, tổng hợp, hệ thống hoá, khái quát hoá.
- Thông qua kiểm tra, đánh giá học sinh nâng cao được tinh thần trách nhiệm trong học tập, đồng thời hình thành ở học sinh tính trung thực, tính khiêm tốn, thói quen tự kiểm tra, tự đánh giá.
*Đối với giáo viên:
Thông qua việc kiểm tra, đánh giá GV có thể thu được thông tin ngược từ phía HS để điều chỉnh hoạt động dạy học.
* Đối với các cấp quản lý: Kiểm tra, đánh giá nói chung, trong dạy học các môn TN- XH nói riêng giúp cho các cấp quản lý nắm được thực trạng dạy và học các môn TN- XH để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC CÁC MÔN VỀ TN-XH CÁC MÔN VỀ TN-XH
1. Đảm bảo tính toàn diện
TN-XH, Khoa học, Lịch sử và Địa lý là những môn học tích hợp tri thức của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực khoa học thực nghiệm(Vật lý, Hoá học, Sinh học) và sức khoẻ. Đây cũng là những môn học có nhiều cơ hội giúp học sinh liên hệ kiến thức với đời sống và sản xuất, kết hợp học với hành. Vì vậy, trong công tác kiểm tra, đánh giá cần đảm bảo đánh giá toàn diện về cả 3 lĩnh vực: kiến thức,
kỹ năng, thái độ của học sinh. Trong đánh giá các môn về TN-XH ngoài kiến thức cần tập trung vào các kỹ năng và thái độ cơ bản sau đây:
-Quan sát: Biết cách quan sát bằng mắt và cả cách quan sát bằng các phương tiện kỹ thuật (kính lúp, kính hiển vi...)
-Mô tả: Biết mô tả sự vật và hiện tượng bằng ngôn ngữ thông thường và mô tả bằng tranh ảnh, sơ đồ, bản đồ...
-Thí nghiệm, thực hành: Biết làm các thí nghiệm, thực hành đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày.
- Biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống, biết giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trtường
- Ham hiểu biết, có ý thức giữ vệ sinh, an toàn trong cuộc sống.
2. Đảm bảo tính khách quan
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, phải tạo điều kiện để mỗi học sinh bộc lộ những khả năng và trình độ của mình.
3. Đảm bảo cho học sinh được tham gia vào quá trình kiểm tra, đánh giá.
Cần tạo điều kiện cho học sinh được tự đánh giá kết quả học tập của bản thân và tự đánh giá lẫn nhau.
4. Phát huy tính sáng tạo của học sinh
Trong nội dung kiểm tra, đánh giá, giáo viên không chỉ chú ý đến khả năng ghi nhớ và tái hiện kiến thức, mà còn phải chú ý đến tính sáng tạo của học sinh. Ví dụ: biết tìm ra những ví dụ mới, minh hoạ mới khác với những ví dụ, minh hoạ trong SGK hoặc do giáo viên đưa ra. Hoặc biết tiến hành những hoạt động mang tính chất điều tra, nghiên cứu v.v...