II. Hoạt động dạy học:
3. Trò chơi trong dạy học các môn vềTN-XH
3.1. Ý nghĩa của trò chơi trong dạy học các môn về TN-XH
Đối với học sinh tiểu học học tập là hoạt động chủ đạo, tuy nhiên vui chơi vẫn chiếm vị trí lớn trong đời sống của các em. Theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học ở tiểu học, trò chơi được xem là phương pháp, là hình thức tổ chức dạy học. Nó được khuyến khích sử dụng nhằm gây hứng thú học tập, giảm sự căng thẳng cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả tiết học. Trò chơi có tác dụng phát huy tính tích cực, phát triển sự nhanh trí , tinh thần tập thể, tính tự lập và sáng tạo của học sinh .
Trong các tiết học TN-XH giáo viên có thể sử dụng trò chơi, câu đố tuỳ thuộc vào mục đích, nội dung của tiết học, có thể sử dụng ở bất cứ giai đoạn nào của tiết học. Các trò chơi không chỉ thực hiện ở các giờ học chính khoá, trong lớp học mà có thể
thực hiện trong những hoạt động học tập ngoài thiên nhiên, và các hoạt động ngoại khoá khác.
3.2. Cách thức sử dụng trò chơi:
Trò chơi có thể tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn trò chơi: Trên cơ sở mục đích, yêu cầu nội dung của bài học mà giáo viên lựa chọn trò chơi cho phù hợp.
Bước 2: Giới thiệu và giải thích trò chơi: giáo viên nêu tên trò chơi, giải thích rõ mục đích, yêu cầu, cách chơi, luật chơi, cách đánh giá thắng thua cho học sinh. Giới thiệu và giải thích phải đơn giản, dễ hiểu để các em nắm vững và hiểu trò chơi, cách chơi.
Bước 3: Tổ chức, tiến hành chơi: Để trò chơi đạt kết quả tốt, sau khi hướng dẫn và giải thích xong, nên cho học sinh chơi thử vài lần, sau đó chơi thật. Giáo viên làm trọng tài theo dõi diễn biến trò chơi để có những nhận xét, đánh giá đúng đắn, khách quan.
Bước 4: Nhận xét, đánh giá kết quả trò chơi: Kết thúc trò chơi, giáo viên nhận xét, đánh giá kết quả trò chơi. Dựa vào yêu cầu, nội dung, kết quả trò chơi, giáo viên đánh giá thật công bằng, khách quan, cần tạo điều kiện cho học sinh tự nhận xét, đánh giá lẫn nhau, cần biểu dương, khen ngợi những cá nhân, đội chơi có kết quả tốt, hoạt động tích cực.
3.3. Một số yêu cầu đối với trò chơi:
+ Trò chơi phải phù hợp với yêu cầu, nội dung của bài học, phải phục vụ thiết thực cho bài học.
+ Trò chơi phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của học sinh lớp.
+ Trò chơi phải gây được hứng thú cho học sinh và thu hút được nhiều em tham gia.
+ Các trò chơi không được tốn nhiều thời gian để không ảnh hưởng đến các hoạt động tiếp theo của tiết học.
3.4. Một số ví dụ về trò chơi trong dạy học các môn về TN-XH
1* "Đố bạn hoa gì"?(Bài"Cây hoa"TN-XH1). Giáo viên chọn 4 học sinh tình nguyện, dùng vải bịt mặt tất cả 4 học sinh, đặt vào tay mỗi em một bông hoa khác nhau.
Học sinh được sử dụng các giác quan còn lại để nhận biết các loại hoa hoặc cây mình đang cầm. Những em nào nhận đúng hoa mình đang cầm được khen thưởng. Những học sinh không nhận ra loại hoa mình đang cầm là bị thua cuộc, nhảy lò cò về chỗ.
2* Trò chơi : Bạn chọn số nào? ( Ôn tập: Con người và sức khoẻ, TN-XH 3)
Mục đích: Củng cố kiến thức về chức phận của các cơ quan chính trong cơ thể
Chuẩn bị : Các tấm biển ghi các cơ quan trong cơ thể và đánh số thứ tự. Ví dụ 1- Cơ quan hô hấp, 2- Cơ quan tuần hoàn, 3- Cơ quan bài tiết , 4- Cơ quan thần kinh( Mỗi tên các cơ quan làm hai tấm biển như nhau ). Chia lớp thành hai đội, mỗi đội cử đại diện cầm biển, giáo viên làm trọng tài theo dõi trò chơi.
Cách chơi : Khi giáo viên đọc một trong các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể thì ai có biển ghi cơ quan nào có hoạt động ấy thì giơ cao, ai giơ nhầm hoặc giơ sau sẽ bị thua, thắng 1 điểm, thua 0 điểm.
Ví dụ:
- Hít vào thở ra - giơ đúng : cơ quan hô hấp - Biến đổi thức ăn : cơ quan tiêu hoá - Vận chuyển chất bổ: cơ quan tuần hoàn - Nhận khí ôxi, thải khí cácbônic: cơ quan hô hấp - Ôxi được đi khắp cơ thể: cơ quan tuần hoàn - Tạo thành nước tiểu: cơ quan bài tiết - Tạo thành chất bổ: cơ quan tiêu hoá -Kiểm soát mọi hoạt động của cơ thể: cơ quan thần kinh
3* Đố bạn con gì? (Sử dụng trong các bài về động vật ở các lớp 1,2,3). -Mục đích: củng cố kiến thức về động vật cho HS
- Chuẩn bị: vẽ một số con vật vào tờ giấy ( chỉ cần những nét đơn giản). Khi chơi có 1 bạn điều khiển, giữ toàn bộ tập hình vẽ của các con vật đó (các con vật đã học)
- Đối tác chơi lần lượt từng người với cả lớp
Người điều khiển cài lên lưng người chơi (đứng quay lưng xuống lớp) hình một vật bất kỳ đã học (người chơi không được biết )
Luật chơi : người chơi được đặt 10 câu hỏi ( loại câu hỏi có sẵn thông tin chỉ đòi hỏi trả lời đúng hoặc sai ). Người chơi phải làm phép loại trừ để tìm ra đúng tên con vật được đố. Chưa hết 10 câu hỏi hoặc đúng 10 câu người chơi nói đúng tên một con vật là thắng cuộc. (yêu cầu cả lớp im lặng không được cho người chơi biết tên các con vật là gì)
Ví dụ một số câu hỏi :
- Có phải con vật đó có 4 chân không ? Không - Nó có 2 chân phải không? Đúng - Nó có lông vũ không ? Có - Nó có biết bay không? Có - Nó là chim bồ câu phải không? Không - Nó có phải là con gà không ? Không - Nó biết bắt chước tiếng người không? Có - Nó là con vẹt phải không? Phải
4. Trò chơi đóng vai "Hội nghị Diên Hồng"
Dùng cho bài 14 Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên (Lịch sử 4)
- Mục đích: Giúp HS biết được tinh thần quyết tâm đánh giặc của quân và dân ta dưới thời Trần, không lùi bước trước sức mạnh của kẻ thù.
- Cách tiến hành
Bước 1: Làm việc theo nhóm
GV chia HS thành các nhóm, yêu cầu các nhóm đọc kỹ nội dung từ "Thời nhà Trần đến "hai chữ "Sát "Thát"". Các nhóm thảo luận và tập đóng các vai:
Vai 1: Vua Trần Vai 2: Trần Thủ Độ Vai 3: Trần Hưng Đạo
Người dẫn chuyện, các thành viên khác đóng vai các bô lão và vai các chiến sỹ. GV đi tới các nhóm giúp đỡ và khuyến khích HS tập diễn đạt lại lời nói, cử chỉ của nhân vật trong SGK thật sinh động,
Bước 2: Làm việc cả lớp:
Các nhóm lên bảng thể hiện các vai của mình.
Chẳng hạn người dẫn truyện đọc đến đoạn " Khi quân Mông-Nguyên tràn vào nước ta, lo nghĩ trước sức mạnh của quân xâm lược" thì HS đóng vai vua Trần hỏi Trần Thủ Độ với vẻ lo lắng: "Nên đánh hay nên hoà?". HS trong vai Trần Thủ Độ trả lời với giọng kiên quyết "Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo".
HS dẫn chuyện đọc lời dẫn tiếp đoạn: "Trong cuộc kháng chiến lần thứ 2..."
HS đóng vai vua Trần hỏi các vị bô lão (các thành viên khác trong nhóm):"Nên đánh hay nên hoà?" .
Cả thành viên trong vai các bô lão đồng thanh trả lời với giọng to, dõng dạc: "Đánh!" HS dẫn chuyện đọc tiếp lời dẫn.
HS đóng vai Trần Hưng Đạo đọc lời hịch "Dẫu cho trăm thân .... xin làm" với lời đọc mạnh mẽ dứt khoát.
HS dẫn chuyện đọc tiếp lời dẫn. Các thành viên đóng vai các chiến sỹ hô to "Sát thát, Sát thát!".
Kết thúc trò chơi: GV cho các nhóm nhận xét kết quả chơi và rút ra kết luận: qua trò chơi chúng ta biết được tinh thần quyết tâm kháng chiến chống quân Mông- Nguyên của quân dân nhà Trần, không lùi bước trước giặc ngoại xâm.