Hồ Chí Minh với phong trào Bổ túc văn hóa

Một phần của tài liệu Xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 83 - 87)

7. Kết cấu của luận án

2.3.2. Hồ Chí Minh với phong trào Bổ túc văn hóa

Từ sau chiến thắng Biên giới năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã chuyển sang giai đoạn quyết định. Tháng 2/1951, Đảng ra hoạt động công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, Đảng đề ra một-số chính sách mới nhằm tích cực bồi dưỡng lực lượng kháng chiến về mọi mặt. Về mặt văn hóa, Đảng chủ trương ra sức bồi dưỡng cán bộ công nông đã được rèn luyện trong khói lửa chiến tranh cách mạng để có đủ năng lực đưa vào các vị trí lãnh đạo then chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là ở cơ sở. Cũng từ đây, BDHV đã chuyển sang thời kỳ mới, một mặt, tiếp tục xóa nạn mù chữ và phát triển lớp dự bị bình dân, mặt khác, bước đầu tổ chức việc BTVH, với nội dung chương trình, hình thức học và đối tượng phục vụ đều khác với các lớp dự bị bình dân. Từ năm 1950, Quốc hội khóa II đã quyết định phát triển phong trào BTVH.

Hình thức học BTVH là học tại chức. Chương trình BTVH được soạn thảo có nội dung kiến thức và kỹ năng tương đương với chương trình giáo dục phổ thông chính quy, nhưng tinh giản và được giảng dạy theo những phương pháp thích hợp với người lớn.

Do nhu cầu bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ chủ chốt các cấp, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường BTVH tập trung (tên là Trường phổ thông lao động Trung ương) được xây dựng ở Khu X (Tuyên Quang) từ đầu năm 1951. Chương trình học mô phỏng theo chương trình Tiểu học và trung học, có cải tiến cho phù hợp với học viên, chia làm 5 lớp (tương đương với các lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8 hồi đó), thời gian học mỗi lớp 4 tháng.

Tháng 6/1952, Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về “Đẩy mạnh công tác giáo dục BTVH” phục vụ công nông binh, gồm những vấn đề chính dưới đây:

Về phương châm, nhấn mạnh 3 điểm:

- Lý luận và thực tiễn thống nhất, học kết hợp với hành, học để mà làm;

- Tranh thủ thời gian phục vụ kháng chiến, đồng thời chuẩn bị để có thể học lên cao;

- Dựa vào lực lượng nhân dân, dùng những phương pháp và hình thức tổ chức linh động, mềm dẻo, thích hợp với điều kiện cụ thể và nhu cầu thiết thực từng thời kỳ, từng địa phương, từng lớp người.

Về đường lối biên soạn chương trình học, Nghị quyết nêu hướng giải quyết mối quan hệ giữa thiết thực và đề cao: chương trình vừa thiết thực, vừa đề cao, thiết thực là chính, đề cao là phụ; vừa thích hợp với nhu cầu học và hành trước mắt, vừa nhằm thỏa mãn những nhu cầu hiểu biết và công tác sau này, song chủ yếu phải là thiết thực.

Theo tinh thần Nghị quyết trên, Nha BDHV xây dựng chương trình giáo dục bổ túc gồm 2 cấp:

Cấp I: 2 lớp (lớp 1 - 2) tương đương với cấp I phổ thông.

Cấp II: 3 lớp (3 - 4 - 5) tương đương với cấp II phổ thông và gồm 3 loại: chương trình trường phổ thông lao động học tập trung và chương trình BTVH học tại chức, soạn riêng cho 3 địa bàn: xí nghiệp, cơ quan, nông thôn.

Chương trình giáo dục bổ túc mới được ban hành do nghị định số 258/NĐ ngày 20/8/1952 của Bộ Giáo dục. Điều 2 nói về mục đích giáo dục bổ túc, điều 3 nói về phương châm biên soạn chương trình và hình thức tổ chức giáo dục bổ túc.

Như thế là một hệ thống tư tưởng cơ bản chỉ đạo công tác BTVH dần dần được hoàn thiện, làm cơ sở cho sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với công tác này.

Về vị trí và tầm quan trọng của công tác BTVH, trong thư gửi cho cán bộ và giáo viên BTVH ngày 17/12/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:

“Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải tăng gia sản xuất. Muốn tăng gia sản xuất tốt thì phải có kỹ thuật cải tiến. Muốn sử dụng tốt kỹ thuật thì phải có văn hóa. Vì vậy công việc bổ túc văn hóa là cực kỳ cần thiết” [103, tr.361].

Từ 1961 - 1965, công tác BTVH đã phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa

bàn và đã thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới. Trong thực tiễn hoàn thành kế hoạch 5 năm về BTVH đã xuất hiện những đơn vị tiên tiến, xuất sắc nhất là xã Yên Cường (Nam Định), xã Cẩm Bỉnh (Hà Tĩnh), tiêu biểu cho nông thôn miền xuôi, xã Thu Phong (Hòa Bình), tiêu biểu cho nông thôn miền núi và đặc biệt nhà máy Ô tô 1-5 (Hà Nội), tiêu biểu cho địa bàn cơ quan, xí nghiệp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù có nhiều khó khăn, ngành BDHV đã có những cố gắng mới để duy trì phong trào, đồng thời xử lý nội dung chương trình BTVH theo yêu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.

Ngày 15/10/1968, Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành giáo dục, trong đó có ngành BTVH. Người vui mừng khi biết rằng mặc dù hoàn cảnh khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc đã có 12000 trường phổ thông, mỗi xã đều có trường cấp I, nhiều xã đã có trường cấp II, các huyện đều có ít nhất một trường cấp III. Số người đi học đã hơn 6 triệu, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ và công nông đang học BTVH. Số người vào học các trường đại học và trung học chuyên nghiệp tăng gần gấp ba lần so với trước chiến tranh chống Mỹ. Hơn 30 trường đại học và 200 trường trung học chuyên nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành và các địa phương, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, tập trung cũng như tại chức. Trong thư, Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt” [105, tr.507].

Như vậy là suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, song hành và chỉ đạo sát sao, khích lệ kịp thời những thành tựu của phong trào xóa nạn mù chữ, BDHV. Đó vừa là sự tiếp nối cuộc vận động truyền bá chữ quốc ngữ thời Pháp thuộc, vừa là nền tảng khởi đầu cho những thành tựu to lớn của giáo dục Việt Nam sau này.

Tiểu kết chương 2

Chương 2, luận án đã hệ thống những vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về XHHT. Khái quát lại những nội dung cơ bản của chương 2 như sau:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc và thế giới. Hồ Chí Minh cũng chính là nhà giáo dục vĩ đại đã đặt nền móng cho sự ra đời của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Người có nhiều đóng góp vô cùng quý báu cho nền giáo dục nước nhà. Đặc biệt, trong di sản Hồ Chí Minh về giáo dục chứa đựng những quan điểm đến nay vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của Người, trong đó có tư tưởng về xây dựng một XHHT ở Việt Nam. Đó là quan điểm “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, về một nền giáo dục bình đẳng, không mất tiền, một nền giáo dục phát triển hoàn toàn những năng lực vốn có của con người, một xã hội mà “ai cũng được học hành”.

2. Không chỉ dừng lại ở hệ thống lý luận về XHHT, Hồ Chí Minh còn là người kiến tạo, xây dựng và phát triển một nền giáo dục hoàn toàn mang lại giá trị thiết thực cho người dân, mà do hoàn cảnh thực tiễn bấy giờ, chủ yếu thông qua hai phong trào BDHV và BTVH... Dù hoàn cảnh chiến tranh, dù bộn bề trăm công nghìn việc nhưng Hồ Chí Minh luôn dành thời gian chăm lo, xây dựng phong trào. Người đã dành những lời ân cần thăm hỏi, động viên giáo viên và học viên khi Người tới thăm các lớp BDHV. Người đã gửi nhiều bức thư biểu dương, khen ngợi thành tích lớn nhỏ của phong trào... Điều đó thực sự trở thành động lực vô giá cho cán bộ, giáo viên và học viên BDHV nỗ lực vượt mọi khó khăn để xóa mù, phổ cập chữ quốc ngữ. Thông qua những phong trào này, người người đi học, nhà nhà đi học, việc xóa nạn mù chữ và BTVH, nâng cao dân trí đã trở thành nhu cầu của mỗi cá nhân và đất nước.

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người tiên phong, đặt nền móng cho công cuộc xây dựng XHHT ở Việt Nam.

Chương 3

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHềNG - THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

3.1. NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP Ở HẢI PHềNG

3.1.1. Xu thế xây dựng xã hội học tập trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 83 - 87)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w