Đặc điểm của Hải Phòng

Một phần của tài liệu Xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 89 - 95)

7. Kết cấu của luận án

3.1.2. Đặc điểm của Hải Phòng

3.1.2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội

Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình, có vị trí nằm trong khoảng từ 20 độ 35’ đến 21 độ 01’ vĩ độ Bắc, và từ 106 độ 29’ đến 107 độ 05’ kinh độ Đông; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hải Dương, phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Bình và phía Đông là biển Đông với đường bờ biển dài 125km, nơi có 5 cửa sông lớn là Bạch Đằng, Cửa Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và sông Thái Bình.

Trên bản đồ hành chính cả nước, Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương - là đô thị loại 1 gồm 7 quận (Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến An và Hải An), 6 huyện ngoại thành (Thuỷ Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ) với 223 xã, phường và thị trấn. Về dân số, Hải Phòng có 2,029 triệu người (số liệu năm 2019).

Trong suốt chiều dài lịch sử, Hải Phòng nổi tiếng là một cảng biển lớn nhất ở miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng châu thổ sông Hồng, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của Vùng Duyên hải

Bắc Bộ và là một trong những trung tâm phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Với vị trớ là đầu mối giao thụng quan trọng, là cửa ngừ ra biển của toàn miền Bắc, Hải Phòng hội đủ tất cả các loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không. Đặc biệt có Cảng Hải Phòng - cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia, cùng với Cảng Sài Gòn là một trong hai hệ thống cảng biển lớn nhất Việt Nam. Do đó, Hải Phòng sớm trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa ở trong nước cũng như với nước ngoài.

Ngay từ thời Bắc thuộc, nhiều thuyền buôn Trung Quốc đã theo con đường ven biển qua Cửa Cấm, Bạch Đằng để buôn bán với Giao Châu. Trong thời kỳ thịnh đạt của nước Đại Việt dưới các vương triều Lý, Trần, Lê, vùng cửa biển và các dòng sông lớn thuộc Hải Phòng là một trong những tuyến thông thương quan trọng giữa trong nước và nước ngoài qua trung tâm mậu dịch đối ngoại của quốc gia là thương cảng Vân Đồn, sau đó là Phố Hiến.

Tính đa dạng và phong phú của điều kiện tự nhiên đã tạo điều kiện cho Hải Phòng trở thành một trong những thành phố có nền kinh tế phát triển năng động. Hải Phòng nhanh chóng tham gia vào thị trường thế giới, bản đồ thế giới xuất hiện địa danh Cảng Hải Phòng. Cảng Hải Phòng giữ vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần đưa hàng hóa của phía Bắc đi các vùng trong cả nước, cũng như tham gia vào việc vận tải hàng hóa đến các nước trên thế giới.

Đầu thế kỷ XX, ở Hải Phòng đã diễn ra quá trình hội cư lớn và phân hoá giai cấp sâu sắc. Hải Phòng là một công trường xây dựng lớn thu hút đông đảo lao động, những người buôn bán, kinh doanh. Nông dân khắp các vùng Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và nhiều nơi khác ở Bắc Kỳ đến kiếm việc làm. Họ trở thành thợ xây dựng, công nhân bốc vác ở cảng, thợ nhà máy xi măng, nhà máy phốt phát, thuỷ thủ trên tàu biển, tàu sông...

Các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hình thành, họ mở cửa hiệu, nhà hàng, đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, giao thông vận tải...

Hải Phòng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng.

Nhân dân Hải Phòng giàu lòng yêu nước, anh dũng kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, quê hương, đó là truyền thống tự chủ, cũng là cái vốn để nhân dân Hải Phòng phát huy quyền làm chủ của mình theo đường lối của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Có thể nói lịch sử Hải Phòng gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Với vị trí địa - chính trị đặc biệt, Hải Phòng thường là mục tiêu đầu tiên cần đánh chiếm và thường là nơi rút lui cuối cùng của nhiều đạo quân xâm lược. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh lớn, đặc biệt là hai trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng năm 938 (Ngô Quyền lãnh đạo tiêu diệt quân xâm lược Nam Hán) và năm 1288 (quân dân nhà Trần tiêu diệt quân xâm lược Mông - Nguyên).

Trong thời kỳ bị thực dân Pháp đô hộ, tại Hải Phòng đã diễn ra các phong trào đấu tranh của nhân dân. Năm 1946, khi Pháp bội ước quay trở lại xâm lược Việt Nam, để thực hiện mục tiêu đánh chiếm Thủ đô Hà Nội, thực dân Pháp đã đánh chiếm và xây dựng Hải Phòng thành một địa bàn quân sự chiến lược rất quan trọng ở miền duyên hải, chi viện cho chiến trường chính ở Đông Bắc Bộ cùng với các chiến trường miền Bắc Đông Dương. Trong cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng đã tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện ngay trong vùng tạm chiếm và lập nhiều chiến công, làm nên truyền thống: “Đường 5 anh dũng”, “Đường 10 quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”... Với tinh thần “Trung dũng - Quyết thắng”, Hải Phòng đã góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau chiến thắng lịch sử đó, quân và dân thành phố Cảng bước vào cuộc chiến đấu mới với 300 ngày đêm đấu tranh để bảo vệ, giữ không cho địch đập phá, di chuyển máy móc vào miền Nam. Trên địa bàn Thành phố có nhiều khu du kích và làng chiến đấu điển hình như ở Cát Bà, Thủy Nguyên, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Đặc biệt, khu du kích Tiên Lãng gắn với tên tuổi anh hùng Phạm Ngọc Đa luôn là nỗi kinh hoàng của

đối phương. Truyền thống này đã được kế thừa và phát huy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Được xem là cửa ngừ của đất nước từ phớa biển, một thành phố đụng dân, có hải cảng lớn, nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông, có nhiều cơ sở chính trị, kinh tế, quốc phòng, có vị trí chiến lược quan trọng, Hải Phòng có nhiều lợi thế so với các tỉnh khác của vùng đồng bằng Bắc Bộ, là nơi hội tụ nhiều yếu tố quan trọng của quá trình xây dựng hậu phương cũng như điều kiện thuận lợi để xây dựng các tuyến giao thông chiến lược. Hải Phòng có nhiều thế mạnh về kinh tế, phát triển giao thông vận tải và dịch vụ, có nhiều thuận lợi khi triển khai xây dựng khu vực phòng thủ, kết hợp kinh tế với quốc phòng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng do có nhiều sông ngòi, bờ biển dài và nhiều đảo nên khi đất nước có chiến tranh, Hải Phòng dễ bị bao vây, uy hiếp từ phía biển và bị cô lập với Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh khác, khả năng bị chia cắt thành nhiều khu vực là rất lớn. Khi Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mỹ đã chọn Hải Phòng là một trong những trọng điểm bắn phá hết sức ác liệt.

Với điều kiện đa dạng về tự nhiên, kinh tế, xã hội, Hải Phòng đã vững bước phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, vượt qua những khó khăn thử thách trong điều kiện chiến tranh ác liệt và tiếp tục phát triển đến như ngày hôm nay.

3.1.2.2. Đặc điểm văn hóa - con người

Cùng với chiều dài lịch sử, Hải Phòng còn được xem là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi. Về đặc trưng văn hóa, những cư dân từ nhiều miền quê đến sinh sống tại vùng đất cửa biển này đã hình thành nên tính cách kiên nghị, năng động, sáng tạo trong lao động, luôn nhạy bén với cái mới, làm cho người Hải Phòng sớm tiếp thu được những tinh hoa của thời đại trước biến thiên của lịch sử.

Cư dân Hải Phòng từ khắp nơi hội tụ đến. Sinh sống lâu đời trên một vùng đất chua mặn, luôn luôn phải đối phó với biển khơi và bão tố để tồn tại và phát

triển nên trước hết, cư dân Hải Phòng là những con người cần cù, dũng cảm, không chịu khuất phục trước mọi thiên tai, địch họa.

Quá trình hình thành đất Hải Phòng cũng là quá trình hội tụ dân cư. Các di chỉ Cái Bèo (Cát Bà), Tràng Kênh, Việt Khê (Thủy Nguyên), núi Voi (An Lão) cho thấy tại Hải Phòng, từ thời kỳ đồ đá cũ đến thời kỳ đồ đồng đã có người Việt cổ sinh sống, góp phần tạo nên văn hóa Hạ Long, Phùng Nguyên, Đông Sơn nổi tiếng. Do những biến cố lớn về lịch sử, xã hội, tự nhiên và công cuộc khai hoang lấn biển, ở Hải Phòng thường có những đợt di cư lớn. Nhiều người từ các miền trung du và đồng bằng kéo đến đây khai phá đất đai. Bên cạnh đó, có hiện tượng những cư dân sống trên biển, những vạn chài hoặc từ những nơi xa xôi khác, bằng đường biển đã lập nghiệp trên đất liền. Lý Tử Tấn khi viết thông luận cho Dư địa chí của Nguyễn Trãi có nhận xét chung: “Đạo Hải Dương đất tốt, người hung hãn. Thái bình thì thuận lòng, thời loạn thì cường ngạnh, từ Đinh, Lý đến giờ vẫn thế”. Phạm Quý Thích khi đề tựa sách Hải Dương phong tục ký đại lược nói: “Thượng Hồng, Hạ Hồng và các huyện Chí Linh, Thanh Lâm, phủ Nam Sách phong tục văn nhã, gần hợp với lễ, còn bảy huyện khác thì phong tục hung hãn, vũ dũng, gần hợp với nghĩa, đây là nói đại khái phong tục ngày thường”

(Các huyện khác nói ở đây chính là thuộc vùng đất Hải Phòng ngày nay). Quá trình hội tụ cư dân cũng đồng thời là quá trình hội tụ văn hóa. Những nét đặc sắc của văn hóa nhiều miền đã hòa trộn, đan xen vào nhau tạo nên sắc thái phong phú, đa dạng và riêng biệt của đất và người Hải Phòng.

Về văn hóa, khi cộng đồng làng xã hình thành và ổn định thì văn hóa làng xã có điều kiện phát triển khá phong phú. Nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trong suốt chiều dài lịch sử mà chứng tích còn lưu lại đến ngày nay đã thể hiện tài năng của người Hải Phòng như tháp Tường Long, chùa Vân Bản, chùa Dư Hàng, chùa Hòa Hy, đình Hàng Kênh, đình Cung Chúc, đình Kền Bài, đình Đôn Lương, đình Gia Lộc, đền Nghè, từ Lương Xâm, miếu Cựu Điện...

Hải Phòng cũng là nơi bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian đặc sắc. Xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) là quê hương của múa rối (gồm rối nước, rối cạn, rối pháo), cũng là nơi có nghề điêu khắc, tạc tượng nổi

tiếng. Ngoài ra, còn có hát đúm ở Phục Lễ, Phả Lễ - trai gái hát giao duyên với nhiều làn điệu như trống quân, cò lả, sa mạc; ca trù Đông Môn (Thủy Nguyên)...

Về truyền thống khoa bảng, Hải Phòng thuộc tỉnh Đông nổi tiếng học hành đỗ đạt. Về tiến sĩ, huyện Thủy Đường (nay là Thủy Nguyên) có 18 người, huyện Nghi Dương (nay là Kiến Thụy) có 14 người, huyện An Lão 8 người, huyện An Dương 7 người, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo) 18 người, huyện Tiên Minh (nay là Tiên Lãng) có 11 người. Lịch sử gần 800 năm thi cử hán học của đất nước cho thấy, cả nước có 46 người đỗ Trạng nguyên thì Hải Phòng có 3 người, đó là Lê Ích Mộc (Thanh Lãng, Thủy Nguyên), Trần Tất Văn (Nguyệt Áng, An Lão) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trung Am, Vĩnh Bảo). Đặc biệt, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) được coi là cây đại thụ của nền văn học Việt Nam thế kỷ XVI mà bóng còn tỏa rợp sang cả thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII. Phan Huy Chú nhận xét về Nguyễn Bỉnh Khiêm: “có tài giỏi, lưu tiếng nghìn đời”, còn sứ nhà Thanh cũng phải trầm trồ: “An Nam lý học hữu Trình tuyển” (người Nam giỏi lý học chỉ có trình tuyển hầu Nguyễn Bỉnh Khiêm) [81, tr.35]. Học vấn uyên bác của ông cùng nhân cách cao đẹp đã được người đương thời kính phục, ngưỡng mộ, coi là bậc thầy của cả một thời đại và tôn ông là Tuyết Giang phu tử (đánh giá của Trường Chinh). Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm khi về ở ẩn, dựng am Bạch Vân, mở trường dạy học đã làm cho Vĩnh Bảo trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục nổi tiếng, thu hút sĩ tử của nhiều miền trong nước đến theo học, trong đó có nhiều người thành đạt như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ...

Lao động chân tay, lao động trí óc, lao động nghệ thuật của người Hải Phòng qua hàng nghìn năm đã tạo dựng nên những thành tựu văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần khá phong phú. Những truyền thống văn hóa ấy trở lại góp phần hun đúc cho con người Hải Phòng hiện nay: những công nhân có tay nghề cao, những nông dân thâm canh giỏi, những nghệ nhân nổi tiếng và những trí thức tài năng... Truyền thống văn hóa lâu đời là cơ sở tạo nên tính năng động, sáng tạo, luôn luôn nhạy bén với cái mới của con người Hải Phòng. Ngày nay, trên cơ sở phát huy mặt tích cực trong văn hóa truyền

thống, Hải Phòng đang đẩy mạnh xây dựng đô thị phát triển toàn diện, trong đó có vấn đề xây dựng XHHT.

Có thể nói, đất và người Hải Phòng đã tạo nên những nét đặc trưng riêng có của vùng đất Hoa Phượng đỏ. Nơi đây có bề dày lịch sử, có dân cư đô thị lâu đời, là thành phố lớn thứ ba cả nước, người dân thông minh, khoáng đạt với truyền thống khoa bảng nổi tiếng. Những đặc điểm ấy là cơ sở quan trọng để Hải Phòng thực hiện được nhiều kế hoạch giáo dục quan trọng, trong đó có vấn đề xây dựng XHHT.

3.1.3. Chủ trương, đường lối xây dựng xã hội học tập của Đảng,

Một phần của tài liệu Xây dựng xã hội học tập ở Hải Phòng hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(195 trang)
w