Phát triển cụm CNHT

Một phần của tài liệu Phát triển CNHT trong ngành ô tô tại việt nam (Trang 93 - 96)

Sự tập trung của các doanh nghiệp CNHT ô tô giúp cho nhà lắp ráp và nhà cung cấp có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau dễ dàng hơn, góp phần tăng cường liên kết, tạo sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nhà lắp ráp và nhà cung cấp. Sự gần gũi về mặt không gian giúp cho các doanh nghiệp lắp ráp cắt giảm được chi phí giao dịch, vận tải; các nhà cung cấp cũng dễ dàng thực hiện được chất lượng, giảm chi phí và giao hàng đúng hẹn. Đây cũng là cơ hội thuận lợi cho hiệu ứng lan tỏa công nghệ, tri thức diễn ra trong ngành ô tô. Đối với cơ quan thực thi chính sách, việc tập trung các doanh nghiệp có liên quan đến nhau trong một phạm vi địa lý nhất định sẽ là điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực và kiểm soát môi trường.

Thực tế cho thấy, mô hình chính sách phát triển cụm công nghiệp này đã thành công ở nhiều nước Châu Á, điển hình như cụm công nghiệp ô tô ở Quảng Châu, Trung Quốc. Nhờ áp dụng chính sách này, các nước Châu Á đã xây dựng được các cụm công nghiệp rộng lớn và tăng cường nền tảng công nghiệp của nước mình, đặc biệt là phát triển được nền tảng CNHT vững mạnh.

Rõ ràng việc phát triển các cụm công nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển CNHT. Trên cơ sở những phân tích ở trên, tác giả muốn đề xuất một số kiến nghị về chính sách phát triển các cụm công nghiệp nhằm phát triển CNHT ô tô tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần phải hiểu thống nhất về cụm công nghiệp. Chúng ta chỉ có thể phát triển được các cụm công nghiệp nếu hiểu một cách thống nhất về khái niệm và những đặc điểm của cụm công nghiệp cũng như sự khác biệt giữa cụm công nghiệp và khu công nghiệp.

Thứ hai, thực hiện chính sách phát triển cụm công nghiệp ô tô cần được tiến hành theo từng bước như trong mô hình của Kikuchi nói trên. Đặc biệt, chúng ta cần phải chú trọng tới vấn đề đầu tư vào nguồn nhân lực cho các cụm công nghiệp ô tô. Để làm được điều này, cần phải có các chính sách thích hợp huy động các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp cùng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta nên

có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp, kể cả nước ngoài và trong nước, tham gia đào tạo nguồn nhân lực. Có thể nói, đây là yếu tố mấu chốt quyết định tới sự phát triển bền vững của cụm công nghiệp và ngành CNHT ô tô. Tận dụng các doanh nghiệp FDI để đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp FDI có thể trực tiếp tham gia đào tạo con người hoặc thông qua việc đặt hàng cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật đối với các doanh nghiệp trong nước để góp phần phát triển nguồn nhân lực. Dù theo hình thức nào thì chúng ta cũng cần phải đưa ra được một mục tiêu rõ ràng, nếu không muốn nói là quan trọng bậc nhất, trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI.

Thứ ba, khi đã xây dựng được cơ sở hạ tầng (khu công nghiệp), chúng ta cần phải có chính sách ưu đãi rõ ràng để trước mắt thu hút các doanh nghiệp chủ đạo mà chủ yếu sẽ là các doanh nghiệp FDI, sau đó sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có liên quan.

Thứ tư, trên cơ sở thu hút các doanh nghiệp chủ đạo có vốn FDI, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần thay thế các doanh nghiệp này trong giai đoạn tiếp theo để cung cấp các linh, phụ kiện trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể phát triển được CNHT ô tô bằng nội lực của mình.

Thời gian cần thiết để chuyển từ giai đoạn một (chủ yếu phụ thuộc vào FDI) sang giai đoạn hai (các doanh nghiệp Việt Nam chiếm lĩnh thị trường) của CNHT ô tô Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước.

3.2.1.5. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam là quy mô vốn và lao động nhỏ, thường khởi sự từ khu vực kinh tế tư nhân, song rất linh hoạt, ứng biến nhanh nhạy với sự biến đổi của thị trường, thích hợp với điều kiện sử dụng các trình độ kỹ thuật khác nhau như thủ công, nửa cơ khí, cơ khí để sản xuất ra những sản phẩm hỗ trợ phù hợp với ngành sản xuất chính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình phát triển. Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là nguồn vốn. Mặc dù đã tiếp cận với khá nhiều các nguồn vốn khác nhau, song doanh nghiệp nhỏ và vừa khó bảo đảm nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay vốn ngân hàng như phương án kinh doanh chưa khả thi, tài sản thế chấp nhỏ,...

Theo điều tra gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng đã rất khó, nhưng việc duy trì khoản vay nợ và giữ uy tín với ngân hàng lại là điều khó hơn nhiều. Thêm vào đó, lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện quá cao. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, cứ 3- 6 tháng, doanh nghiệp phải đáo hạn một lần. Nếu không vay thì các hoạt động kinh doanh sẽ bị ngừng trệ, nếu phải vay với lãi suất cao, doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng ngắn hạn, đến hạn không trả được nợ, ngân hàng sẽ đưa khoản nợ của doanh nghiệp sang nhóm 2 (nợ cần chú ý-các khoản nợ quá hạn 10-90 ngày). Lúc đó khoản nợ của doanh nghiệp sẽ đưa lên hệ thống cảnh báo CIC của toàn hệ thống ngân hàng, đồng nghĩa với việc uy tín của doanh nghiệp bị giảm đi và sẽ không có hy vọng vay vốn ở bất cứ ngân hàng nào một cách thuận lợi....Vì thế, để bảo đảm uy tín, các nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa phải huy động vốn bằng mọi cách để đáo hạn nợ vay ngân hàng. Với các phân tích trên đây, để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho ngành ô tô chúng ta cần phải có những giải pháp hỗ trợ về vốn như:

● Thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng làm trung gian kết nối giữa Ngân hàng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn khi gặp khó khăn về tài sản thế chấp. Quỹ bảo lãnh tín dụng có thể bảo lãnh tín dụng cho các khoản vay từ ngắn hạn đến dài hạn nếu thấy dự án kinh doanh khả thi,

đồng thời chia sẻ rủi ro giữa quỹ bảo lãnh tín dụng với tổ chức tín dụng khi xảy ra bất khả kháng không trả được nợ. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy đây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để cải thiện nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

● Thành lập ngân hàng chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay, từ đó tập trung vào sản xuất kinh doanh và có cơ hội mở rộng hoạt động của mình. Đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mặt bằng sản xuất phù hợp, cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT được hưởng các chính sách ưu tiên trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp và các quyền khác về sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

● Lĩnh vực sản xuất linh, phụ kiện ô tô là lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác và đồng bộ. Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để có thể mua được bản quyền công nghệ từ nước ngoài và tận dụng được hiệu quả sự chuyển giao công nghệ của thế giới.

Một phần của tài liệu Phát triển CNHT trong ngành ô tô tại việt nam (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w