Môi trường: Kinh tế Việt Nam hiện chưa tạo đủ điều kiện để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào các khâu sản xuất hỗ trợ với định hướng phát triển dài hạn, bền vững trong bối cảnh hội nhập. Các mối liên kết kinh tế chủ yếu theo ngành dọc, gần như bó hẹp trong quan hệ liên kết đầu tư và bao tiêu sản phẩm.
Thị trường: Sản phẩm CNHT hiện chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa, độ chênh lệch giữa chất lượng sản phẩm và yêu cầu của các công ty ô tô của Nhật Bản còn lớn, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, chưa có kênh tiếp cận thị trường hoặc chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế.
Thông tin: Việc chia sẻ thông tin và hỗ trợ sản xuất giữa các doanh nghiệp khác chủ sở hữu với nhau rất hạn chế. Các công ty ô tô của Nhật Bản thường sử dụng các sản phẩm của các công ty vệ tinh, trên thực tế ít quan tâm đến phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ nội địa. Ngược lại, các doanh nghiệp nội địa vì nhiều lý do khác nhau, trong điều kiện sản xuất và kinh doanh của mình, khó tiếp cận với các doanh nghiệp FDI. Vai trò dẫn dắt của các Hiệp hội nghề nghiệp trong vấn đề này chưa thực sự nổi rõ.
Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực phục vụ cho CNHT ô tô còn yếu và thiếu. Yếu về trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và kỹ năng nghiên cứu, mở rộng thị trường. Thiếu những kỹ sư thiết kế, công nhân kỹ thuật lành nghề và các cán bộ quản lý. Thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ trong ngành ô tô với các cơ sở đào tạo. Theo các tiêu chí để phát triển CNHT ô tô như đã nêu trong chương I, thì CNHT ô tô tại Việt Nam chưa thực sự phát triển.
Quy mô: Các cơ sở CNHT chưa phát triển. Thiếu các cơ sở sản xuất, vật liệu hỗ trợ cơ bản như sắt, thép, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất ….
Công nghệ: Công nghệ gia công còn lạc hậu, công suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định như các khâu đúc phôi, rèn ép, mài, gia công, xử lý bề mặt, sản xuất khuôn mẫu….Các công ty FDI có công nghệ gia công tiên tiến hơn, tuy nhiên sản phẩm của những công ty này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu nội bộ và xuất khẩu sang các nước thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năng lực cạnh tranh: Năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất CNHT còn thấp. Cạnh tranh còn thiếu lành mạnh, tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp kém. Thiếu sự phối hợp, liên kết giữa nhà sản xuất chính với các nhà thầu phụ, giữa các nhà thầu với nhau, giữa các công ty ô tô có vốn FDI với các doanh nghiệp nội địa.
Doanh nghiệp FDI: Vấn đề sản xuất sản phẩm hỗ trợ để phục vụ các công ty lắp ráp ô tô tại Việt Nam hầu như đều do những doanh nghiệp CNHT có vốn FDI của Nhật Bản điều tiết. Các doanh nghiệp CNHT Việt Nam chưa chủ động tham gia vào mạng sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam và mạng lưới các doanh nghiệp sản xuất ô tô trên toàn cầu.