Mặc dù, trong bản Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 2020, tầm nhìn 2030, đã thể hiện quyết tâm quán triệt quan điểm về sản phẩm. Đó là tập trung sản xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và mức sống của người dân Việt Nam. Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ hình thành hai loại sản phẩm:
Loại xe cao cấp chủ yếu phục vụ cho đối tượng là các cơ quan nhà nước, các thị dân có mức sống cao, phục vụ cho nhu cầu du lịch, văn hoá, ngoại giao...
Loại xe ô tô phổ thông phục vụ cho thị trường trong nước mà trước hết là các nhu cầu vận tải hàng hoá nhỏ, nông sản trên các tuyến đường liên huyện, liên xã..., cho nhu cầu đi lại của người dân có mức sống thấp và trung bình.
Nhưng theo tác giả, việc lựa chọn dòng xe cao cấp làm dòng xe chiến lược của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là chưa thực sự phù hợp. Bởi tại thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp ô tô thực sự. Hoạt động của ngành
công nghiệp ô tô chủ yếu dựa vào việc lắp ráp với các linh, phụ kiện phần lớn được nhập khẩu tại chỗ hoặc từ nước ngoài về. Do vậy, với quan điểm về sản phẩm được nêu trong Bản Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam 2020, tầm nhìn 2030, theo tác giả là khó có thể thực hiện được nếu không có sự phát triển vượt bậc của CNHT ô tô-đặc biệt khi mốc thời gian lại rất gần.
Do vậy, tác giả cho rằng trong thời gian tới Việt Nam nên tập trung sản xuất các loại xe phổ thông, phục vụ cho nhu cầu vận tải hàng hóa nhỏ, nông sản trên tuyến đường liên huyện, liên xã. Điều này phù hợp hơn với năng lực thực tại của ngành ô tô Việt Nam. Và để làm được điều đó, thiết nghĩ, Chính phủ phải nhất quán tuân thủ quan điểm về sản phẩm trong suốt quá trình phát triển của ngành. Có như vậy, Việt Nam mới thực sự xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô của riêng mình với loại sản phẩm nêu trên.