Để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Trung Quốc đã xác định cần phải đẩy mạnh CNHT cho ngành này. Để thực hiện được điều đó, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp như sau [14]:
Đổi mới tư duy về CNHT
Mặc dù là CNHT, nhưng khác với một số nước khác, trong thực tế, người Trung Quốc không coi đó là những ngành phụ, thứ yếu hay không quan trọng. Trái lại, họ luôn coi đây là những ngành có tính chất quyết định đối với sự phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Vì thế, CNHT là đối tượng được chú ý đặc biệt trong kế hoạch phát triển công nghiệp của Trung Quốc.
Dưới sự chỉ đạo của chính phủ, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình xây dựng, phát triển và cạnh tranh. Chính vì thế, tuy cạnh tranh với nhau quyết liệt để tồn tại và nâng cao năng lực của mình, các doanh nghiệp này đã liên kết lại với nhau trong các hiệp hội ngành nghề, nhằm chia sẻ thông tin, cung ứng phụ tùng cho nhau và cùng chung sức phát triển những sản phẩm mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong và ngoài nước phải giải trình được họ sẽ mua các yếu tố đầu vào ở đâu, kế hoạch nội địa hóa trong
tương lai của họ như thế nào mới được cấp phép hoạt động. Chính điều này đã tạo ra lợi thế cho các doanh nghiệp CNHT của Trung Quốc, khiến cho các doanh nghiệp này có nhiều cơ hội để phát triển.
Mua lại các doanh nghiệp CNHT của nước ngoài
Bên cạnh việc khuyến khích thu hút các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài tham gia lĩnh vực này, Trung Quốc còn đẩy mạnh hoạt động mua lại các cơ sở sản xuất linh phụ kiện ở nước ngoài để chuyển về trong nước. Điển hình là việc hãng Weichai mua lại của Delphi, thuộc GM, dây chuyền sản xuất phanh, hệ thống treo, chi tiết cabin và tay lái hoặc vụ hãng Lifan mua công nghệ của BMN và Chrysler nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ những chính sách trên, ngành CNHT của Trung Quốc không những đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và lắp ráp xe trong nước mà còn gia tăng nhanh chóng kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc có tới 4.172 hãng sản xuất linh, phụ kiện ô tô với tổng doanh thu lên đến 550 tỷ NDT (74,40 tỷ USD). Xuất khẩu thiết bị phụ trợ của Trung Quốc năm 2005 tăng 75% so với năm 2004, đạt con số 15,2 tỷ USD. Trong hai quý đầu năm 2006, tốc độ tăng trưởng là 38% so với năm 2005. Wanxiang hiện đang cung cấp lượng lớn linh phụ kiện cho cả General Motors và Ford. Năm 2007, Trung Quốc xuất khẩu 11,5 tỷ USD linh phụ kiện, tăng 35% so với năm 2006. Năm 2008, Trung Quốc đã đạt được thành công lớn khi tổng giá trị xuất khẩu xe hơi và phụ tùng ô tô đạt đến con số 120 tỷ USD, giúp Trung Quốc chiếm 10% thị phần xe hơi toàn cầu. Đây là thành quả xứng đáng cho những cố gắng của các công ty Trung Quốc [11].
Thành lập nên các cụm công nghiệp ô tô
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã sớm nhận thấy mô hình công nghiệp tối ưu là một hãng lắp ráp được định vị gần với doanh nghiệp hỗ trợ để có một hệ thống cung ứng kịp thời, hoặc một hệ thống logistics hiệu quả. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã đầu tư xây dựng các con đường cao tốc để rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp hỗ trợ, cũng như khuyến
khích các doanh nghiệp hỗ trợ đặt nhà máy gần các doanh nghiệp lắp ráp để tạo thành các cụm công nghiệp ô tô.