cho phát triển logistics
Để phát triển logistics một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, dù là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, do Nhà nước hay tư nhân sở hữu, đều cần một khung khổ minh bạch, không phân biệt đối xử, ít gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Cho phép cạnh tranh tự do, không phân biệt đối xử trong cung cấp dịch vụ logistics là vô cùng quan trọng vì áp lực cạnh tranh liên tục sẽ thúc đẩy tăng
trưởng và khuyến khích các doanh nghiệp mới, có khả năng gia nhập thị trường. Áp lực cạnh tranh cũng khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, đa dạng hóa dịch vụ… thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Do vậy, tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh thuận lợi cho phát triển logistics là rất quan trọng.
Tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tạo “luật chơi” công bằng trên “sân chơi” là thị trường logistics Việt Nam trước hết và trên hết là nhiệm vụ của Chính phủ. Chính phủ cần thống nhất quan điểm đánh giá vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực logistics nói riêng, xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử trong quản lý kinh tế. Trong thực tiễn kinh doanh, hiện tượng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế khác nhau không chỉ tồn tại trong tư tưởng, nhận thức của một số cơ quan công quyền, một số địa phương, và một số công chức, mà nó còn thể hiện qua sự không thống nhất giữa những chính sách của Chính phủ, ví dụ như trong ưu đãi đầu tư cảng biển hay việc tiếp cận các nguồn lực trong kinh doanh của một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực logistics. Giải quyết được vấn đề tư tưởng sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh.
Việc định hướng và điều tiết các hoạt động kinh tế nói chung và các hoạt động logistics nói riêng cần được thực hiện qua những chính sách rõ ràng và công bằng áp dụng cho tất cả các thành phần của nền kinh tế. Cần có tiêu chí rõ ràng, không phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trong việc tiếp cận các trợ giúp về vốn tài trợ, quyền được cấp phép kinh doanh trong những lĩnh vực quan trọng và quyền tiếp cận những tài nguyên hay kết cấu hạ tầng quan trọng đóng vai trò chính trong kinh doanh. Cần áp dụng một chính sách thực sự bình đẳng và đánh giá
vai trò của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế qua hiệu quả và đóng góp cụ thể của nó vào nền kinh tế
Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoạt động trong lĩnh vực logistics theo hướng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, tạo vị thế và điều kiện kinh doanh công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Chính phủ có thể cần xây dựng một chiến lược quốc gia về cạnh tranh có tính định hướng và ổn định lâu dài, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với các qui định của quốc tế. cụ thể là cần nhanh chóng xóa bỏ những rào cản (có nguồn gốc từ chính sách) trong gia nhập, rút lui khỏi thị trường, cũng như những qui định tạo sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các nguồn lực, tiếp cận khách hàng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Cần phát huy vai trò của cơ quan Nhà nước chuyên trách để thống nhất quản lý các hành vi liên quan đến cạnh tranh ở phạm vi quốc gia (hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh,thuộc Bộ Công Thương). Cơ quan này cần thể hiện vai trò của mình như là cơ quan chủ trì trong việc tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh lành mạnh với cơ hội kinh doanh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường, cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia vào hệ thống logistics của nền kinh tế, ngăn ngừa và chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh...