Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế quản lý kinh tế lấy kế hoạch hóa làm công cụ trung tâm (miền Bắc từ 1954 đến 1986, cả nước từ 1975 đến 1986). Đặc trưng cơ bản của cơ chế quản lý kinh tế này là:
- Nền kinh tế chỉ có hai hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là sở hữu quốc doanh (nhà nước) và sở hữu tập thể (hợp tác xã) cũng do Nhà nước tổ chức và điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Nhà nước tổ chức và trực tiếp quản lý, trực tiếp điều hành toàn bộ nền kinh tế quốc dân thông qua các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, xã.
- Công cụ chủ yếu để quản lý và điều hành nền kinh tế và các ngành, các tổ chức và đơn vị kinh tế là kế hoạch hoá. Sản xuất cung ứng, tiêu thụ sản phẩm theo chỉ tiêu kế hoạch. Chỉ tiêu kế hoạch được giao từ cấp quản lý kinh tế trực tiếp.
- Phân phối chỉ tiêu đối với các loại vật tư kỹ thuật, các hàng tiêu dùng thiết yếu (vải, gạo, thịt, đường...) theo chỉ tiêu hiện vật, định lượng; theo địa chỉ cụ thể đến tận đơn vị sản xuất, đến người tiêu đùng với giá cả quy định. Về chỉ tiêu phân phối, phân theo cấp quản lý kinh tế trực tiếp.
- Tổ chức các cơ quan (doanh nghiệp lưu thông vật tư hàng hoá) chỉ có thành phần kinh tế nhà nước trong phạm vi cả nước, trên phạm vi một tỉnh, thành phố hoặc một huyện, thị xã. Các hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiêu thụ chỉ là khâu bán lẻ cuối cùng, thực hiện các chỉ tiêu phân phối và mua bán các hàng hoá có tính địa phương và tại chỗ.
Tư tưởng cơ bản của cách thức tổ chức quản lý nền kinh tế là các nguồn lực chỉ được sử dụng một cách có hiệu quả từ việc điều khiển của một trung tâm quyền lực tập trung; các quyết định sản xuất, mua bán, tiêu thụ của các tổ chức kinh tế được thực hiện theo kế hoạch được tính toán từ trước bởi các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, quyền quyết định các vấn đề trong sản xuất và tiêu thị thuộc về nhà nước, chứ không phải thuộc về doanh nghiệp. Các quyết định kinh tế cơ bản được thực hiện thông qua hệ thống kế hoạch hóa “2 xuống, 1 lên”: Cơ quan kế hoạch cấp trên gửi dự kiến chỉ tiêu kế hoạch xuống đơn vị cấp dưới, các đơn vị cấp dưới lập kế hoạch của mình gửi lên trên để xét duyệt và ban hành kế hoạch chính thức.
Thông qua hệ thống kế hoạch này, hình thành nên dòng vận động vật chất của các nguồn lực xã hội trong nền kinh tế trên hệ thống văn bản giấy tờ, hệ thống văn bản giấy tờ này tạo ra và chi phối dòng vận động vật chất thực tế trong nền kinh tế.
Đảm bảo cung cấp hàng hóa trong nền kinh tế được chia thành 2 nhánh lớn: (i) đảm bảo vật tư kỹ thuật cho sản xuất và (ii) Đảm bảo tư liệu tiêu dùng cho tiêu dùng của dân cư. Trong hệ thống này, thuật ngữ logistics không được đề cập đến mà sử dụng thuật ngữ: đảm bảo cung ứng vật tư kỹ thuật (hậu cần) cho sản xuất. Nhà nước hình thành nên một hệ thống các tổ chức tham gia vào
quá trình đảm bảo vật tư kỹ thuật cho sản xuất trong nền kinh tế quốc dân từ trên xuống dưới: Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Vật tư, Các Liên hiệp, Tổng Công ty cung ứng Vật tư kỹ thuật, Các Công ty cung ứng vật tư kỹ thuật, các phòng vật tư thuộc các xí nghiệp… Tương tự như vậy, đối với đảm bảo hàng tiêu dùng cho nhân dân, Nhà nước cũng hình thành nên hệ thống các tổ chức thực hiện nhiệm vụ này: Bộ Nội thương, Các Sở Thương nghiệp của các tỉnh, thành phố, Các Tổng Công ty, Công ty thương nghiệp, các cửa hàng bán lẻ… Ngoài ra, do đặc điểm của nền kinh tế nên các hoạt động đảm bảo vật tư và tiêu dùng sản xuất liên quan đến thị trường nước ngoài được thực hiện tương đối tách biệt, qua đó hình thành một hệ thống kinh tế chuyên làm nhiệm vụ xuất nhập khẩu: Bộ Ngoại thương, Các Tổng Công ty, Công ty ngoại thương…
Có thể thấy, trong thời kỳ này, các nội dung của logistics đã được tổ chức và thực hiện về mặt nguyên tắc, dù không được gọi dưới cái tên này. Về ý tưởng, việc tổ chức cung ứng vật tư kỹ thuật cho một nền kinh tế theo một hệ thống thống nhất cho phép các cơ quan kế hoạch hóa từ trung ương đến địa phương xây dựng và tính toán được một hệ thống kế hoạch đảm bảo cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu đúng sản phẩm, đúng thời gian, đúng địa điểm, đúng chi phí… một cách có hiệu quả thông qua các quy định về định mức sử dụng. Nếu được tổ chức tốt trong thực tiễn thì những yêu cầu của logistics trong thời kỳ này có thể được đáp ứng. Tuy nhiên, trên thực tế thì kết quả của logistics trong thời kỳ này rất hạn chế. Những hạn chế này không phải do bản thân ý tưởng tổ chức quá trình này mà do bị tác động bởi các khiếm khuyết của cơ chế quản lý kinh tế (động cơ hoạt động kinh tế của các tổ chức kinh tế không cao, tính “bao cấp” không khuyến khích hiệu quả của hệ thống, kế hoạch hóa quá tập trung, hệ thống cứng nhắc và thiếu linh hoạt với sự biến động của thị trường…), dẫn đến một nền kinh tế thiếu hụt về mọi mặt.
Trong giai đoạn 1954 – 1986, những nội dung lý thuyết của logistics với tên gọi đảm bảo vật tư kỹ thuật cho sản xuất và được nghiên cứu và phát
triển ở các khía cạnh: Kế hoạch hóa cung ứng vật tư kỹ thuật, Tổ chức hoạt động cung ứng vật tư kỹ thuật, Bảng cân đối liên ngành trong nền kinh tế, Xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật, Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật, Dự trữ và định mức dự trữ, Tổ chức và quản lý cung ứng vật tư kỹ thuật trong nền kinh tế, Tổ chức và quản lý các doanh nghiệp cung ứng vật tư kỹ thuật…thông qua hệ thống giáo trình, công trình nghiên cứu khoa học của Đại học Kinh tế Kế hoạch, Đại học Thương nghiệp, Các trường trung cấp vật tư, Viện Kinh tế Vật tư, Viện Kinh tế Ngoại thương…
Như vậy, những nội dung cơ bản của logistics đã được thực hiện trong nền kinh tế kế hoạch hóa đất nước giai đoạn 1954 – 1986 dưới một tên gọi khác phù hợp với cơ chế quản lý nền kinh tế của giai đoạn đó. Trong tiến trình lịch sử, có thể thấy sự phát triển của các nội dung cơ bản của logistics trong giai đoạn này là phù hợp với cơ chế và điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn đó. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường thì tên gọi cũng như cách thức tổ chức các hoạt động logistics của nền kinh tế như trong cơ chế kế hoạch hóa đã không còn phù hợp mà cần phải chuyển sang những nội dung và cách thức tổ chức logistics mới, hiện đại, phù hợp với bước phát triển mới của đất nước. Trong điều kiện đó, hệ thống logistics của nền kinh tế với việc đảm bảo cung ứng vật tư, hàng hóa cho sản xuất và cho tiêu dùng không chỉ là nhiệm vụ nhiệm vụ riêng của Nhà nước mà là nhiệm vụ chung cho cả hệ thống từ Nhà nước, các ngành, các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp.