Kinh nghiệm phát triển logistics của Singapore

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 65 - 69)

Theo đánh giá của WB, Singapore được xếp hạng là quốc gia thuận lợi nhất để kinh doanh (chỉ số LPI xếp hạng 2 năm 2010 và vươn lên hạng 1 năm 2012). Chính phủ Singapore kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng hoàn hảo và môi trường hỗ trợ kinh doanh nhằm phát triển Singapore trở thành trung tâm logistics, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm giáo dục quốc tế…

Singapore là đầu mối giao thông vận tải toàn cầu ở cả hàng hải và hàng không. Cảng biển Singapore là cảng container hàng đầu thế giới với sản lượng hàng hóa thông quan năm 2010 lên đến hơn 500 triệu tấn, trong đó riêng sản lượng container là 28,4 triệu TEU và hàng năm có khoảng 140 000

lượt tầu biển ghé cảng biển Singapore. Cảng Singapore là cảng trung chuyển hàng đầu thế giới. Cảng hàng không quốc tế Changi phục vụ 1010 hãng hàng không trên thế giới với 5600 chuyến bay hàng tuần. Sân bay Changi là sân bay có tần suất bay lớn thứ 7 thế giới, riêng về vận tải hàng hóa thông qua Changi năm 2010 lên tới 1,81 triệu tấn hàng [12].

Singapore là quốc đảo nhỏ, có diện tích hạn chế nên hệ thống giao thông vận tải đường bộ của Singapore bị hạn chế về quy mô phát triển. Tuy nhiên, đảo quốc này đã xây dựng được 3262km đường bộ và 138km đường sắt, tuy không lớn về quy mô nhưng có mật độ cao, hiện đại và có hiệu quả đối với vận tải trong nội bộ quốc đảo. Singapore cũng có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới với hệ thống hiện đại, dịch vụ công nghệ thông tin chất lượng cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thành công đối với lĩnh vực logistics của Singapore là vai trò của chính phủ. Chính phủ Singapore nhận thức rất rõ vai trò của logistics đối với sự phát triển của quốc đảo này cũng như nhận thức đầy đủ thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và đe dọa đối với hệ thống logistics quốc gia. Những thế mạnh nổi bật của hệ thống logistics quốc gia Singapore là: kết cấu hạ tầng hiện đại đứng hàng đầu thế giới, khả năng kết nối trong toàn bộ hệ thống cả về vật chất, thông tin và tiền tệ là hoàn hảo, lực lượng lao động được đào tạo ở trình độ cao về kiến thức, kỹ năng và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo [58]. Chính phủ Singapore cũng nhận thức được những hạn chế cơ bản của hệ thống là: thị trường nội địa có quy mô nhỏ với chi phí hoạt động tương đối cao (do tiền thuê đất và chi phí nhân công cao), các doanh nghiệp logistics có quy mô vừa và nhỏ, thị trường được phân khúc thành rất nhiều đoạn nên không có lợi thế về quy mô [59]…

Nhận thức được những điều đó, Chính phủ Singapore đặt ra mục tiêu chiến lược hết sức đúng đắn đối với hệ thống logistics quốc gia là: “Phát triển

Singapore trở thành trung tâm logistics tích hợp hàng đầu thế giới với năng lực vận tải hàng hải, hàng không và đường bộ vượt trội”. Năm 1997, Singapore triển khai chương trình Logistics Enhancement and Application Program (LEAP) với 4 nhóm giải pháp và 16 dự án cụ thể về phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, phát triển năng lực công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng. Các dự án này đã được triển khai rất thành công, đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển logistics của quốc đảo này. Chính phủ Singapore kiên định chiến lược phát triển Singapore thành trung tâm logistics toàn cầu, trong đó chú trọng 3 nhóm giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, các cam kết của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho lĩnh vực vận tải biển và logistics như: ưu đãi thuế cho các công ty tàu biển quốc tế, các công ty Singapore cung ứng dịch vụ logistics, các công ty cung cấp tín dụng cho vận chuyển và thuê tàu; khuyến khích các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sử dụng dịch vụ cho vay của Singapore để thuê mua tàu biển và container; hỗ trợ trong đào tạo nhân lực và phát triển kinh doanh cho các công ty Singapore thông qua Quỹ Hàng hải… Chính phủ Singapore khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu, khuyến khích các công ty đa quốc gia và các nhà cung ứng dịch vụ logistics quốc tế đặt trụ sở tại nước mình… Singapore cũng thực thi một chính sách tự do nhất đối với quyền sở hữu kinh doanh nước ngoài, không có bất cứ một nguyên tắc đặc thù riêng nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực kinh doanh. Chính vì vậy, Singapore đã thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thành lập các trung tâm mua bán, quảng cáo và phân phối hàng hóa nhờ luật đầu tư nước ngoài minh bạch, cơ chế hành chính hợp lý, hiệu quả.

Thứ hai, đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng logistics quan trọng, có quy mô lớn, hiện đại như tuyến đường sắt Downtown Line, hệ thống

đường cao tốc, trung tâm logistics hàng không, trạm không vận hàng tươi sống, trung tâm hàng tiêu dùng, trung tâm kinh doanh và vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật… Chính phủ Singapore cũng đầu tư mạnh mẽ về công nghệ thông tin thông qua việc nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm tự động hóa hệ thống trao đổi thông tin thương mại và pháp luật. Điều đó giúp giảm các chi phí liên quan đến thông tin trong các hoạt động logistics, đồng thời tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực logistics thông qua các hoạt động như cấp học bổng và tài trợ nghiên cứu logistics cho sinh viên, thành lập Học viện Logistics châu Á – Thái Bình Dương và phát triển học viện này thành cơ sở đào tạo nhân lực logistics hàng đầu châu Á; thành lập Viện Nghiên cứu logistics Singapore nhằm phát triển chiến lược và chương trình đào tạo logistics…

Bên cạnh vai trò của Chính phủ, Hiệp hội logistics Singapore cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hệ thống logistics của quốc gia này. Các chi phí logistics liên quan đến giao nhận, vận tải đều được Hiệp hội thống nhất quy định chung và các thành viên được khuyến khích áp dụng để tránh tình hình cạnh tranh về giá, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Nhờ những giải pháp hợp lý đó, logistics hiện nay đóng góp khoảng 7% GDP của Singapore (2009). Năm 2009, mặc dù nền kinh tế thế giới và khu vực lâm vào khủng hoảng và phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng tổng vốn đầu tư vào logistics ở Singapore vẫn lên đến hơn 500 triệu USD. Hiện nay, trong số 25 nhà cung cấp dịch vụ 3PL hàng đầu thế giới thì có đến 17 đã chọn đặt trụ sở và trung tâm điều hành khu vực tại Singapore. Tiêu biểu là các tập đoàn DB Schenker, DHL, TNT… Không chỉ các doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới lựa chọn Singapore là cửa ngõ xâm nhập thị trường châu Á

mà Singapore còn được các doanh nghiệp logistics châu Á chọn là cửa ngõ đi ra thị trường thế giới.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 65 - 69)