Thực trạng hệ thống luật pháp, chính sách phát triển logistics

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 113 - 115)

Các yếu tố thuộc thể chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực dịch vụ này chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện hỗ trợ tốt cho ngành này phát triển. Trước năm 2005, luật pháp Việt Nam chưa có quy định về các hình thức dịch vụ logistics và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics. Đến khi Luật Thương mại (sửa đổi) được thông qua năm 2005, thuật ngữ dịch vụ logistics mới được đưa vào. Trong Luật Thương mại 2005, các vấn đề liên quan đến dịch vụ logistics được quy định tại 8 điều, từ điều 233 đến điều 240, trong đó quy định các vấn đề liên quan đến định nghĩa và phân loại dịch vụ logistics, điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, quyền và nghĩa vụ của thương nhân cung cấp cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ logistics. Sau khi Luật Thương mại 2005 ra đời và có hiệu lực tới gần 2 năm thì Nghị định 140/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Thương mại 2005 mới ra đời và có hiệu lực. Sự chậm chễ này gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Mặc dù các quy định của Luật Thương mại 2005 đã được

diễn giải và hướng dẫn khá chi tiết trong Nghị định 140 nhưng cũng có nhiều nội dung còn thiếu hoặc sơ sài trong cả 2 văn bản pháp luật cơ bản điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ này. Ví dụ, hiện nay trong Luật và Nghị định cũng chưa cụ thể hóa qui chế của người chuyên chở không có tàu trong pháp luật về logistics.Việc cấp phép họat động cho các công ty tư nhân của chính quyền địa phương lại đựơc thực hiện đại trà mà không xem xét khả năng tài chính, cơ sở vật chất của đơn vị xin phép hoạt động. Các qui định về dịch vụ phát chuyển nhanh hiện nay còn coi là dịch vụ bưu điện chứ chưa được coi là một loại hình dịch vụ logistics và còn chịu sự điều tiết của các Nghị định, Thông tư về bưu chính viễn thông.

Ngoài Luật Thương mại 2005 và Nghị định 140/2007/NĐ - CP, hoạt động cung ứng các loại hình dịch vụ logistics còn được điều chỉnh bởi nhiều luật và văn bản dưới luật khác như: Luật Hàng hải 2005, Luật Hàng không dân dụng 2006, Luật Đường thủy nội địa 2004, Luật Đường bộ 2001, Luật Đường sắt 2005, Nghị định 125/2003/NĐ – CP về vận tải đa phương thức… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics cũng phải tuân thủ các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực này như Hiệp định khung ASEAN về vận tải đa phương thức, Hiệp định Tiểu vùng Sông Mêkông về vận tải xuyên biên giới…

Quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics còn chồng chéo, chưa thống nhất và còn nhiều bất cập. Hiện nay ở Việt Nam không có một cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực logistics và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics mà tồn tại nhiều cơ quan khác nhau quản lý các loại hình dịch vụ logistics khác nhau. Cơ chế phân cấp quản lý theo ngành dọc như Bộ Giao thông Vận tải – Cục Hàng hải quản lý vận tải biển, Cục Hàng không dân dụng quản lý vận tải đường không, Cục Đường bộ quản lý vận tải đường bộ, Cục Vận tải thủy nội địa quản lý vận tải thủy nội địa; Bộ

Công - Thương quản lý giao nhận và kho vận… lại tạo ra sự chuyên biệt trong trong quản lý kinh doanh các dịch vụ logistics như là những lĩnh vực kinh doanh riêng rẽ.

Về chính sách phát triển, hiện nay ở Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển logistics quốc gia hay quy hoạch phát triển hệ thống logistics quốc gia nào. Trên thực tế, Thủ tướng chính phủ mới ban hành các quy hoạch, chiến lược, đề án liên quan đến kết cấu hạ tầng logistics như: Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến 2020; Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông… Các văn bản này thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với từng lĩnh vực trong mối tương quan đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, trong chừng mực nào đó có đề cập đến phát triển logistics và dịch vụ logistics, nhưng lại thiếu tính liên kết và sự chuyên biệt riêng cho phát triển logistics ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 113 - 115)