Giải pháp phát triển cơ sở lý thuyết về nghiên cứu và ứng dụng

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 126 - 130)

Một trong những nguyên nhân khiến thực trạng phát triển logistics ở Việt Nam còn non kém, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy hết vai trò của nó như là hệ thống liên kết các chủ thể kinh tế, các hoạt động kinh tế trong nền kinh tế quốc dân là do nhận thức cũng như trình độ nguồn nhân

lực cho lĩnh vực này còn yếu kém. Thực tế ở các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics hiện nay, kiến thức và nhận thức về logistics cũng như vai trò của nó còn chưa thực sự rõ ràng. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng đơn thuần nghiệp vụ logistics chỉ là vận chuyển hàng hóa, lưu kho bãi hoặc các dịch vụ hải quan mà không tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng. Chưa thấy hết ý nghĩa của logistics là đảm bảo cho các ngành kinh tế khác về thời gian, chất lượng hàng hóa, chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối hàng hóa, bởi vì nó tối ưu hóa các khâu trong chuỗi cung ứng, mang lại giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Nhiều nhân viên làm việc trong doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về khái niệm và các nội dung của logistics, hầu hết đội ngũ lao động của các doanh nghiệp chưa được đào tạo chuyên biệt về lĩnh vực này. Để tạo dựng cơ sở cho ứng dụng logistics trong kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam, cần tăng cường nhận thức, phát triển cơ sở lý thuyết và đào tạo nguồn nhân lực logistics quốc gia.

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có trình độ logistics phát triển cao trên thế giới như CHLB Đức, Nhật Bản hay Singapore, một điều dễ nhận thấy là các quốc gia này rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu lý thuyết về logistics. Ở CHLB Đức có các cơ quan nghiên cứu của Chính phủ cũng như các Viện nghiên cứu về logistics, như Viện Nghiên cứu logistics và Kinh tế vận tải Bremen, tập trung nghiên cứu chuyên sâu về các giác độ tiếp cận logistics và các quan điểm lý thuyết mới, hiện đại về lĩnh vực này. Ở Nhật Bản có học viên logistics quốc gia chuyên đào tạo và nghiên cứu logistics… Hoạt động của các tổ chức này đóng góp lớn vào sự phát triển logistics của các quốc gia đó cả ở tầm vĩ mô, trung mô và vi mô. Ở Việt Nam, để phát triển cơ sở lý thuyết về logistics, Chính Phủ nên thành lập một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này, có thể gọi tên là Viện Nghiên cứu Logistics quốc gia. Nhiệm vụ của cơ quan này là nghiên cứu logistics với tư cách là một khoa

học liên quan đến cung ứng các điều kiện vật chất và thông tin cho các quá trình kinh tế; phát triển các giác độ tiếp cận, các quan niệm và nội dung tương ứng, đặc biệt là các quan niệm mới, hiện đại liên quan đến lĩnh vực này. Nghiên cứu, lựa chọn và phát triển các lý thuyết logistics mang tính chất hiện đại, hội nhập và phù hợp với điều kiện của một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Mặt khác, để tăng cường nhận thức, kiến thức về logistics cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp cung ứng cũng như khách hàng sử dụng dịch vụ logistics, cần phát triển các tổ chức nghiên cứu và đào tạo logistics, cả ở cấp độ đào tạo dài hạn, chính quy đến các cấp độ đào tạo có tính chất ngắn hạn, hướng nghiệp. Mục tiêu cơ bản ở đây là nhằm phát triển nguồn nhân lực logistics quốc gia chuyên nghiệp, hiện đại, có kiến thức và kỹ năng giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh hội nhập. Muốn vậy, cần tập trung đầu tư cho đào tạo nhân lực logistics.

Đầu tư cho giáo dục đào tạo nói chung là một trong những trụ cột quan trọng của đầu tư phát triển. Đối với nguồn nhân lực logistics, cần thiết lập ngành học về logistics và quản trị chuỗi cung ứng trong hệ thống đào tạo đại học và sau đại học ở Việt Nam. Đó là điều kiện cần thiết để đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực logistics một cách có chất lượng và mang tính bền vững. Có thể thành lập trường đại học chuyên về logistics và chuỗi cung ứng, như kinh nghiệm của Singapore hay Nhật Bản. Các trường đại học có điều kiện thuận lợi và nguồn lực phù hợp có thể thành lập khoa hoặc mở chuyên ngành đào tạo về logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Trong đào tạo chính quy, cần hài hòa giữa đào tạo nhân lực cho hoạch định chính sách phát triển logistics và đào tạo nhân lực làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Cũng cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ngành học thông qua việc đào tạo giảng viên, có thể cử các giảng viên tại các trường

đại học đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài nhằm tiếp thu các kiến thức mới về logistics. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình đào tạo ngắn hạn hiện có của các trường, viện, trung tâm, hiệp hội…

Bản thân các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực cho đội ngũ lao động của doanh nghiệp mình, thông qua hoạt động tự đào tạo hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo chính quy. Điều này sẽ giúp cho các thành viên trong doanh nghiệp hiểu đúng bản chất và đặc điểm của hoạt động logistics, đồng thời cập nhật những thông tin với về quá trình phát triển của logistics trên thế giới nhằm nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động này đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh của mình. Các công ty, doanh nghiệp có thể thông báo cho Hiệp hội của mình về nhu cầu đào tạo, các lĩnh vực quan tâm cũng như mời các chuyên gia kinh nghiệm đào tạo nội bộ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện nay đang có kế hoạch đầu tư con người để đảm bảo cạnh tranh thắng lợi và cung cấp dịch vụ có hàm lượng chất xám cao hơn. Đào tạo và chuyên môn hóa lực lượng lo thủ tục hải quan trong các công ty giao nhận quốc tế. Xây dựng kế hoạch, cử người đi tham quan, học hỏi ở nước ngoài, có chính sách đãi ngộ tốt và xứng đáng với các nhân viên giỏi chuyên môn, kỹ thuật. Đào tạo và tái đào tạo nguồn lực hiện có, thu hút lao động từ xã hội có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành liên quan, am tường ngoại ngữ, có kiến thức địa lý, ngoại thương, cập nhật thường xuyên kỹ thuật mới trong nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế. Các công ty cần có chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập, thuyết trình về thực tiễn hoạt động ngành hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới cho sinh viên. Các công ty phải có đóng góp vật chất cụ thể cho đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các trường nếu muốn sử dụng sinh viên tốt nghiệp từ những trường này.

Nhà nước, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ và sự hợp tác với nước ngoài trong đào tạo nguồn nhân lực

logistics. Có cơ chế khuyến khích các trường đại học, các cơ sở đào tạo hợp tác đào tạo với các chuyên gia hoặc các tổ chức đào tạo nước ngoài ở các quốc gia có hệ thống logistics phát triển và hiệu quả. Có cơ chế khuyến khích các nguồn vốn nước ngoài đầu tư và tham gia vào lĩnh vực đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam. Cần tranh thủ sự hợp tác hiện có với các hiệp hội quốc tế như Hiệp hội giao nhận quốc tế FIATA, Hiệp hội hàng không quốc tế IATA… để tìm kiếm các nguồn tài trợ cũng như tham dự các khóa đào tạo quốc tế do các tổ chức này tiến hành.

Thực hiện tốt các giải pháp có tính định hướng nói trên sẽ góp phần phát triển cơ sở lý thuyết về logistics, tăng cường nhận thức, hiểu biết về logistics, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics ở nước ta. Đó sẽ là tiền đề cho sự phát triển logistics ở cả cấp độ hệ thống logistics của nền kinh tế và hoạt động logistics của các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 126 - 130)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)