Thực trạng môi trường cạnh tranh

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 111 - 113)

Lĩnh vực logistics bao gồm nhiều loại hình dịch vụ logistics khác nhau. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có thể cung ứng đơn lẻ một hoặc một số loại dịch vụ, hoặc có thể cung ứng đồng bộ các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chỉ đủ năng lực cung ứng các dịch vụ đơn lẻ, hay nói cách khác là thực hiện một hoặc một số công đoạn của toàn bộ dây chuyền cung ứng, phổ biến nhân là các dịch vụ như giao nhận, kho bãi, khai quan hay vận tải nội địa. Đối với các doanh nghiệp như vậy, rào cản để gia nhập và rút khỏi ngành không lớn. Nhìn chung, các rào cản gia nhập và rút khỏi ngành của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam tập trung ở một số nhóm sau:

- Tính chuyên môn hóa cao của các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật như hệ thống sân bay, nhà ga, cảng biển, cảng sông; hệ thống kho bãi và trang thiết bị kho bãi; đội tàu, đội xe và các trang thiết bị xếp dỡ, vận chuyển; hệ thống container và các phương tiện vận chuyển xếp dỡ container…

- Yêu cầu về vốn khá cao: Cung ứng dịch vụ logistics gắn chặt với yêu cầu về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị chuyên dụng, cũng như yêu cầu về hệ thống công nghệ thông tin, do đó có yêu cầu cao về vốn, đặc biệt là vốn cố định so với một số ngành nghề kinh doanh khác. Một số doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ logistics liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu cũng phải đáp ứng được các yêu cầu về chi phí hay ngoại tệ để làm vận đơn, mở L/C… Tỷ lệ đăng ký vốn bình quân khoảng 1,5 tỷ đồng có thể coi là khá cao so với các ngành nghề khác nhưng đối với ngành dịch vụ logistics thì tỷ lệ này là thấp.

- Độc quyền cung ứng dịch vụ đối với một số lĩnh vực nhất định: Đối với một số loại hình dịch vụ logistics mang tính chất đặc thù, như dịch vụ vận tải đường hàng không, dịch vụ vận tải đường sắt… ở Việt Nam có tình trạng độc quyền hoặc độc quyền nhóm. Ví dụ, đối với dịch vụ vận tải đường sắt hiện nay chỉ có một nhà cung cấp duy nhất là Tổng Công ty Đường sắt Việt

Nam; dịch vụ vận tải hành khách bằng đường hàng không chỉ có Vietnam Airlines, Pacific Airlines và mới đây có Mekong Airlines gia nhập thị trường.

Xem xét những tiêu thức về mức độ cạnh tranh trong ngành dịch vụ logistics Việt Nam, có thể thấy như sau:

Về số lượng doanh nghiệp trong ngành: Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1000 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics là doanh nghiệp Việt Nam, và khoảng 25 doanh nghiệp nước ngoài là những tập đoàn lớn của thế giới có bề dày hoạt động và năng lực kinh doanh rất mạnh. Con số này là khá lớn nếu so sánh với các ngành dịch vụ logistics của các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore [3].

Hầu hết các doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ nên hầu như không có sức mạnh thị trường. Hơn nữa, ngành dịch vụ logistics bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau; các doanh nghiệp trên thị trường có thể cung ứng các dịch vụ đơn lẻ (ví dụ, dịch vụ vận tải), hoặc cung cấp trọn gói, tích hợp nhiều dịch vụ. Do vậy, mức độ tập trung của ngành không quá lớn nếu xem xét toàn bộ thị trường. Tuy nhiên, nếu xem xét từng loại hình dịch vụ cụ thể thì tình hình cạnh tranh lại có sự khác biệt. Ví dụ:

• Đối với dịch vụ vận tải đường sắt thì Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là doanh nghiệp độc quyền cung cấp dịch vụ.

• Đối với dịch vụ vận chuyển đường không thì có tình trạng độc quyền nhóm khi chỉ có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Air Mekong chia sẻ thị trường.

• Đối với dịch vụ vận chuyển đường bộ, hiện có khoảng 1050 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải nội địa, bao gồm cả vận tải hàng hóa và hành khách. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tính trung bình toàn ngành mỗi doanh nghiệp có khoảng 50 phương tiện vận chuyển các loại. Như vậy, tuy số lượng doanh nghiệp kinh doanh tương đối đông đúc, nhưng sức mạnh thị trường không lớn, và nhu cầu đối với dịch vụ này rất cao [3], [11].

Thị trường của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics tăng trưởng rất nhanh do nhu cầu lớn và các doanh nghiệp nội địa chỉ có khả năng đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Hơn nữa, đây là một ngành kinh doanh có nhiều loại hình dịch vụ đa dạng nên có mức độ khác biệt hóa cao nên có mức độ khác biệt hóa sản phẩm khá cao. Điều này khiến mức độ cạnh tranh trong ngành giảm xuống. Trong nội bộ ngành cũng tồn tại tính đa dạng cao bởi sự khác biệt giữa các doanh nghiệp về lịch sử, triết lý kinh doanh, phân khúc thị trường, khách hàng mục tiêu…

Như vậy, mặc dù có điều kiện rất thuận lợi về cầu (sức mạnh của khách hàng yếu, không có sản phẩm thay thế) nhưng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam vẫn có năng lực cạnh tranh hạn chế do sức mạnh của bản thân các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ còn yếu kém.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 111 - 113)