Một trong những chức năng của hệ thống logistics quốc gia là phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho nền kinh tế. Để phát triển nguồn cung hàng hóa, cần thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Cần phát triển các kênh phân phối hàng hóa của nền kinh tế. Đây thực chất là các tuyến trong hệ thống logistics của nền kinh tế. Cần tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của các loại hàng hóa trong nền kinh tế nhằm thiết lập hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước trên thị trường nội địa; tận dụng mạng lưới phân phối quốc tế để đưa hàng hoá của Việt Nam ra nước ngoài nhằm mở rộng sản xuất, phát triển xuất khẩu; cũng như phân phối các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài đến các đối tượng khách hàng của nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển các tuyến trong hệ thống logistics của nền kinh tế có thể tập trung vào các dạng cơ bản sau:
- Phát triển các tuyến phân phối đối với các mặt hàng quan trọng đối với sản xuất và dân sinh như sắt - thép, xi măng, xăng dầu, dệt- may, phân bón, lương thực… Đối với các mặt hàng này, có thể tạo lập và phát triển các mối liên kết dọc trong toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách hình thành nên 1 công ty thương mại (công ty thành viên) hoặc công ty mẹ trực tiếp đảm nhận chức năng điều hành toàn bộ chuỗi phân phối trực thuộc được lập ra (gồm trung tâm logistics, kho hàng, cửa hàng bán buôn, cửa hàng bán lẻ...). Mở rộng các kênh phân phối ngoài hệ thống trực thuộc theo các phương thức đại lý, nhượng quyền thương mại (trong bán lẻ), theo hợp đồng cung ứng hoặc theo đơn hàng (trong bán buôn) với các chủ thể kinh doanh khác trên cơ sở phân chia thị trường theo các khu vực địa lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả chuỗi phân phối. Các mối liên kết trong và ngoài hệ thống, đặc biệt là giữa tập đoàn với các chủ thể ngoài hệ thống phải được xác lập ổn định, lâu dài và bền vững. Trong bán lẻ, các cửa hàng trực thuộc, các bạn hàng, đại lý phải trở thành các “cứ điểm” kinh doanh, bám sát sản xuất và tiêu dùng, trở thành phương cách cơ bản để mở rộng lưu thông, làm công cụ kinh tế để thực hiện quá trình điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả.
- Phát triển các tuyến phân phối có tính chất kinh doanh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sản xuất và tiêu dùng của các ngành, các lĩnh vực và đông đảo quần chúng nhân dân trong toàn bộ nền kinh tế thông qua phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động phân phối trên một thị trường nhất định phân chia theo khu vực địa lý như các công ty bán buôn với các kho hàng, trung tâm logistics, chợ đầu mối…; các công ty bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi ...; các cơ sở sản xuất chế biến phụ trợ…
- Phát triển mạng lưới các doanh nghiệp bán lẻ với nhiều loại hình đa dạng như công ty bán lẻ tổng hợp, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa
hàng… Các doanh nghiệp bán lẻ cần chú trọng liên kết với các đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng, các công ty kinh doanh nhập khẩu, các trang trại, các hợp tác xã nông nghiệp, các chợ đầu mối để tạo nguồn hàng ổn định lâu dài, với khối lượng lớn, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu của các đối tượng khách hàng.
- Phát triển mạng lưới các doanh nghiệp bán lẻ bán buôn, tăng cường liên kết với mạng lưới bán lẻ để đặt hàng với nhà sản xuất và nhà nhập khẩu; tổ chức các trung tâm logistics, các kho hàng bán buôn để phân loại, chọn lọc, đóng gói, làm đồng bộ hàng hoá…, từ đó cung ứng cho các đối tượng khách hàng theo khu vực thị trường.
- Phát triển mạng lưới các công ty logistics là các công ty thành viên thuộc các tập đoàn, các tổng công ty… đảm nhận cung ứng dịch vụ logistics cho toàn bộ hệ thống, thực hiện các dịch vụ liên hoàn, từ thu mua, quản lý kho, đóng gói, chia lẻ, điều tiết hàng hoá theo kế hoạch bán hàng, đến dự báo xu hướng bán hàng, thậm chí thay mặt cho chủ hàng trong việc thanh toán với khách hàng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin.
Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể, tính toán lựa chọn địa điểm để phát triển các trung tâm logistics quốc gia, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Khi tính toán, quy hoạch, cần tính đến các yếu tố để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một trung tâm logistics là: hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách. Trong đó, phần cứng là hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cảng biển là hạt nhân của sự phát triển logistics. Ngoài hệ thống trang thiết bị hiện đại, về vấn đề con người cần phải có đội ngũ quản lý và một nguồn nhân lực phục vụ có chất lượng.
Thực hiện các biện pháp đảm bảo dòng hàng hóa vận động thông suốt, nhanh chóng trong toàn bộ hệ thống như tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải đa phương thức; tính toán và tổ chức thực hiện thu các loại phí liên quan đến vận
tải, bốc dỡ một cách hợp lý; thực hiện các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến giao nhận, vận chuyển, khai quan…; giảm thiểu nạn sách nhiễu, “mãi lộ”… trên các tuyến vận chuyển hàng hóa trong toàn bộ nền kinh tế…