Từ những phân tích trên đây cho thấy sự phát triển hệ thống logistics của Việt Nam hiện nay có những ưu điểm cơ bản là: thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự lớn mạnh của hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ phân phối, số doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong ngành khá lớn, gồm nhiều thành phần kinh tế… nhưng vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh:
Thứ nhất, hệ thống khoa học lý thuyết về logistics còn sơ khai; nhận
thức về logistics của các bộ phận cấu thành hệ thống logistics, từ người cung ứng, người sử dụng đến các cơ quan quản lý nhà nước còn đơn giản, chưa đầy đủ. Đặc biệt, thiếu vắng các nghiên cứu về hệ thống logistics trong nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, thị trường dịch vụ logistics còn phát triển chưa xứng với tiềm
năng, chưa trở thành động lực và nhân tố then chốt góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Cụ thể:
- Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, kinh doanh manh mún, thiếu kinh nghiệm, chủ yếu chỉ tập trung ở phạm vi thị trường nội địa chứ chưa vươn ra được thị trường quốc tế…
- Các loại hình dịch vụ được cung ứng chủ yếu là dịch vụ cơ bản như dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận…, chưa cung ứng được nhiều loại hình dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao.
- Đối với bản thân các loại hình dịch vụ phổ biến ở Việt Nam cũng chứa đựng những hạn chế, yếu kém trong năng lực cung ứng dịch vụ như khối lượng vận tải nhỏ, chi phí cao, trang thiết bị lạc hậu, trình độ cung ứng kém… Những hạn chế trên đây khiến dịch vụ logistics của Việt Nam có chất lượng còn thấp, chi phí lại cao (so với chất lượng dịch vụ cung ứng), từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ cũng như của doanh nghiệp.
Thứ ba, có thể nhận thấy rõ một “nút thắt cổ chai” kìm hãm sự phát
triển của hệ thống logistics quốc gia là sự yếu kém của kết cấu hạ tầng logistics, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. “Nút thắt cổ chai” này làm tăng chi phí logistics, tăng thời gian vận chuyển sản phẩm và làm giảm sự tin cậy của khách hàng vào dịch vụ của các doanh nghiệp cung ứng.
Thứ tư, “nút thắt cổ chai” thứ hai ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển logistics ở Việt Nam là sự yếu kém của hệ thống luật pháp, chính sách. Hệ thống văn bản pháp luật về logistics còn rời rạc, sơ sài, thiếu đồng bộ. Chưa có chiến lược phát triển hệ thống logistics quốc gia. Lĩnh vực logistics do nhiều bộ, ngành cùng quản lý mà không có một cơ quan thống nhất dẫn đến sự quản lý chồng chéo, thiếu đồng bộ và không hiệu quả.
Đánh giá khái quát về hệ thống logistics ở Việt Nam, có thể xem xét chỉ số LPI của Việt Nam của WB. Theo đánh giá của WB, Việt Nam hiện xếp thứ 53 trên toàn cầu và đạt mức trên trung bình (>2.5/5) ở tất cả các tiêu chí và có xu hướng cải thiện ngày càng tốt hơn ở hầu hết các tiêu chí nhưng với mức độ tương đối chậm. Mặt khác, tiêu chí về năng lực thông quan có điểm số giảm dần qua 3 lần đánh giá, và tiêu chí về năng lực và chất lượng dịch vụ logistics có sự cải thiện vào năm 2010 nhưng lại sụt giảm vào năm 2012. Thêm vào đó, mặc dù điểm số của các chỉ tiêu đánh giá của chỉ số LPI của Việt Nam có xu hướng được cải thiện nhưng về thứ hạng so với các quốc gia khác trên thế giới lại có sự sụt giảm ở nhiều chỉ tiêu quan trọng như năng lực thông quan, kết cấu hạ tầng, năng lực và chất lượng dịch vụ logistics. Về cơ bản, kết quả đánh giá chỉ số LPI của WB đối với Việt Nam phản ánh chính xác trình độ phát triển logistics logistics của Việt Nam cũng như những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này.
Bảng 3.10. Chỉ số LPI của Việt Nam (2007, 2010, 2012)
Chỉ tiêu 2007 2010 2012
Hạng Điểm Hạng Điểm Hạng Điểm
Chỉ số LPI 53 2,89 53 2,96 53 3,00 1.Năng lực thông quan 37 2,89 53 2,68 63 2,65 2. Kết cấu hạ tầng 60 2,50 66 2,56 72 2,68 3.Năng lực vận tải quốc tế 47 3,00 58 3,04 39 3,14 4.Năng lực và chất lượng logistics 56 2,80 51 2,89 82 2,68 5.Khả năng truy xuất 53 2,90 55 3,10 47 3,16
6.Thời gian thông quan 65 3,22 76 3,44 38 3,64
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ các báo cáo của World Bank “Connecting to Compete: Trade Logistics in global economy” (2007, 2010, 2012)
Kết luận chương:
Mặc dù thị trường logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, số doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong ngành khá lớn, gồm nhiều thành phần kinh tế… nhưng nhìn chung sự phát triển của hệ thống logistics quốc gia còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa phát huy hết vai trò của nó như là hệ thống kết nối các ngành, các lĩnh vực, các hoạt động của nền kinh tế quốc dân, thể hiện ở các khía cạnh cụ thể: Hệ thống khoa học lý thuyết về logistics còn sơ khai; nhận thức về logistics của các bộ phận cấu thành hệ thống logistics, từ người cung ứng, người sử dụng đến các cơ quan quản lý nhà nước còn đơn giản, chưa đầy đủ. Trình độ nhân lực logistics quốc gia thiếu, yếu và không được đào tạo bài bản. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, kinh doanh manh mún, thiếu kinh nghiệm, chủ yếu chỉ tập trung ở phạm vi thị trường nội địa chứ chưa vươn ra được thị trường quốc tế. Các dịch vụ logistic được cung ứng còn đơn giản, sơ khai, chưa đủ đa dạng để đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng, lại được cung cấp với chất lượng thấp và chi phí cao. Năng lực cung cấp dịch vụ logistics yếu kém do những “nút thắt cổ chai” về kinh tế và kỹ thuật từ những yếu kém của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và sự thiếu đồng bộ, thiếu chiến lược của hệ thống luật pháp, chính sách.
Thực tế đó đặt ra đòi hỏi cấp bách cần tiến hành đồng bộ các giải pháp phát triển logistics của nền kinh tế tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các bộ phận cấu thành nên hệ thống logistics của nền kinh tế nói riêng. Các giải pháp đó không chỉ hướng đến giải quyết các vấn đề liên quan đến quy mô thị trường, phát triển các nhà cung cấp dịch vụ logistics, tăng tỷ trọng của lĩnh vực này trong GDP… mà còn cần hướng tới mặt chất của phát triển như thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các dịch vụ logistics, giới thiệu các dịch vụ logistics giá trị gia tăng, giảm thiểu các “nút thắt cổ chai” về chi phí, thời gian, sự tin cậy… của hệ thống logistics.
CHƯƠNG 4
GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN LOGISTICS Ở VIỆT NAM (2012 – 2020)
Giới thiệu chương: Chương 4 đề xuất các giải pháp định hướng phát
triển logistics ở Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020. Trên cơ sở phân tích xu hướng vận động của môi trường ảnh hưởng đến phát triển logistics ở Việt Nam, luận án đề xuất các quan điểm và giải pháp phát triển logistics ở Việt Nam.
4.1. Xu hướng vận động của môi trường ảnh hưởng đên phát triển logistics ở Việt Nam đến 2020