2.2.1.1. Phát triển hệ thống khoa học lý thuyết về logistics của nền kinh tế
Phát triển hệ thống khoa học lý thuyết về logistics của nền kinh tế có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến việc ứng dụng và thực hành lĩnh vực này trong kinh tế và kinh doanh. Bởi lẽ, logistics trước hết là một khoa học liên quan đến quá trình tổ chức, thực hiện và kiểm soát quá trình lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ… từ điểm khởi nguồn sản xuất đến người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của quá trình sản xuất xã hội cũng như nhu cầu của khách hàng. Tính khoa học đòi hỏi các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị cũng như bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực này cần phải thông thạo, nắm vững để có thể nghiên cứu và ứng dụng logistics.
Phát triển hệ thống lý thuyết thể hiện thông qua các khía cạnh sau: - Phát triển các giác độ tiếp cận, các khái niệm và nội dung tương ứng của logistics, đặc biệt là các khái niệm mới, hiện đại liên quan lĩnh vực này
- Phát triển nhận thức về logistics ở tất cả các đối tượng nghiên cứu và ứng dụng logistics trong kinh tế và kinh doanh
- Phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo… về logistics như các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức đào tạo…
- Phát triển trình độ ứng dụng và thực hành logistics đối với nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.
2.2.1.2. Phát triển nguồn cung hàng hóa của nền kinh tế
Trong sự phát triển của một nền kinh tế, vấn đề quan trọng làm phải đảm bảo nguồn cung về hàng hóa cho toàn bộ nền kinh tế: cung nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu của tiêu dùng sản xuất; cung hàng hóa cho hệ thống phân phối, trao đổi, các trung gian thương mại trên thị trường; cung hàng hóa cho tiêu dùng của dân cư. Trong toàn bộ quá trình đó, logistics tham gia vào tất cả các khâu với mục tiêu quan trọng là đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đúng chất lượng, số lượng, ở những nơi thuận tiện cho khách hàng, để có thể thỏa mãn đầy đủ, kịp thời nhu cầu về hàng hóa của khách hàng.
Logistics gắn bó với sản xuất xã hội bằng các hoạt động cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất (cung ứng vật tư kỹ thuật) và tiêu thụ các sản phẩm sản xuất ra; đồng thời cung ứng hàng tiêu dùng cho lĩnh vực tiêu dùng xã hội. Bằng cách cung ứng những máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu mới, công nghệ nguồn, tiên tiến, hiện đại có năng suất cao, giá trị sử dụng mới, tiết kiệm nguồn năng lượng... sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, cũng như cung ứng các hàng hóa tiêu dùng có chất lượng cao, có kỹ thuật tiên tiến hiện đại hoặc được sản xuất bằng công nghệ bảo đảm vệ sinh, an toàn theo đúng các quy định về chất lượng, vệ sinh, an toàn và thân thiện với môi trường sẽ hướng người tiêu dùng tới nhu cầu văn minh, hiện đại. Nhờ kết nối các quá trình sản xuất và tiêu dùng trong nước với nhau, trong nước với nước ngoài, logistics phải thực hiện nhiệm vụ cung ứng các hàng hóa có chất lượng tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn của quốc tế, quốc gia, của ngành về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại trong sản xuất, cũng như trong tiêu dùng.
Như đã đề cập, logistics là một hệ thống bao gồm các điểm và các tuyến tham gia vào quá trình vận động của dòng vật chất và thông tin từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Hoạt động của các điểm và tuyến này đóng vai trò đảm bảo nguồn cung cho toàn bộ nền kinh tế và các tổ chức, cá nhân của nền kinh tế đó. Các điểm là nơi dòng vận động vật chất không lưu chuyển, nói cách khác là được dự trữ, hình thành nên hệ thống dự trữ trong nền kinh tế quốc dân. Trong nền kinh tế quốc dân, có ba loại dự trữ hàng hóa chủ yếu là: dự trữ thành phẩm tiêu thụ ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (gọi tắt là dự trữ tiêu thụ); dự trữ hàng hóa ở các doanh nghiệp thương mại và dự trữ hàng hóa trên đường (dự trữ hàng hóa trên các phương tiện vận tải). Ngoài ra, còn có dự trữ quốc gia là dự trữ các sản phẩm quan trọng thiết yếu cho sản xuất và đời sống xã hội, để phòng ngừa thiên tai địch họa hoặc thực hiện chức năng điều tiết thị trường khi cần thiết. Còn các tuyến liên quan đến dòng vận động của hàng hóa, con người và thông tin trong toàn bộ nền kinh tế và giữa nền kinh tế với bên ngoài, liên quan đến các mạng lưới phân phối hàng hóa, giao thông vận tải và thông tin liên lạc.
Phát triển nguồn cung hàng hóa của nền kinh tế liên quan đến các khía cạnh: - Phát triển các kênh phân phối hàng hóa đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của tiêu dùng sản xuất và tiêu dùng dân cư (phát triển các tuyến trong hệ thống logistics);
- Phát triển các tổ chức cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế, bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuộc nhiều thành phần kinh tế, với quy mô, tính chất, năng lực khác nhau (phát triển các điểm trong hệ thống logistics);
- Đảm bảo dòng vận động của hàng hóa/dịch vụ được cung ứng đúng đối tượng khách hàng, đúng sản phẩm, đúng số lượng, đúng điều kiện, đúng địa điểm, đúng thời gian với chi phí hợp lý.
2.2.1.3. Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của nền kinh tế (phát triển nguồn cung dịch vụ logistics)
Các nhà cung ứng dịch vụ logistics bao gồm các tổ chức, cá nhân cung ứng các dịch vụ logistics cho khách hàng bằng cách tự mình thực hiện hoặc thuê lại thương nhân khác thực hiện một hay nhiều công đoạn của dịch vụ đó. Dịch vụ logistics thường phân chia thành 3 nhóm [24], [5] :
- Các dịch vụ logistics chủ yếu, bao gồm: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá,
bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; Dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa; Dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
- Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm: Dịch vụ vận tải
đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường ống.
- Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm: Dịch vụ kiểm tra và
phân tích kỹ thuật; Dịch vụ bưu chính; Dịch vụ thương mại bán buôn; Dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng; Các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ logistics bao gồm các nội dung chủ yếu:
- Phát triển các loại hình doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics xét trên các khía cạnh: hình thức sở hữu (doanh nghiệp của Nhà nước, doanh
nghiệp cổ phần, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), quy mô, tính chuyên môn hóa, chất lượng dịch vụ cung ứng...
- Phát triển các phương thức cung ứng dịch vụ logistics: 1PL, 2PL, 3PL... - Phát triển các loại hình dịch vụ logistics từ đơn lẻ đến dịch vụ trọn gói…
2.2.1.4. Phát triển thị trường tiêu dùng dịch vụ logistics của nền kinh tế (phát triển cầu dịch vụ logistics)
Những người sử dụng dịch vụ logistics là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về các dịch vụ logistics nhưng không tự thực hiện mà thuê các nhà cung ứng dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu của mình. Họ chính là khách hàng của hệ thống logistics. Họ có thể bao gồm: chính phủ và các cơ quan của chính phủ, các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh doanh khác nhau, các hộ kinh doanh, các gia đình và cá nhân… Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất về thuê ngoài các dịch vụ logistics là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế. Các đặc điểm cụ thể về nhu cầu của khách hàng như quy mô nhu cầu, loại hình dịch vụ logistics cần đáp ứng, thời gian, địa điểm, giá cả, cách thức phục vụ… có ảnh hưởng lớn đến cách thức các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics tiến hành kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phát triển thị trường tiêu dùng dịch vụ logistics của nền kinh tế bao gồm các nội dung sau:
- Phát triển thị trường về khách hàng ở các mặt số lượng, chất lượng, phạm vi, không gian, thời gian, địa điểm…
- Phát triển thị trường về mặt địa lý: không chỉ thu hút khách hàng trong nội bộ nền kinh tế mà có thể cung ứng dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
- Phát triển thị trường theo chiều rộng - Phát triển thị trường theo chiều sâu.
2.2.1.5. Phát triển kết cấu hạ tầng logistics của nền kinh tế
Có nhiều khái niệm về kết cấu hạ tầng. Trong nhiều tài liệu, từ cơ sở hạ tầng và từ kết cấu hạ tầng được dùng tương tự nhau, với nghĩa là các cấu trúc vật chất và tổ chức cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một xã hội, một nền kinh tế hoặc/và một doanh nghiệp [32]. Trong luận án, để thống nhất, thuật ngữ “kết cấu hạ tầng” được sử dụng. Hiểu một cách khái quát, kết cấu hạ tầng là một bộ phận đặc thù của cơ sở vật chất kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là đảm bảo những điều kiện chung cần thiết cho quá trình sản xuất và tái sản xuất mở rộng được diễn ra bình thường, liên tục. Kết cấu hạ tầng cũng được định nghĩa là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội được diễn ra một cách bình thường.
Kết cấu hạ tầng, theo nghĩa chung nhất, là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động kinh tế - xã hội được diễn ra một cách bình thường [32]. Kết cấu hạ tầng logistics, do đó, có thể được hiểu là tổng thể các yếu tố vật chất, kỹ thuật, kiến trúc đóng vai trò nền tảng cho các hoạt động logistics nói chung và các dịch vụ logistics nói riêng diễn ra một cách bình thường. Kết cấu hạ tầng logistics thông thường
được chia thành 2 nhóm: kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc.
Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là hệ thống các công trình kỹ thuật, các công trình kiến trúc và các phương tiện mang tính chất nền móng cho sự phát triển của ngành giao thông vận tải và của nền kinh tế. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải bao gồm các tuyến đường và phương tiện vận chuyển (đường bộ, đường sắt, đường không, đường thủy, đường ống…), hệ thống ga cảng và các yếu tố phụ trợ như tín hiệu, biển báo điều khiển giao thông, đèn chiếu sáng… Các công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông thường có quy mô lớn, chủ yếu tồn tại ở ngoài trời, được phân bổ thành mạng lưới và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố tự nhiên.
Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thường được chia thành [11]:
- Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: bao gồm hệ thống các loại đường (quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã…), hệ thống các loại cầu trên đường, các loại phương tiện vận chuyển cùng các yếu tố vật chất khác phục vụ cho việc vận chuyển trên đường bộ như bến bãi đỗ xe, đèn tín hiệu, biển báo giao thông, đèn chiếu sáng trên đường…
- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường sắt bao gồm các tuyến đường ray, cầu sắt, đường hầm, các nhà ga, các loại đầu máy, toa xe và hệ thống thông tin đường sắt…
- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường không bao gồm các sân bay, đường băng, máy bay và các hệ thống phụ trợ…
- Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy bao gồm hệ thống cảng, đội tàu, phương tiện, cầu cảng, và các yếu tố phụ trợ… Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải lại thường được chia thành đường thủy nội địa và đường biển.
Kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc bao gồm mạng lưới điện thoại cố định, di động, vệ tinh, internet, cáp viễn thông… đảm bảo cho quá trình truyền đạt thông tin logistics được tiến hành bình thường. Dịch vụ logistics liên quan đến việc thực hiện và kiểm soát toàn bộ hàng hóa cũng như thông tin có liên quan từ nơi hình thành hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng. Do đó, thông tin chính xác, kịp thời là nền tảng đảm bảo sự thành công của hoạt động logistics, bởi thực chất, nếu xét ở khía cạnh công nghệ thông tin, logistics chính là sử dụng và xử lý thông tin để tổ chức và quản lý chu trình di chuyển của hàng hóa qua các chặng vận chuyển, các phương tiện vận chuyển tại các địa điểm khác nhau đáp ứng yêu cầu của các chủ thể trong toàn bộ hệ thống logistics. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, công nghệ thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics. Sự
tiến bộ của công nghệ thông tin, với cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại có thể giúp cho doanh nghiệp logistics tích hợp, xử lý, trao đổi và quản lý hiệu quả các dòng thông tin trong quá trình cung ứng các dịch vụ của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả.
Có thể nói, kết cấu hạ tầng logistics có vai trò quan trọng đối với sự phát triển dịch vụ logistics của một quốc gia. Sự phát triển và trình độ của kết cấu hạ tầng có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động logistics khác nhau của cả nền kinh tế, các vùng/khu vực kinh tế, các ngành và các doanh nghiệp. Nếu kết cấu hạ tầng không phát triển, hệ thống logistics của cả doanh nghiệp lẫn các vùng, ngành khác nhau rất khó phát huy hiệu quả, từ đó hạn chế sự giao thương trong nội bộ nền kinh tế cũng như với nước ngoài. Ngược lại, một kết cấu hạ tầng phát triển sẽ khiến các dịch vụ logistics có hiệu quả hơn, giảm chi phí dịch vụ và thúc đẩy chất lượng dịch vụ. Nói cách khác, một kết cấu hạ tầng phát triển có thể tăng năng lực cạnh tranh của các dịch vụ logistics và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics.
2.2.1.6. Tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh thuận lợi cho phát triển logistics của nền kinh tế
Trong kinh tế, thương mại thì cạnh tranh là sự ganh đua về kinh tế giữa những chủ thể trong nền sản xuất hàng hóa nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu dùng hàng hóa để từ đó thu được nhiều lợi ích nhất cho mình. Cạnh tranh có thể xuất hiện giữa tổ chức/doanh nghiệp với tổ chức/doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng hoặc giữa khách hàng với nhau. Trong kinh tế, kinh doanh, cạnh tranh có thể được tiếp cận dưới nhiều cấp độ: cạnh tranh của một doanh nghiệp, một ngành hay một quốc gia. Cạnh tranh có vai trò rất quan trọng và là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế với nguyên tắc ai