Khái niệm và vai trò phát triển logistics của nền kinh tế

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 42 - 45)

2.1.3.1. Khái niệm phát triển logistics của nền kinh tế

Trong kinh tế, liên quan đến phát triển, có 3 khái niệm thường được sử dụng, đó là tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và phát triển bền vững [21]. Theo đó, tăng trưởng kinh tế là một phạm trù kinh tế diễn tả động thái biến đổi về mặt lượng của nền kinh tế của một quốc gia, thường được đo lường qua 2 chỉ tiêu kinh tế tổng hợp: Tổng sản phẩm quốc dân (Gross National Product - GNP) và Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product - GDP). Các chỉ tiêu này phản ánh mức tăng trưởng sản xuất hàng hoá và dịch vụ của mỗi quốc gia sau một giai đoạn nhất định nào đó được biểu thị bằng chỉ số % (thường là 1 năm). Phát triển kinh tế là khái niệm có nội dung phản ánh rộng hơn so với khái niệm tăng trưởng kinh tế. Nếu như tăng trưởng kinh tế về cơ bản chỉ là sự gia tăng thuần tuý về mặt lượng của các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp: GNP, GNP/đầu người hay GDP, GDP/đầu người… thì phát triển kinh tế ngoài việc bao hàm quá trình gia tăng đó, còn có một nội hàm phản ánh rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, đó là những biến đổi về mặt chất của nền kinh tế – xã hội, mà trước hết là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kèm theo đó là việc không ngừng nâng cao mức sống toàn dân, trình độ phát triển văn minh xã hội thể hiện ở hàng loạt tiêu chí như: thu nhập thực tế, tuổi thọ trung bình, tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh, trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, và khả năng áp dụng các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào phát triển kinh tế – xã hội… Với nội hàm rộng lớn trên đây, về cơ bản khái niệm phát triển kinh tế đã đáp ứng được các nhu cầu đặt ra cho sự phát triển toàn diện nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội… Còn Phát triển bền vững được định nghĩa “là sự phát triển

đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”. Nói cách khác, phát triển bền vững là

quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nền tảng là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (mục tiêu là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải

quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (mục tiêu là xử lý, khắc phục ô nhiễm,

phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên). Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống.

Logistics của nền kinh tế (hệ thống logistics quốc gia) là một hệ thống bao gồm tất cả các hoạt động có liên hệ với nhau nhằm chuyển đưa nguyên vật liệu và hàng hóa hữu hình từ tổ chức đầu nguồn qua tất cả các khâu trung gian đến người sử dụng cuối cùng trong một nền kinh tế. Hệ thống logistics của nền kinh tế tích hợp các hoạt động thuộc nhiều chức năng của quá trình kinh doanh (thu mua, quản trị nguyên vật liệu, phân phối hiện vật) và từ nhiều khu vực của nền kinh tế (sản xuất, vận tải, phân phối và thông tin liên lạc), do vậy phát triển logistics của nền kinh tế vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu nhằm phát triển kinh tế đất nước. Phát triển logistics của nền kinh tế có thể được hiểu là quá trình lập kế hoạch, thực hiện, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp một cách có hiệu quả các điểm và các tuyến lưu chuyển của hàng hóa, con người, phương tiện và thông tin trong nền kinh tế và giữa nền kinh tế với bên ngoài nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các bộ phận cấu thành nên hệ thống logistics của nền kinh tế nói riêng.

Mục tiêu cơ bản của phát triển logistics của nền kinh tế là tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các bộ phận cấu thành nên hệ thống logistics của nền kinh tế nói riêng. Cụ thể, phát triển logistics của nền kinh tế không chỉ nhằm vào mặt lượng như tăng quy mô, tăng số nhà cung cấp dịch vụ logistics, tăng tỷ trọng của lĩnh vực này trong GDP… mà

còn cần hướng tới mặt chất của phát triển như thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các dịch vụ logistics, giới thiệu các dịch vụ logistics giá trị gia tăng, giảm thiểu các “nút thắt cổ chai” về chi phí, thời gian, sự tin cậy… của hệ thống logistics. Do vậy, phát triển logistics của nền kinh tế cần hướng vào các nội dung chủ yếu:

- Phát triển hệ thống khoa học lý thuyết về logistics của nền kinh tế; - Phát triển nguồn cung hàng hóa của nền kinh tế;

- Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ logistics của nền kinh tế; - Phát triển cầu dịch vụ logistics của nền kinh tế;

- Phát triển kết cấu hạ tầng logistics của nền kinh tế;

- Tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh thuận lợi cho phát triển logistics của nền kinh tế;

- Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách phát triển logistics của nền kinh tế.

2.1.3.2. Vai trò phát triển logistics của nền kinh tế

Phát triển logistics góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhịp nhàng, đồng bộ; góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, các doanh nghiệp trên thị trường. Phát triển logistics tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng trong nền kinh tế quốc dân.

Phát triển logistics của nền kinh tế góp phần phát triển nền thương mại, làm cho lưu thông, phân phối được thông suốt, chính xác và hiệu quả, nhờ đó hàng hóa được chuyển đưa đến các đối tượng khách hàng trên thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời, với chi phí hợp lý, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đó, thúc đẩy thị trường và thương mại phát triển, không chỉ ở phạm vi nội địa mà cả quốc tế, đẩy nhanh tiến trình hội nhập của quốc gia vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Logistics đóng góp một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu GDP của quốc gia, do đó phát triển logistics của nền kinh tế góp phần thúc đẩy sản xuất hàng

hóa phát triển. Thông qua hoạt động logistics trên thị trường, các chủ thể kinh doanh mua bán được các hàng hóa/dịch vụ theo đúng nhu cầu của mình. Điều đó khiến cho quá trình sản xuất được tiến hành nhịp nhàng, thông suốt, liên tục. Phát triển logistics góp phần vào thực hiện các mục tiêu xã hội của một quốc gia như chuyển đưa hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai cần cứu trợ; tạo một lượng đáng kể công ăn, việc làm cho người lao động trong xã hội và mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia.

Phát triển logistics có tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một quốc gia theo chiều hướng tích cực là phát triển các ngành dịch vụ, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế quốc gia.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)