Giai đoạn 1986 đến nay

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 77 - 82)

Đây là giai đoạn nền kinh tế đất nước ta chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thấy rõ những nhược điểm của cơ chế quản lý kinh tế cũ, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định: “Xoá bỏ cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có sự

quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để chuyển nền kinh tế theo hướng mới, Đảng ta đã đề ra hướng chuyển: “từ nền kinh tế một thành phần phát triển thành nền kinh tế năm thành phần, xoá bỏ phân phối hiện vật, chuyển sang kinh tế hàng hoá, từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, bảo đảm quyền độc lập, tự chủ, tự trang trải của các đơn vị sản xuất kinh doanh và từ nền kinh tế đóng cửa chuyển sang nền kinh tế mở cửa, kêu gọi các nước đầu tư vào nước ta”.

Qua gần 30 năm thực hiện cơ chế đổi mới, kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã nổi bật những đặc trưng của nó là: Tính tự chủ của các doanh nghiệp được đề cao; hàng hoá - dịch vụ ngày càng phong phú; giá cả hình thành trên thị trường; đã xuất hiện cạnh tranh giữa các nhà cung ứng hàng hoá - dịch vụ; quan hệ kinh tế mở, xoá được quan hệ kinh tế khép kín, tự cấp tự túc... Chuyển sang cơ chế kinh tế mới có những ưu điểm nổi bật như: năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; nền kinh tế năng động, luôn luôn đổi mới mặt hàng, chất lượng, công nghệ, thị trường; nền kinh tế dư thừa hàng hoá và dịch vụ và các doanh nghiệp tự điều chỉnh hoạt động của mình theo nhu cầu của thị trường. Đây là thời kỳ các doanh nghiệp tự đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập vào thị trường quốc tế.

Theo tiến trình phát triển của nền kinh tế đất nước từ khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế sang cơ chế thị trường, có thể phân chia sự phát triển của logistics ở Việt Nam thành 3 giai đoạn cơ bản: giai đoạn 1986 – 2000, giai đoạn 2000 – 2005 và giai đoạn từ 2006 đến nay. Giai đoạn 1986 – 2000 khởi đầu bằng sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế sang cơ chế thị trường và mở cửa nền kinh tế đất nước, cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào kinh doanh các dịch vụ như vận tải, giao nhận, kho bãi… Đây có thể coi là thời kỳ bắt đầu của thị trường dịch vụ logistics Việt Nam. Giai đoạn 2000 – 2005 là giai đoạn hoạt động giao nhận vận tải quốc tế của Việt Nam, một trong những khâu quan trọng trong chuỗi logistics, có những

bước phát triển khởi sắc. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, lĩnh vực logistics vẫn là một lĩnh vực mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp tham gia thị trường chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước. Các doanh nghiệp này nhận được sự bảo hộ, khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.

Giai đoạn 2006 đến nay có thể coi là giai đoạn phát triển “bùng nổ” của ngành logistics với sự ra đời của hàng loạt các doanh nghiệp logistics nội địa. Số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng, lên đến gần 1000 doanh nghiệp. Sự gia tăng nhanh chóng này có nhiều nguyên nhân: sự phát triển năng động của nền kinh tế đất nước, sự phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ bán lẻ, sự ra đời của Luật Thương mại 2005 với các điều khoản quy định về dịch vụ logistics và kinh doanh dịch vụ logistics (đây là lần đầu tiên thuật ngữ “logistics” xuất hiện trong một văn bản pháp luật của Việt Nam), và đặc biệt là sự gia nhập của Việt Nam vào WTO năm 2006. Trong số gần 1000 doanh nghiệp, tỷ trọng các doanh nghiệp nhà nước giảm đi đáng kể, tới nay chỉ chiếm khoảng 18%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ít ỏi 2%, còn lại 80% là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân [11]. Đây là xu thế tất yếu, nhưng cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đối với phát triển logistics vì các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân luôn phải đối mặt với các hạn chế về quy mô và tiềm lực (đặc biệt là tài chính và nhân sự), trong khi kinh doanh dịch vụ logistics đòi hỏi nguồn lực dồi dào để thực hiện cung ứng các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi. Do vậy, đây cũng là giai đoạn mà các doanh nghiệp nội địa bị đánh giá là “thua ngay trên sân nhà” với năng lực cung ứng khoảng 75% nhu cầu dịch vụ logistics của thị trường nội địa, 25% còn lại thuộc về các tập đoàn logistics đa quốc gia của nước ngoài.

Như vậy, sự phát triển của logistics ở Việt Nam có thể được đánh giá là mới ở giai đoạn khởi đầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng

này, theo sự đánh giá của các chuyên gia, là do sự tư duy, nhận thức của các chủ thể toàn bộ hệ thống logistics của nền kinh tế, từ các bộ ngành cho đến các doanh nghiệp, còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện. Nhiều người thậm chí còn có quan niệm đồng nhất giữa logistics với giao nhận, kho vận… Việc ứng dụng các kiến thức logistics hiện đại còn hạn chế. Đồng thời, thị trường logistics cũng bộc lộ sự thiếu hụt về nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này, cả về lượng và về chất, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao về logistics. Điều này phần nào phản ánh tình hình nghiên cứu, ứng dụng các lý thuyết về logistics trong kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam.

Như đã trình bày, thuật ngữ “logistics” xuất hiện một cách chính thức trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam vào năm 2005 ở Luật Thương mại (sửa đổi), nghĩa là muộn hơn rất nhiều so với tiến trình phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Trước thời điểm đó, đã có một số tài liệu được viết và xuất bản ở Việt Nam liên quan đến lĩnh vực này. Có thể nói, cuốn sách đầu tiên chuyên sâu về logistics là “Logistics – Những vấn đề cơ bản”, do GS. TS.

Đoàn Thị Hồng Vân chủ biên, xuất bản năm 2003. 3 năm sau đó, tác giả giới thiệu tiếp cuốn “Quản trị logistics”. Gần đây nhất, Đại học Thương mại cũng

giới thiệu giáo trình “Quản trị logistics kinh doanh” do TS. Nguyễn Thông

Thái và PGS. TS. An Thị Thanh Nhàn chủ biên (2011). Các tài liệu này đều giới thiệu rất nhiều các quan điểm và khái niệm về logistics, nhưng đều lựa chọn giác độ tiếp cận để nghiên cứu là giác độ vi mô. Các giáo trình, sách chuyên khảo về logistics lựa chọn giác độ nghiên cứu rộng hơn (vĩ mô, trung mô) hầu như vắng bóng. Nội dung của các tài liệu này thể hiện rõ sự kế thừa từ các tài liệu của nước ngoài, và trong chừng mực nào đó là ứng dụng các lý thuyết đã được nghiên cứu và phát triển trên thế giới vào thực tiễn ở Việt Nam.

Các đề tài nghiên cứu của các học giả, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực này có một số lượng khá đông đảo. Có thể kể đến các tài liệu như: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ của Bộ Thương mại

“Logistics và khả năng áp dụng, phát triển logistics trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận ở Việt Nam” do PGS. TS. Nguyễn Như

Tiến (Đại học Ngoại thương) làm chủ nhiệm (2004) tập trung nghiên cứu khía cạnh dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hoá. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về dịch vụ hậu cần (logistics) và bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ

Thương mại thực hiện (2006) tập trung phân tích các kinh nghiệm quốc tế của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển dịch vụ này. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp phát triển dịch vụ logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội” do GS. TS. Đặng Đình Đào, Đại học Kinh tế quốc dân chủ biên (2008) chủ yếu tập trung phân tích các dịch vụ logistics chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội… Những nghiên cứu này, hầu hết đều lựa chọn giác độ tiếp cận vi mô, và trong chừng mực nào đó là trung mô, khi phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp. Công trình NCKH quy mô nhất cho đến nay liên quan đến Đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước “Phát triển các dịch vụ logistics ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế” do GS. TS. Đặng Đình Đào (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển,

Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chủ nhiệm, được thực hiện trong 2 năm (2010, 2011) với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và tiến hành thu thập số liệu thông qua điều tra, phỏng vấn ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đề tài tiếp cận nghiên cứu logistics dưới giác độ ngành (ngành dịch vụ logistics).

Về đào tạo logistics, tính đến nay ở Việt Nam chỉ có duy nhất Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh là đào tạo cử nhân về logistics và vận tải đa phương thức. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế quốc dân từ năm 2010 mở chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành logistics, tuy nhiên số lượng người học còn rất ít. Còn tại các cơ sở đào tạo đại học khác, hầu hết chỉ có môn học liên quan đến logistics và quản trị chuỗi

cung ứng với thời lượng từ 30 đến 45 tiết. Các trung tâm đào tạo của các trường đại học, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Giao nhận và Kho vận Việt Nam… có các khóa đào tạo ngắn hạn về logistics, nhưng cũng chỉ tập trung đào tạo về nghiệp vụ và kỹ năng. Hiện nay, ở Việt Nam cũng chưa có một Viện nghiên cứu chuyên sâu nào riêng về logistics, cũng chưa có cơ quan nào đề xuất một chiến lược tổng thể phát triển hệ thống logistics quốc gia với giác độ tiếp cận vĩ mô.

Như vậy có thể thấy, sự phát triển lý thuyết về logistics ở Việt Nam thực chất là kế thừa và ứng dụng hệ thống lý thuyết đã được nghiên cứu và thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Không có những nội dung lý thuyết mới được giới thiệu. Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến logistics ở Việt Nam tập trung vào giác độ vi mô của lĩnh vực này. Các quan điểm lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng ở giác độ trung mô và vĩ mô hầu như vắng bóng. Đây có thể coi là một thiếu sót lớn ảnh hưởng đến sự phát triển logistics ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu phát triển logistics ở việt nam hiện nay (Trang 77 - 82)