Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, những xu thế phát triển dịch vụ logistics trên thế giới được các chuyên gia dự báo sẽ có những tác động đến phát triển logistics của Việt Nam, đặc biệt là quy mô và cách thức cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics.
Xu thế hình thành các doanh nghiệp chuyên môn hóa, các tập đoàn chuyên kinh doanh dịch vụ logistics. Hiện nay, do nhu cầu lưu chuyển hàng
hóa phục vụ người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu là rất lớn và ngày càng tăng cao nên nhu cầu về việc cung cấp các dịch vụ logistics là rất lớn. Xuất phát từ nhu cầu trên, đã hình thành và phát triển nhiều tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô lớn, có phạm vi hoạt động vượt khỏi biên giới quốc gia, có khả năng tài chính mạnh, đặt trụ sở và phục vụ cho nhiều thị trường ở các nước khác nhau trên thế giới, ví dụ như TNT, DHL, Maersk Logistics, NYK Logistics, APL Logistics, MOL Logistics, Kunhe Nagel, Schenker…
Xu thế đa dạng hóa trong cung ứng các dịch vụ logistics cho khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ logistics hiện nay không chỉ đơn thuần là người cung cấp dịch vụ giao nhận, vận tải cho khách hàng, mà còn là người tổ chức các dịch vụ khác như quản lý kho hàng, bảo quản hàng trong kho, thực hiện các đơn đặt hàng, tạo thêm giá trị gia tăng cho hàng hóa bằng cách lắp ráp, kiểm tra chất lượng trước khi gửi đi, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, dán nhãn, phân phối cho các điểm tiêu thụ, làm thủ tục xuất nhập khẩu… Thậm chí, họ còn có thể là những nhà tư vấn đáng tin cậy, có khả năng can thiệp vào một số vấn đề như: Hợp lý hóa dây chuyền vận tải, loại bỏ những công đoạn, những khâu không hiệu quả; Thiết kế mạng lưới phân phối mới/mạng lưới phân phối ngược, ví dụ: trong trường hợp nhà sản xuất ôtô cần thu hồi thiết bị, phụ tùng đã qua sử dụng; Quản lý các trung tâm/ trạm đóng hàng hỗn hợp để thu gom phụ tùng, bộ phận từ các nhà sản xuất khác nhau, rồi phân loại, ghép đồng bộ trước khi chuyển chúng đến cơ sở lắp ráp…
Xu thế các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong quá trình cung ứng dịch vụ logistics cho khách hàng. Nhiều nội dung của dịch vụ logistics như xử lý đơn đặt hàng, thực hiện
đơn hàng, giao hàng, thanh toán, thu hồi hàng hóa mà khách hàng không ưng ý… có thể được thực hiện trong môi trường thương mại điện tử. Các nội dung của dịch vụ logistics cũng có thể được hỗ trợ rất nhiều thông qua sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, ví dụ như hệ thống quản trị dây chuyền cung ứng toàn cầu, công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến điện…
Xu thế phát triển mạnh mẽ của phương pháp quản lý logistics kéo, dần thay thế cho phương pháp quản lý logistics đẩy theo truyền thống. Nền sản
xuất dựa trên cơ chế logistics đẩy là cơ chế được điều khiển bởi cung (supply – driven) và được dẫn dắt theo một kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được sắp đặt trước. Trong hệ thống được điều khiển bởi cung, các thiết bị, sản phẩm… được
đẩy vào các quá trình sản xuất, hệ thống phân phối hay các nhà kho theo sự sắp đặt của quy trình sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế không phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, có thể dẫn đến sự dư thừa và lãng phí. Ngược lại, logistics kéo khiến quá trình sản xuất được dẫn dắt bởi hoạt động mua bán, trao đổi thực tế; nói cách khác là từ nhu cầu của khách hàng. Nó liên kết các quá trình, các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh thành một chuỗi thống nhất hướng đến mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Đây là cơ chế ưu việt giúp cho hoạt động của doanh nghiệp có hướng đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao.