Tăng nhãn áp

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả phẫu thuật cắt dịch kính bơm dầu silicone nội nhãn điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh do vi khuẩn (Trang 115 - 117)

Có nhiều cơ chế liên quan trực tiếp đến việc gây tăng nhãn áp của dầu silicone. Cơ chế hay gặp nhất là nghẽn đồng tử do bóng dầu. Hiện tượng này có thể xẩy ra ở tất cả các thời điểm sau phẫu thuật nhưng hay gặp nhất ở giai đoạn sớm (vài ngày đến vài tuần sau mổ). Nghẽn đồng tử do dầu thường xuất

hiện ở mắt không còn thể thủy tinh nhưng đôi khi cũng gặp ở mắt đặt thể thủy tinh nhân tạo. Ở những mắt không còn thể thủy tinh, tăng nhãn áp xuất hiện khi lỗ cắt mống mắt chu biên ở dưới bị bịt lại do nhiều nguyên nhân như xuất tiết, fibrin, máu hoặc mảnh bao thể thủy tinh còn sót lại. Điều trị cho các trường hợp này gồm điều trị chống viêm tích cực để làm tiêu xuất tiết và mở lại lỗ cắt mống mắt chu biên bằng laser YAG .

Một cơ chế khác của tăng nhãn áp do dầu là do bơm dầu quá căng dẫn đến đẩy mống mắt ra trước gây nghẽn góc (dầu có thể ra tiền phòng hoặc không). Chẩn đoán kết hợp lâm sàng thấy sự dịch chuyển ra trước của mống mắt và siêu âm khi bệnh nhân nằm ngửa không thấy lớp dịch ở sau bóng dầu. Trong trường hợp này cần lấy bớt dầu để hạ nhãn áp. Nếu bơm dầu không quá căng, sự dịch chuyển ra trước của mống mắt vẫn có thể xuất hiện do phù nề của hắc mạc vì lạnh đông quá nhiều hoặc phẫu thuật cắt thể thủy tinh kết hợp làm đai củng mạc. Đối với trường hợp này, cần điều trị nội khoa chống viêm tích cực, nhãn áp sẽ hạ khi hắc mạc hết phù nề, mống mắt lùi lại ra sau và góc tiền phòng được mở ra .

Cơ chế thứ ba gây tăng nhãn áp của dầu là các giọt dầu nhuyễn hóa đi ra tiền phòng gây bít tắc vùng bè. Đây là cơ chế mãn tính xuất hiện muộn sau mổ: trong nghiên cứu về dầu silicone (Silicone Study) các tác giả quan sát thấy tỷ lệ tăng nhãn áp mạn tính xuất hiện sau khi bơm dầu 3 tháng là 8% (cao hơn nhóm sử dụng khí C3F8 – 2%). Vì vậy để phòng biến chứng, người ta chỉ định tháo dầu sớm nếu có thể. Phương pháp điều trị đầu tay đối với các trường hợp này là tháo rửa dầu, làm sạch tiền phòng và vùng bè. Nếu nhãn áp vẫn cao dai dẳng do xơ hóa vùng bè cần điều trị hạ nhãn áp bổ sung bằng thuốc hoặc phẫu thuật .

Trong nghiên của chúng tôi, chỉ có một trường hợp duy nhất có tăng nhãn áp là 1 bệnh nhân được phẫu thuật cắt thể thủy tinh và dịch kính sau đó bơm dầu nội nhãn. Tăng nhãn áp được phát hiện ngay từ tuần thứ nhất sau mổ, có thể là do nghẽn đồng tử do bóng dầu (lỗ cắt mống mắt chu biên ở vị trí 6 giờ bị tắc do xuất tiết). Bệnh nhân đã được laser mở lại lỗ cắt mống mắt ở dưới và dùng thuốc tra hạ nhãn áp bổ sung (Timolol 0,5% x 2 lần/ngày). Nhãn áp sau đó ổn định nhưng vẫn phải sử dụng thuốc tra hạ nhãn áp (ngay cả sau khi đã được tháo dầu và treo IOL thì II) cho đến thời điểm 9 tháng sau mổ. Chúng tôi không gặp các trường hợp tăng nhãn áp muộn, mạn tính do nhuyễn hóa dầu bởi hầu hết các trường hợp đều được tháo dầu ở thời điểm 3 tháng sau phẫu thuật khi mắt đã yên hoàn toàn.

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả phẫu thuật cắt dịch kính bơm dầu silicone nội nhãn điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh do vi khuẩn (Trang 115 - 117)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(161 trang)
w