ở trên thế giới và Việt Nam
Nhìn chung các nghiên cứu, tổng kết trên thế giới đều cho thấy VMNNNSVK là một bệnh tương đối hiếm gặp. Tổng kết trên số lượng bệnh nhân lớn nhất của Jackson (267 mắt) dựa trên rất nhiều báo cáo trên y văn của 17 năm từ 1984 đến 2001, bản thân tác giả chỉ gặp 19 trường hợp trong thời gian này . Các báo cáo khác có thể kể đến là: báo cáo của SNEC, Singapore từ năm 1994 đến 1998 trên 32 mắt ; báo cáo của bệnh viện mắt Nam Úc trong 13 năm (1992 – 2004) trên 5 trường hợp ; báo cáo của Yoshihio Yonekawa (New
York, Mĩ) tổng kết trong 8 năm (2001 – 2008) của 18 trường hợp và gần đây nhất là báo cáo của Đài Loan tổng kết trên 53 mắt của 20 năm theo dõi từ 1991 đến 2009 . Nói chung các báo cáo mặc dù tại các thời điểm khác nhau, nguyên nhân gây bệnh tìm được khác nhau, xuất hiện trên các bệnh cảnh lâm sàng cũng khác nhau đều thống nhất cho rằng đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nặng nề, nguy cơ mù lòa rất cao, xuất hiện khi có yếu tố toàn thân thuận lợi và chưa có thống nhất về phương pháp điều trị.
Hàng năm có hàng trăm bệnh nhân VMNNNSVK thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau đến khám và điều trị tại Bệnh Viện Mắt Trung Ương. Trên thực tế theo dõi và điều trị cho thấy: khác với y văn, bệnh thường xuất hiện trên các bệnh nhân suy giảm sức đề kháng thì hơn nửa các trường hợp bệnh nhân Việt Nam đều là những bệnh nhân trẻ tuổi, khoẻ mạnh, bệnh xuất hiện dường như là tự nhiên. Chính vì vậy, nguồn lây nhiễm và cơ chế bệnh sinh đặc thù của VMNNNSVK ở Việt Nam cần được tìm hiểu kỹ càng.
Điều trị VNNNS tại Bệnh viện Mắt Trung ương nói riêng, ở Việt Nam nói chung đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Thời kỳ đầu, khi các phương tiện phẫu thuật dịch kính võng mạc chưa phát triển thì điều trị chỉ dừng ở nội khoa. Thời đó các bác sĩ thường sử dụng gentamycin 0,2 mg tiêm nội nhãn. Sau này, do độc tính lớn, gentamycin được thay thế bằng các thuốc có phổ hoạt tính rộng hơn và an toàn hơn như vancomycin 1mg/0,1ml và ceftazidime 2mg/0,1ml. Từ tháng 6/2006 đến 2007, các tác giả Đỗ Như Hơn, Nguyễn Kiên Trung và Đỗ Tấn đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật cắt dịch kính sớm có bơm dầu silicone nội nhãn để điều trị VMNN. Kết quả ban đầu thật đáng khích lệ: quá trình viêm ổn định nhanh hơn, tránh teo nhãn cầu rút ngắn quá trình điều trị, đồng thời bóng dầu silicone còn làm hạn chế đáng kể biến chứng bong võng mạc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp phải một số biến chứng liên quan đến sử dụng dầu silicone như tăng nhãn áp, phải tháo dầu sớm sau một thời
gian theo dõi để tránh tăng sinh và nhuyễn hoá dầu . Hạn chế của nghiên cứu thăm dò ban đầu này là đối tượng bệnh nhân không thuần nhất bao gồm cả VMNN nội sinh và ngoại sinh (sau chấn thương, phẫu thuật), do nhiều tác nhân khác nhau (vi khuẩn, nấm) vì vậy việc phân tích đánh giá gặp khó khăn.
Như đã trình bày ở trên, việc sử dụng dầu silicone trong phẫu thuật cắt dịch kính điều trị VMNNNSVK còn chưa thống nhất: có tác giả khuyên nên dùng ngay từ đầu, ngược lại có tác giả cho rằng chỉ nên dùng khi có bong võng mạc. Để đánh giá chính xác hơn vai trò của dầu silicone trong cắt dịch kính sớm và triệt để điều trị VMNNNSVK, cũng như mong muốn góp phần làm sáng tỏ căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của bệnh, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng này.
Chương 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành trên các bệnh nhân VMNNNSVK có chỉ định điều trị phẫu thuật cắt dịch kính tại Bệnh Viện Mắt Trung Ương từ tháng 8/2008 đến tháng 10/2010.