Dầu ra tiền phòng

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả phẫu thuật cắt dịch kính bơm dầu silicone nội nhãn điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh do vi khuẩn (Trang 114 - 115)

Sau phẫu thuật, dầu ra tiền phòng là một biến chứng quan trọng. Ở giai đoạn sớm sau mổ, dầu ra tiền phòng thường do tắc lỗ cắt mống mắt chu biên ở phía dưới (trong trường hợp mắt không còn thể thủy tinh) hoặc do màn chắn mống mắt - thể thủy tinh (hoặc IOL) bị tổn hại. Nếu dầu ra tiền phòng sẽ gây 3 hậu quả: gây biến đổi về quang học, tăng nhãn áp và gây tổn hại nội mô nếu có tiếp xúc giữa dầu và nội mô trong thời gian dài. Lỗ cắt mống mắt chu biên ở 6 giờ thường tắc do xuất tiết fibrin và phản ứng này thường mạnh nhất vào ngày thứ 3 – 5 sau phẫu thuật. Khi đó điều trị cần phối hợp chống viêm tích cực và mở lại lỗ cắt bằng laser YAG khi phản ứng viêm đã được khống chế tốt .

Ở giai đoạn muộn hơn, hiện tượng dầu ra tiền phòng thường xuất hiện do bong võng mạc tái phát hoặc do nhãn áp thấp. Khi có bong võng mạc tái phát thể tích buồng dịch kính bị giảm đi trong khi thể tích của bóng dầu không thay đổi dẫn đến dầu tràn ra tiền phòng hoặc đi vào khoang dưới võng mạc. Trong trường hợp bong võng mạc tái phát cần xử trí bằng phẫu thuật ngay để làm áp lại võng mạc. Đối với trường hợp nhãn áp thấp kéo dài, thể tích của nhãn cầu thu nhỏ lại, trong khi đó thể tích của bóng dầu là không đổi dẫn đến dầu phải đi ra tiền phòng. Nếu rửa dầu ở tiền phòng sẽ làm cho nhãn cầu thu nhỏ hơn và dầu tiếp tục ra tiền phòng. Ngược lại nếu lấy bỏ toàn bộ dầu thì nguy cơ teo nhãn cầu là rất cao. Khi đó cần cân nhắc phẫu thuật lại, bóc tách màng thể mi giúp hồi phục lại nhãn áp nếu chức năng của mắt còn, nếu tiên lượng quá kém thì nên để dầu lại trong mắt mà không nên can thiệp gì thêm .

Trong nghiên cứu này chúng tôi gặp 4 trường hợp dầu ra tiền phòng của nhóm 1 đều xuất hiện trên mắt đã được phẫu thuật cắt dịch kính và thể thủy tinh. Tất cả các trường hợp này đều không có tăng nhãn áp kèm theo do đều được điều trị chống viêm tích cực và làm laser YAG để mở lại lỗ cắt mống mắt chu biên ở phía 6 giờ. Trong số 4 trường hợp có 2 mắt sau khi tháo dầu sớm hơn dự định, khi tình trạng võng mạc ở phía sau đã ổn định, kết hợp treo IOL thì II và thị lực đều hồi phục khá tốt, giác mạc duy trì độ trong suốt với

số lượng tế bào nội mô còn khoảng 1 500 tế bào/mm2. Hai mắt còn lại 1 mắt

bị teo nhãn cầu, 1 mắt teo nhãn cầu kèm loạn dưỡng giác mạc đều mất hết chức năng do vậy không có chỉ định can thiệp gì thêm, dầu được để lại để tránh nhãn cầu teo quá nhỏ.

Tương tự như vậy, nhóm 2 có 5 trường hợp dầu ra tiền phòng tuy nhiên đều không có tăng nhãn áp kèm theo (dầu không chiếm toàn bộ tiền phòng và lỗ cắt mống mắt chu biên được mở lại bằng laser). Hai trong số 5 trường hợp này tháo dầu an toàn, sớm hơn dự định ở thời điểm 2 tháng kết hợp treo IOL đạt kết quả thị lực khá tốt, giác mạc trong suốt với mật độ tế bào nội mô xấp

xỉ 1500 tế bào/mm2. Ba trường hợp còn lại 1 mắt bị teo nhãn cầu mất chức

năng, 1 mắt bong võng mạc dưới dầu thị lực chỉ còn sáng tối. Cả 2 mắt này giác mạc đều còn trong, tuy nhiên do tiên lượng chức năng quá kém nên không có chỉ định can thiệp phẫu thuật thêm. Mắt thứ 3 còn lại có teo nhãn cầu kèm loạn dưỡng giác mạc và cũng không có chỉ định tháo dầu.

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả phẫu thuật cắt dịch kính bơm dầu silicone nội nhãn điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh do vi khuẩn (Trang 114 - 115)