CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN TUYÊN QUANG
2.2.1.2. Những nhân tố thuộc môi trường ngành
Áp lực cạnh tranh của các đối thủ hiện tại trong ngành: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay chỉ có 03 NHTM đang hoạt động đó là: Vietinbank Tuyên Quang, Agribank Tuyên Quang và BIDV Tuyên Quang. Tuy số lượng các NHTM không nhiều nhưng do phạm vi hoạt động hẹp, thị trường nhỏ bé, số lượng khách hàng có hạn và đa phần các NHTM đều có hệ thống các Phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm, các máy ATM tại khu vực đô thị đã làm cho cuộc cạnh tranh giữa các NHTM trở nên quyết liệt, nhất là cạnh tranh về các sản phẩm huy động vốn, tín dụng, phát hành thẻ ATM, chi trả lương qua tài khoản. Agribank Tuyên Quang hiện có 03 phòng giao dịch, 01 Chi nhánh thành phố và Hội sở tại địa bàn thành phố cùng với 05 máy ATM. BIDV Tuyên Quang có 06 quỹ tiết kiệm và 01 Hội sở Chi nhánh, 05 máy ATM. Vietinbank Tuyên Quang có 02 phòng giao dịch, 01 quỹ tiết kiệm, 05 máy ATM. Cuộc cạnh tranh này trở nên quyết liệt khi Vietinbank Tuyên Quang tuy mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 những đã phát triển mạnh mẽ với dư nợ tín dụng đạt trên 431 tỷ đồng, huy động vốn đạt 616 tỷ đồng,( thời điểm 30/06/2011) đã có 87 trên tổng số 320 đơn vị chi trả lương qua tài khoản, đã mở 02 phòng giao dịch và tuyển dụng mới trên 10 cán bộ vào làm việc. Điều đó chứng tỏ áp lực cạnh tranh của các đối thủ hiện tại trong ngành đã tăng lên rất mạnh.
Nguy cơ nhập cuộc từ các đối thủ tiềm năng: Sự xuất hiện của những đối thủ tiềm năng sẽ là mối nguy cơ lớn đe doạ đến thị phần của các ngân hàng bằng các cơ chế, chính sách và sản phẩm dịch vụ mới. Tuy nhiên, theo thông tin từ NHNN Tuyên Quang trong vòng từ 01 đến 02 năm nữa sẽ có một vài NHTMCP khai trương, một số NHTM đã khảo sát tình hình tại địa phương và sẽ mở Chi nhánh hoạt động tại địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngay khi có đủ điều kiện. Do đó, các NHTM này sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh mới, làm gia tăng áp lực đối với các NHTM hiện tại trong đó có BIDV Tuyên Quang. Chi nhánh Ngân hàng bưu điện
Liên Việt Tuyên Quang đã và đang sắp sếp lại bộ máy và mô hình tổ chức sau khi sáp nhập.
Các sản phẩm có khả năng thay thế: Do sản phẩm dịch vụ ngân hàng là sản phẩm đặc trưng nên sự ra đời của các quỹ tín dụng, các tổ chức có chức năng cung cấp một phần sản phẩm dịch vụ ngân hàng sẽ thu hút khách hàng của các NHTM hiện tại. Chẳng hạn như, sản phẩm bảo hiểm do ngân hàng cung cấp. Sự hoạt động tích cực, có hiệu quả của các chi nhánh công ty bảo hiểm như: Bảo Việt Tuyên Quang, PJCO Tuyên Quang, MIC Tuyên Quang, Bảo Minh Tuyên Quang, Xuân Thành Tuyên Quang sẽ làm cho việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm của Công ty bảo hiểm BIC Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn do phải cạnh tranh quyết liệt với các đơn vị này.
Quyền lực thương lượng của người mua: Khu vực thành phố Tuyên Quang có trên 90.000 nhân khẩu thuộc 7 đơn vị phường và 05 xã cùng với trên 220 doanh nghiệp đang hoạt động đã làm cho cuộc cạnh tranh giữa các NHTM trở thành cuộc cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm dịch vụ. BIDV Tuyên Quang với nhiều năm kinh nghiệm phục vụ đã và đang thu hút được ngày càng nhiều khách hàng được minh chứng bởi sự tìm đến với ngân hàng ngày càng nhiều của các khách hàng. Chính vì thị trường nhỏ hẹp, kinh tế phát triển nhưng còn hạn chế đã khiến cho các NHTM phải luôn nâng cao chất lượng dịch vụ, huy động vốn đa dạng và linh hoạt hơn, cung ứng tín dụng nhanh chóng và thuận tiện hơn, giá, phí dịch vụ cạnh tranh hơn.