Chức năng, mục tiêu và nhiệm vụ của trường Giáo dưỡng

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giáo dục về chủ nghĩa nhân đạo của a.x.makarenko trong công tác giáo dục tại trường giáo dưỡng số 2 ninh bình (Trang 53)

9. Đóng góp của đề tài

2.2.2 Chức năng, mục tiêu và nhiệm vụ của trường Giáo dưỡng

Trường Giáo dưỡng là loại hình trường chuyên biệt có chức năng quản lý giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật, giúp các em sửa chữa những lỗi lầm để trở thành những người tốt, có ích cho xã hội.

Trước đây, mục tiêu đào tạo của trường PTCNN đã được xác định trong điều 3 của Quyết định 217/TTg-NC của Thủ tướng Chính phủ, đó là “Trường PTCNN có nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, chính trị và đạo đức Cách mạng kết hợp chặt chẽ với việc dạy văn hoá và dạy nghề, nhằm cải biến những thiếu niên hư trở thành những thiếu niên tốt, thanh niên tốt tiến bộ toàn diện, có đạo đức tốt, có trình độ văn hoá, ưa thích lao động, có nghề nghiệp.”

Năm 1995, lần đầu tiên gọi TGD xuất hiện trong một văn bản có giá trị pháp lý cao; đó là “Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính”, phần nói về xử lý vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên. Thực hiện điều 22 của Pháp lệnh này, ngày 26/4/1996 Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã có Quyết định số 199 về việc thành lập hệ thống TGD.

Từ Quyết định 199 các trường PTCNN được gọi là TGD. Trong quy chế TGD quy định: “Trường Giáo dưỡng có nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, dạy văn hoá, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề và tổ chức lao động phù hợp với lứa tuổi nhằm giúp đỡ học sinh sửa chữa những vi phạm của mình, phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ để trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội.”

Hiện nay, trường Giáo dưỡng số 2 có nhiệm vụ tiếp nhận, giáo dục và quản lý những trẻ em hư từ khu vực miền Trung trở ra ngoài Bắc.(cụ thể là từ khu vực tỉnh Nghệ An trở ra). Trường đang quản lý và giáo dục khoảng 678 học sinh. Sự ra đời và phát triển TGD số 2 trong những năm qua đã giúp cho hàng ngàn trẻ em vi phạm pháp luật có điều kiện sống, học tập và rèn luyện để trở thành người bình thường.

Mục tiêu đào tạo trên của TGD được cụ thể hoá khi vận dụng vào thực tiễn công tác của TGD số 2, đó là: Giáo dục cho học sinh những nội dung:

Yêu nước XHCN, yêu lao động, ghét ăn bám ghét bóc lột, có thói quen sống học tập và lao động trong tập thể; có kỉ luật, ghét lối sống cá nhân chủ nghĩa, buông thả tuỳ tiện; biết tự hào về truyền thống dân tộc, truyền thống của thanh thiếu niên; có kỹ năng và thói quen tự kìm chế mình trước sự cám dỗ của người xấu, việc xấu.

Biết lao động, quen lao động và thích lao động; biết một nghề hoặc một số nghề trong số những nghề chăn nuôi, trồng trọt, thủ công.

Có trình độ văn hoá phù hợp với số năm ở trường. (bắt buộc phổ cập trung học cơ sở đối với học sinh được đưa vào trường mà chưa được đi học)

Có sức khoẻ tốt, cơ thể phát triển bình thường.

Nhằm đạt được những mục tiêu đào tạo trên đây thì trường Giáo dưỡng số 2 đã đề ra các nhiệm vụ giáo dục như sau:

Nhiệm vụ 1: Giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho học sinh. Trẻ ở TGD đều là những trẻ phạm pháp. Trước khi vào trường, các em đã từng trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng... Từ trình độ văn hoá và nhận thức thấp, nên các em có hiểu biết và nhìn nhận sai lệch về những vấn đề như luật pháp, đạo đức, thẩm mỹ. Ví dụ, hầu hết học sinh khi vào trường đều cho rằng cuộc sống là phải tận hưởng kể cả nghiện hút ma tuý, trộm cắp, cướp giật, dẫn gái làm tiền cũng là một nghề trong xã hội. Nhiều em cho rằng, bao che cho người khác làm việc xấu, dám coi thường tất cả, hành động liều lĩnh táo bạo là anh hùng. Phần lớn các em đều cho rằng, nếu chơi với bạn nhưng lại phản ánh với thầy cô giáo và đoàn thể những việc xấu của bạn thì là kẻ phản bạn; xăm trổ trên mình những câu chữ, hình ảnh quái dị nhưng chúng cho rằng như thế là đẹp và oai; thích nói tục chửi thề, nói tiếng lóng.... Vì vậy, giáo dục tư tưởng chính trị và đạo đức cách mạng cho học

sinh là một công tác rất quan trọng trong TGD số 2. Điều cần thiết đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cho học sinh là phải cung cấp cho các em một hệ thống kiến thức về chính trị, đạo đức, pháp luật, nhất là những khái niệm, quy tắc đạo đức mới, những giá trị cơ bản làm người, có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhưng gần gũi với các em. Đây là những yếu tố quan trọng, giúp cho học sinh khắc phục những lệch lạc trong nhân cách của các em.

Từ nhiệm vụ trên, đặt ra cho học sinh trường giáo dưỡng những nội dung cụ thể mà học sinh cần phải học tập và rèn luyện trong thời gian ở TGD số 2 là:

- Giáo dục giúp các em có những hiểu biết về lịch sử và truyền thống TGD số 2

- Giáo dục giúp các em làm quen với cuộc sống có tổ chức có kỷ luật, với tập thể mới; với thầy cô giáo và bạn bè mới trong trường.

- Giáo dục cho học sinh của nhà trường về bổn phận của học sinh TGD gồm: tự giác chấp hành nội quy của nhà trường, biết kính trọng thầy cô giáo theo truyền thống tôn sư trọng đạo của dân toọc Việt Nam, biết bảo vệ tài sản của trường, tích cực tham gia các hoạt động tập thể.

- Giáo dục cho các em hướng tới những giá trị cơ bản làm người cho các em, đó là: lòng thương người, biết yêu lao động, khiêm tốn lễ phép, danh dự và lòng tự trọng, tự tin, tự lập, tính kiên trì, lòng dũng cảm, sự khoan dung. - Giáo dục cho các em trách nhiệm đối với bản thân, bao gồm những nội dung cụ thể: sống trung thực, sống liêm khiết, có kỷ luật, tiết kiệm thời gian và tiền của lao động, ngăn lắp gọn gàng trong cuộc sống.

- Giáo dục cho các em trách nhiệm của mình đối với gia đình: quan niệm đúng đắn về tình yêu, hôn nhân và gia đình. Từ đó giúp học sinh có những hiểu biết và có ý thức trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

- Giáo dục cho các em về việc thể hiện và thiết lập những mối quan hệ xung quanh: sự tế nhị, sự cảm thông, sự chia sẻ, sự hợp tác giữa mọi người ... trong mối quan hệ với bạn bè, với những người xung quanh

- Giáo dục cho học sinh nghĩa vụ của công dân đối với xã hội: tình yêu quê hương đất nước, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ tài sản công dân và tài sản của nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ các di tích lịch sử – văn hoá và danh lam thắng cảnh.

- Giáo dục cho các em những phẩm chất cần thiết để trở lại cuộc sống đời thường: kỹ năng hoà nhập với xã hội, năng động sáng tạo, kỹ năng tự hoàn thiện bản thân, kỹ năng thích ứng với cuộc sống, kỹ năng bảo vệ bản thân...

Các nội dung trên được truyền đạt và cung cấp cho học sinh thông qua nhiều hình thức khác nhau: có thuyết phục, giảng giải hàng ngày; qua các đợt học tập chính trị thường xuyên; qua giảng dạy môn giáo dục công dân, chính trị; qua thảo luận trong các diễn đàn, qua các hoạt động bổ trợ giáo dục mà nhà trường và các cơ quan đoàn thể tổ chức cho các em.

Để giúp các em học sinh nhà trường có thể hình thành những thói quen đạo đức tốt, nhà trường rất coi trọng việc lựa chọn và tìm kiếm những biện pháp giúp các em rèn luyện tư tưởng chính trị và đạo đức. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, các thầy cô giáo và những cán bộ quản lý nhà trường đã tổ chức cho các em tham gia vào các hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhằm bổ trợ tốt nhất cho công tác giáo dục của nhà trường như: học tập văn hoá (bắt buộc đối với học sinh), tổ chức cho học sinh có cơ hội tham gia văn nghệ, tham gia những hội thi, hội thao, lao động sản xuất, học nghề, sinh hoạt tập thể. Ví dụ như vào đầu năm 2010 nhà trường đã tổ chức một chương trình bổ trợ văn hoá được rất nhiều học sinh tích cực tham gia, đó là chương trình: “Thắp sáng ước mơ”, chương trình có sự tham gia của các cơ quan tổ chức của Đoàn thanh niên 8 tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng. Qua chương trình đã có

nhiều em bày tỏ ước mơ và nguyện vọng của mình trong những sản phẩm của các em như: những câu chuyện, những bức tranh, qua sự tâm sự, qua những tiểu phẩm kịch, những chủ để tham gia dự thi....

Thông qua những hoạt động giáo dục nhà trường, các em có điều kiện, có môi trường được rèn luyện để có những kỹ năng và thói quen đạo đức tốt, được có cơ hội bộc lộ những gì mà mình đã học tập và rèn luyện được trong thời gian ở TGD số 2. Qua đó, người giáo viên cũng như những cán bộ quản lý cũng có thể thấy được những tồn tại và những gì cần bổ xung để làm cho công tác giáo dục của mình ngày càng có hiệu quả.

Do đặc thù là một loại trường chuyên biệt, ở đây các em được chăm sóc đầy đủ từ miếng ăn đến giấc ngủ. Vì vậy nên, trách nhiệm giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức là trách nhiệm chung của tất cả cán bộ và giáo viên của nhà trường, trong đó có giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy văn hoá và giáo viên dạy nghề.

Nhiệm vụ 2: Dạy và học văn hóa.

Một nhiệm vụ quan trọng của TGD số 2 trong tổ chức các hoạt động giáo dục là hoạt động học tập văn hoá của học sinh. Dạy và học văn hoá phải gắn liền với hoạt động lao động sản xuất, dạy nghề, xây dựng tập thể đội, lớp, thực hiện thông qua công tác dạy chữ để dạy người.

Thực tế, những học sinh được đưa vào TGD số 2 hầu hết mới chỉ biết qua cái chữ. Thậm chí có những em còn không biết một chữ nào hết, có em thì bỏ học lâu ngày nên quên hết mặt chữ. Điều đó đặt ra một nhiệm vụ đối với nhà trường trong khâu đầu nhận các em vào trường đó là phân loại văn hoá của các em, kiểm tra trình độ học vấn của học sinh để tiện cho việc phân đội, phân lớp, phân theo độ tuổi. Có nhiều em đã 15 tuổi mà chưa một lần học chữ. Còn có những em khi được kiểm tra thì thường nói dối để học chương trình thấp hơn, dễ hơn.

Ở TGD số 2 các em được bắt buộc phổ cập chương trình học đối với học sinh trung học cơ sở. Đó là một bắt buộc đối với học sinh vào trường mà chưa được đi học hoặc là đang học dở dang chương trình học ở bên ngoài. Đối với những em đã học hết chương trình trung học cơ sở, nhà trường chưa có chương trình học bắt buộc đối với những em này cho nên các em sẽ chủ yếu tham gia vào hoạt động học nghề và lao động sản xuất.

Chương trình học dùng cho học sinh TGD không có gì khác so với học sinh bình thường, duy chỉ có một môn Giáo dục công dân là có những nội dung chuyên biệt dành cho học sinh TGD.

Nhiệm vụ 3: Giáo dục lao động và dạy nghề cho học sinh.

Học sinh TGD phần lớn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu sự quan tâm chăm sóc và giáo dục của gia đình. Trước khi vào TGD các em hầu hết đều lang thang kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: cướp giật, trộm cắp, nhặt rác... Đa số các em đều có những vấn đề về sức khoẻ; chiều cao, cân nặng không tương xứng với độ tuổi: bị các bệnh ngoài da, nghiên hút, mắc bệnh hiểm nghèo, kể cả HIV.

Vì thế, khi vào trường các em đều phải qua kiểm tra sức khoẻ tại cơ sở y tế của nhà trường. Việc nuôi dưỡng các em cũng không đơn giản chỉ là giải quyết những vấn đề cơ bản như ăn,mặc, chỗ ở. Nhà trường còn quan tâm đến các mặt quan trọng khác là, chữa bệnh, rèn luyện thân thể, rèn luyện thói quen tốt, vui chơi giải trí; tạo môi trường sống, học tập, lao động lành mạnh, yên tâm, hạnh phúc và an toàn cho các em.

Rõ ràng việc nuôi dưỡng các em trong nhà trường vừa có tác dụng đến sự phát triển cơ thể của các em, vừa có ý nghĩa rất to lớn đối với việc thực hiện mục tiêu nói chung của nhà trường, nhất là thể hiện cao tính nhân đạo cao cả của Đảng và Nhà nước ta trong công tác giáo dục trẻ vị thành niên phạm pháp.

Các em có sức khoẻ tốt thì việc giáo dục lao động và dạy nghề mới được thực hiện có hiệu quả. Trong TGD số 2, các em được theo học nhiều nghề cơ bản như: may mặc, cắt tóc, điện, cơ khí, lao động thủ công...Đồng thời các em vào trường còn được lựa chọn nghề mà mình thích học, phù hợp với sức khoẻ và giới tính cũng đồng thời phù hợp với vùng miền mà học sinh đang sinh sống. Việc giáo dục lao động và học nghề cho học sinh giúp các em có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường với một nghề cụ thể làm vốn sống cho bản thân, không quay lại con đường phạm pháp như trước khi vào trường.

Một phần của tài liệu vận dụng quan điểm giáo dục về chủ nghĩa nhân đạo của a.x.makarenko trong công tác giáo dục tại trường giáo dưỡng số 2 ninh bình (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)