9. Đóng góp của đề tài
1.3.3. Cách đòi hỏi con người và tôn trọng đối với con người
Năm 1938, trong đại hội các giáo sư thành Lêningrat, Makarenko phát biểu ý kiến như sau: “Nguyên tắc cơ bản của chúng ta luôn luôn là: làm thế nào nêu lên cho con người nhiều yêu cầu nhất, nhưng đồng thời cũng phải làm
thế nào tôn kính con người nhiều nhất. Nói một cách thực tế, trong phép biện chứng của chúng ta, hai điều đó thống nhất với nhau: khi chúng ta đòi hỏi ở con người thực nhiều thì bản thân sự đòi hỏi đó cũng đã bao gồm sự tôn kính của chúng ta. Chính vì chúng ta yêu cầu, chính vì người ta thực hiện yêu cầu của chúng ta, mà chúng ta tỏ lòng tôn kính đối với người ta”. [15.Tr.177].
Theo quan niệm của ông, khi nhà giáo dục đặt ra những yêu cầu, những đòi hỏi đối với người học thì ngay trong lúc đó nhà giáo dục đã bày tỏ chân thật nhất sự tôn trọng người học. Có tôn trọng thì nhà giáo dục mới đưa ra những đòi hỏi đối với người ấy, bởi nếu không hiểu rõ con người, không nhìn nhận thấy được khả năng của con người thì đưa ra sự đòi hỏi là không có căn cứ và không có tác dụng giáo dục.
Nội dung chủ yếu của chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa trong lĩnh vực giáo dục, theo Makarenko là cách đòi hỏi ở con người và sự tôn trọng con người.
Khi nói về vai trò của sự đòi hỏi trong công tác giáo dục Makarenko đặc biệt nhấn mạnh: “Tôi nhấn mạnh rằng không thể có giáo dục nếu không thực hiện sự đòi hỏi.” [21. Tr.71].
Theo Makarenko nếu lòng tin chỉ được biểu hiện như một lời hứa, thậm chí một lời cam đoan thì cũng chẳng bao giờ thực sự có tác dụng giáo dục. Lòng tin thực sự vào con người bao giờ cũng được biểu hiện ở sự dám giao việc cho đối tượng giáo dục. Thực chất của hiện tượng giao việc là sự đòi hỏi một cái cụ thể tinh thần trách nhiệm và năng lực hoàn thành nhiệm vụ ở người được giao việc. Tin là dám đưa ra đòi hỏi ấy với người được tin. Chấp nhận sự đòi hỏi ấy với mình, đó là vinh dự của người được tin. Nói cách khác, không dám đưa ra sự đòi hỏi ấy, không dám giao việc, điều đó có nghĩa là không tin, cho dù trên lời nói, anh tuyên bố một triệu lần là anh tin người ta.
Nhưng, vấn đề không đơn giản. Bằng tất cả những kinh nghiệm quý báu của mình Makarenko đã lưu ý các nhà giáo dục rằng, nói như thế, không
phải mọi sự đòi hỏi đều biều hiện của lòng tin. Nếu sự đòi hỏi con người mang tính thách đố, làm con người không thể thực hiện được yêu cầu thì đó không phải là lòng tin và không hề có tác dụng giáo dục. Theo ông đó là một hình thức mạo hiểm trong giáo dục và “ mọi mạo hiểm đều là cần thiết và có thể được.” [11.Tr 23].
Với kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông rút ra rằng cách đòi hỏi đúng đắn là biểu hiện chân thật của sự tôn trọng con người. Đó là cách nêu ra đòi hỏi ngày một cao hơn, nhưng cao ở mức độ nếu người được giao cố gắng thêm một chút có thể hoàn thành được. Với cách giao việc đó, nhà giáo dục sẽ giúp học sinh dần dần nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực giải quyết nhiệm vụ ở người được giao việc. Đồng thời làm cho con người tự tin hơn và tin vào tập thể. Bằng cách tác động ấy, hàng loạt những phẩm chất cơ bản của người lao động được hình thành ở người được giao việc.
Nói về lòng tin ở con người và sự tôn trọng đối với con người của Makarenko các nhà giáo dục không thể quên câu chuyện về một trại viên có tên Semeon Karabanov. Chuyện được Makarenko kể lại trong tác phẩm “Bài ca sư phạm”.
Sự tôn trọng và cách đòi hỏi con người của Makarenko còn thể hiện trong “những cú bùng nổ”, mà các nhà giáo dục ngày nay gọi đó là “phương pháp bùng nổ”. Việc sử dụng những cú bùng nổ theo Makarenko là cần thiết trong quá trình giáo dục. Đối với những trẻ em hư được đưa vào trại, Makarenko và các đồng nghiệp nhận thức sâu sắc những ảnh hưởng xấu do cách tiệp nhận theo kiểu coi cơ sở giáo dục như một trại giam. Makarenko đã tổ chức lại quá trình tiếp nhận theo phương pháp “những cú bùng nổ”. Với cách tiếp nhận đó là cho những trẻ em hư bắt đầu vào trại thấy rất xúc động vì thái độ thương yêu và tôn trọng của trại đối với chúng. Phương pháp tiếp nhận như vậy đã tạo cho trẻ em hư một tâm lý thuận lợi cho việc sẵn sàng làm lại cuộc đời và quên đi quá khứ của chúng. Đây chính là việc thực hiện chủ nghĩa nhân đạo của ông - chủ nghĩa nhân đạo mang tên Makarenko.
Cốt lõi của quan điểm chủ nghĩa nhân đạo cộng sản trong giáo dục của theo Makarenko chính là ở cách đòi hỏi và sự tôn trọng đối với con người. Nói cách khác tôn trọng đồng thời kết hợp với yêu cầu ngày càng cao đối với họ. Sự kết nối giữa đòi hỏi với kính trọng đối với nhân cách không phải là hai sự việc khác nhau mà chính là ở một mặt của một vấn đề. Những đòi hỏi, yêu cầu của chúng ta đối với nhân cách chính là thể hiện sự kính trọng đối với khả năng của con người và trong sự kính trọng chúng ta đồng thời cũng đưa ra những đòi hỏi đối với nhân cách.
Một trong những nguyên tắc chỉ đạo phương pháp luận tác động sư phạm chính là sự kết hợp hài hoà giữa sự tôn trọng và yêu cầu đòi hỏi đối với trẻ em. Nó cần được xuyên suốt cuộc sống của tập thể giáo dục. Sự hài lòng giữa yêu cầu và tôn trọng thể hiện tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa. Bởi vì những yêu cầu và đòi hỏi được dựa trên sự tôn trọng, không áp đặt con người mà ngược lại nâng họ lên tầm cao hơn. Điều đó làm cho cuộc sống của trẻ em tươi đẹp, hạnh phúc, tràn đầy sức sống. Trẻ em luôn đẹp, nếu chúng được giáo dục đúng, sống đúng, làm việc đúng và sướng vui đúng.
Ông khẳng định vai trò của đòi hỏi trong công tác giáo dục, nhưng ông cũng thừa nhận rằng: “Tất nhiên là không phải lúc nào cũng đòi hỏi. Đòi hỏi là một yếu tố chủ yếu của kỷ luật, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Thật ra thì về căn bản, tất cả những yếu tố khác cũng thuộc phạm trù đòi hỏi, nhưng được bày tỏ dưới một hình thức ít cương quyết nhất. Sức hấp dẫn và sự bắt buộc, như đã rõ, là một hình thức đòi hỏi kém cương quyết. Sau cùng và không kém phần quan trọng là sự hăm doạ - một hình thức đòi hỏi mạnh hơn hình thức bình thường.” [21. Tr.76]. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự giao việc nào cũng là sự hòi hỏi đối với học sinh “Nếu sự giao việc chỉ là một thủ đoạn mang tính chất thách đố, cốt để người giao việc phải thất bại, phải buồn nản và tự ti thì đấy không phải là biểu hiện chân thật của lòng tin và không bao giờ có tác dụng giáo dục.” [11. Tr.20-21].
Do đó, vấn đề là ở cách đòi hỏi chứ không phải sự đòi hỏi. Theo ông,
“cách đòi hỏi đúng đắn là biểu hiện chân thật của sự tôn trọng đối với con người. Đó là cách nêu ra đòi hỏi ngày một cao hơn, nhưng cao ở mức độ nếu người được giao việc cố gắng lên một chút thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ” [11. Tr21].
Với cách đòi hỏi như vậy thì nhà giáo dục sẽ từng bước nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực giải quyết những công việc của các em học sinh. Đồng thời có tác dụng giúp cho người được giao việc tự tin hơn trong công việc của mình, dần hình thành ở người được giao việc những phẩm chất của người lao động.
Makarenko chia sự phát triển yêu cầu ra làm ba thời kì:
Thời kì đầu, chính nhà sư phạm yêu cầu trực tiếp. Thời kì này ở giai đoạn đầu tiên khi mới thành lập tập thể giáo dục, khi trong tay nhà sư phạm không có phương tiện. Trong thời kì đó, theo Makarenko nhà sư phạm phải quyết tâm, kiên trì, kiên quyết và không nhường bước để học viên thực hiện được những yêu cầu đối với chúng. Đồng thời, tìm kiếm điểm tựa - người giúp mình trong số các học viên.
Thời kì thứ hai của sự phát triển yêu cầu, đòi hỏi phải tổ chức tích cực hoạt động cùng nhà sư phạm.
Thời kì thứ ba, thời kì điển hình đối với một tập thể Cộng sản chủ nghĩa, khi đòi hỏi tất cả một tập thể. Sự phát triển yêu cầu đạt đến thời điểm này hầu như không có sự chống đối đáng kể. Quá trình giáo dục được thực hiện một cách nhẹ nhàng.
Điều quan trọng, yêu cầu đưa ra không chỉ bằng lời nói. Nó cần phải đưa ra trong một tổ chức thích hợp đối với môi trường xung quanh. Trong nhận thức và thực tiễn của Makarenko, yêu cầu chính là tác động được tổ chức chuyên nghiệp bằng tất cả những phương tiện có được của nhà sư phạm lên tình cảm, nhận thức của trẻ em.
Ngày đầu tiên trẻ vào trại các nhà giáo dục đòi hỏi trẻ không phạm lỗi là một điều không biện chứng. Bởi vì, chúng xuất thân từ trẻ lang thang, trộm cướp, móc túi.... Nhưng trẻ đã qua một giai đoạn giáo dục ở trại mà tái phạm thì không thể chấp nhận. Đối với ông, những trẻ ngoan, cán bộ nòng cốt sẽ phải yêu cầu cao hơn so với những trẻ hư khác. Ông cho rằng, hãy tin vào những lời hứa của trẻ và tạo điều kiện để chúng thực hiện lời hứa. Điều đó cũng thể hiện quan điểm giáo dục đậm tính nhân đạo của ông.
Tính không khoan nhượng với khuyết điểm lỗi lầm của bọn trẻ cũng là biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong quan điểm giáo dục của ông. Ông từng nhấn mạnh “Tính nghiêm khắc này là tính nhân đạo lớn nhất mà ta có thể đưa ra đối với con người, vấn đề này được thực hiện chính xác số học” [21. Tr 45]. Nghiêm khắc đó là yêu cầu thực hiện trước sau như một, là sự nhẫn tâm, bản lĩnh không nhu nhược. Nó khác hẳn sự hà khắc buông lỏng để trẻ phát triển những tật xấu tự nhiên.
Tính nghiêm khắc đối với trại viên thực hiện đến từng nhiệm vụ cụ thể, trong những công việc hàng ngày, trong những yêu cầu hàng ngày ông đặt ra đối với các em. Ví dụ, khi ông gửi một thông tin đến một trại viên của mình “23h đêm lên phòng gặp tôi.” thì người được mời lên như vậy có muốn lên gặp ngay cũng không được, phải đúng 23h đêm, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá nhân đó sẽ nhận được những lời yêu cầu của các thành viên trong đội của mình hoặc trong tập thể. Đó là một trong những đòi hỏi nghiêm khắc nhất mà tập thể đặt ra đối với cá nhân. Điều đó giúp cho cá nhân nhận thức được rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm và những sai trái của mình. Từ đó, cá nhân sẽ có ý thức cao hơn, phấn đấu tốt hơn.
Sự đòi hỏi và tôn trọng con người được ông thể hiện bằng những biện pháp giáo dục tác động bằng tập thể, hoặc tác động trực tiếp cá nhân. Có khi sự đòi hỏi được nêu ra thông qua tập thể, nhưng cũng có khi nó được nêu trực
tiếp với cá nhân. Muốn làm được điều đó, nhà giáo dục phải được tập thể tôn trọng, yêu mến và thực sự có uy tín đối với tập thể học sinh. Vì vậy, nhà giáo dục có thể dùng biện pháp giáo dục trực tiếp cá nhân, giáo dục thông qua tập thể và bằng tập thể.
Như vậy, với Makarenko thì việc nêu ra sự đòi hỏi cũng chính bao hàm sự tôn trọng của nhà giáo dục với đối tượng giáo dục đó. Tuy nhiên sự đòi hỏi và tôn trọng đó phải được vận dụng một cách khoé léo và có nghiệp vụ sư phạm. Nhà giáo dục phải là người được tập thể tín nhiệm, nếu ngược lại sẽ trở thành tác nhân phản tác dụng giáo dục.