Thực hiện đường lối đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc (Đại hội IX và X), Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, thể hiện rõ quan điểm đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm ma tuý nói riêng. Đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh thực hiện các chương trình về ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng đóng vai trò quan trọng.
Sự chỉ đạo kiên quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tinh thần quyết tâm của toàn xã hội, của các lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm ma tuý, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã đem lại những kết quả quan trọng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, tệ nạn ma tuý vẫn diễn biến phức tạp. Nguồn ma tuý chủ yếu thẩm lậu từ nước ngoài vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Ở một số địa
phương, có tình trạng tái trồng cây chứa chất ma tuý, còn nhiều tụ điểm phức tạp về ma tuý, tình hình tội phạm và sử dụng trái phép chất ma tuý…vẫn có xu hướng gia tăng, lan rộng. Số vụ phát hiện được tuy có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Tội phạm ma tuý có yếu tố nước ngoài tham gia tăng cả về phạm vi, tuyến, địa bàn. Hoạt động của bọn tội phạm ma tuý sẽ quốc tế hóa, thủ đoạn, phương thức hoạt động của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn.
Thực trạng nói trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý; chưa thật sự nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị. Vì vậy, chưa tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia công tác phòng, chống ma tuý.
Mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nước ta đã tham gia Hiệp định AFTA về tự do buôn bán giữa các nước ASEAN và đã gia nhập WTO; đầu tư, liên doanh, liên doanh, liên kết sản xuất, buôn bán, du lịch giữa các nước trong khu vực và trên thế giới, thị trường chứng khoán, thị trường vốn đã phát triển sôi động hơn. Đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng là thách thức lớn về nhiều mặt, trong đó có vấn để ma tuý.
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, thời gian tới, do siêu lợi nhuận từ buôn lậu ma tuý nên hoạt động của tội phạm ma tuý sẽ gia tăng phức tạp hơn; các đường dây buôn bán ma tuý quốc tế không chỉ hoạt động trong phạm vi khu vực và châu lục như trước đây mà sẽ thay đổi tuyến buôn bán, vận chuyển, xâm nhập thêm vào nhiều nước để mở rộng thị trường hoạt động tổ chức sản xuất, buôn bán ma tuý và tẩy rửa tiền từ buôn lậu ma tuý. Nước ta ở gần vùng “Tam giác vàng”, một trung tâm sản xuất ma tuý lớn nhất thế giới.
Từ khu vực này đi qua Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Cămpuchia vào Việt Nam rồi ra Biển Đông rất thuận lợi. Do đó, bọn tội phạm ma tuý đã và đang triệt để lợi dụng lấy nước ta làm địa bàn quá cảnh vận chuyển ma tuý sang vùng Đông Bắc Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, dọc tuyến biên giới Myanma - Lào - Thái Lan, Myanma - Trung Quốc và ở Cămpuchia đã xuất hiện nhiều nhóm tội phạm ma tuý xây dựng các cơ sở sản xuất heroin, tinh chế thuốc phiện, cần sa, sản xuất ma tuý tổng hợp sẽ tác động làm cho tình hình buôn bán vận chuyển ma tuý ở Việt Nam chịu áp lực phức tạp ngày càng lớn. Nguồn ma tuý vẫn chủ yếu là từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, vì vậy hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý từ nước ngoài vào ngày càng gia tăng.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống kiểm soát ma tuý trong tình hình mới. Ngày 26/3/2008, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về hậu quả, tác hại của ma tuý để mỗi người tích cực tham gia phòng, chống ma tuý và tự phòng, chống ma tuý; tạo nên phong trào hành động ở mỗi cộng đồng và rộng khắp trong cả nước, làm giảm thiểu tệ nạn ma tuý. Các cấp, các ngành, đoàn thể cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng đồng bộ các biện pháp, huy động sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma tuý, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma tuý thẩm lậu vào nước ta; phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma tuý ở khu vực biên giới bằng
mọi biện pháp; tập trung đấu tranh triệt phá các tụ điểm buôn bán, sử dụng ma tuý; đồng thời điều tra, xử lý kiên quyết bọn tội phạm mua bán, tổ chức sử dụng ma tuý còn tiềm ẩn. Tổ chức cai nghiện cho tất cả những người nghiện ma tuý theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý vừa được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua. Coi trọng, nhân rộng các mô hình cai nghiện có hiệu quả, chặn đứng tình trạng gia tăng số người nghiện mới, từng bước làm giảm dần số người nghiện ma tuý ở các địa bàn dân cư.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nhất định chúng ta sẽ từng bước kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma tuý khỏi đời sống xã hội.