Như phân tích ở phần thực trạng, kết quả điều tra ý kiến các chuyên gia thấy rằng chính sách điều hành giá hiện nay của công ty còn quá cứng nhắc, không được mềm dẻo so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Điều này phản ánh qua việc công ty thông báo giá thu mua nguyên liệu cố định đầu vụ ép hay giá bán sản phẩm qua từng thời điểm. Đây là một chính sách kinh doanh rất thích hợp trong dài hạn và phù hợp với thị trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên tại Việt Nam cần có sự điều chỉnh linh hoạt hơn để ứng phó kịp thời hơn so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt trong việc bị tranh mua nguyên liệu mía đầu vào.
Chính sách bán hàng của công ty luôn đảm bảo tính chắc chắn, hầu hết các hợp đồng bán hàng đều thuộc loại trả tiền trước, phần hợp đồng bán hàng theo hạn mức tín dụng chỉ chiếm khoảng 8-10% với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ và chỉ bán cho khách hàng công nghiệp. Thực tế này dẫn đến nhiều khách hàng công nghiệp muốn mua trực tiếp hàng của công ty nhưng do không đáp ứng được các điều kiện của công ty đưa ra do đó lại phải mua hàng của công ty qua các khách hàng thương mại.
Áp dụng một cách linh hoạt chính sách ưu đãi đối với từng loại khách hàng, đây là một trong những biện pháp cần thiết để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Như xem xét áp dụng chiết khấu thương mại đối với những hợp đồng với số lượng lớn; chiết khấu thanh toán cho những khách hàng hợp tác lâu dài với công ty và có uy tín, luôn chấp hành tốt kỷ luật trong thanh toán; hoặc trợ cước vận tải cho những khách hàng ở xa.
Nghiên cứu và khảo sát được nhu cầu của khách hàng bằng việc theo dõi lịch sử giao dịch của khách hàng bằng việc xây dựng hệ thống lưu trữ dữ liệu khách hàng từ đó giúp doanh nghiệp phân loại được các nhóm khách hàng (khách hàng lớn, khách hàng truyền thống, khách hàng tiềm năng...) làm cơ sở đề ra chiến lược bán hàng, chiến lược phát triển thị trường, chính sách hậu mãi cho từng nhóm đối tượng khách
hàng từ đó sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực của mình so với các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trong ngành.