ĐỊNH HƯỚNG BIÊN SOẠN VÀ SỰ CẬP NHẬT TRI THỨC CỦA CÁC TỰĐIỂN, TỪĐIỂN HÁN NÔM THẾ KỈ
4.2.4. Định hướng cái học “phi khoa cử” trong “Đại Nam quốc ngữ”
4.2.4.1. Định hướng cái học “phi khoa cử” qua bài tựa
Bài tựa của Đại Nam như sau:
"Tựa : Đức Khổng Tử có nói rằng: “Người mà không biết đến Chu Nam
Thiệu Nam thì cũng tựa như đứng quay mặt vào tường”. Ngài lại nói: “Thi cho
người ta biết đến nhiều tên của chim thú cỏ cây”. Như vậy, cái học của cửa Thánh thực là cái học chẳng cầu cao xa, không nề thấp gần, cứ theo đó là đi đến đạo.
Ta hồi trước đây có xem người ta cải táng, thấy có một cái nhà táng kiên cố, trong đó có đến bốn năm đuôi con cá trê. Ta không biết làm sao mà như
thế. Ta bèn đi xem trong các sách y học, trong đó có sách nói rằng móng tay móng chân của người hoá thành một loài cá gọi là “hoàng tảng ngư - cá trán vàng”. Ta đem chuyện đó hỏi thầy thuốc rằng “hoàng tảng là cá gì?” thì mọi người đều không biết. Ta khảo trong sách Bản thảo thì thấy trong đó có chú
“hoàng tảng ngư” là cá trê.
Ôi! Trung Quốc là một nước mà lại còn có chuyện “Sở nhân - Tề ngữ”, huống hồ là nước ta với nước phương Bắc kia, ngôn ngữ vốn bất đồng, nếu như không có dịch tiếng phương Bắc sang tiếng Nam ta thì ta làm sao có thể tường tận được tên của muôn vật? Vả lại trong số ba trăm loài động vật thuộc giống người (nguyên văn: “khoả trùng”) thì người là loài đứng đầu. Theo cái
tính của tự nhiên trời đất thì người là hàng giống quí. Tại sao người lại là hàng giống quí? Vì quí ở chỗ có tri thức. Thế mà nay lại lấy chỗ ở thanh nhàn, chỉ lấy ăn thịt ngon làm nên chỗ đứng đầu và đáng quí thôi sao?
Bởi vậy, ta bèn đem những gì mà mình quan sát thấy được, không kể luận thuyết thế nào, đều thu lấy, ghi chép thành quyển sổ tay, gọi đó là “nặc sinh
chi thư - sách ghi những điều giấu riêng cho mình”. Chủ nhân của quyển sổ tay
ấy dùng nó thấy chỗ nào mà mình thấy bùi ngùi, thì nhấm nháp hỏi mọi người, sưu tập ý kiến của họ lại. Đại phàm muôn vật, có hình thể thì có tên gọi, thể hiện trong ngôn luận. Khi khảo xét hình thể và tên gọi, hoặc thấy chỗ nào vẫn còn giản lược mà chưa đầy đủ, hoặc thấy có chú mà vẫn chưa rõ... khó khảo sát đính chính thì ta lại tham cầu những lời của người đi trước, theo kí ức trí nhớ của mình, cầu rộng cho tinh, cắt bớt những gì bị coi là phiền nhũng. Sắp xếp trước sau, điều điều bàn kĩ, xếp thành 50 môn loại. Lấy nhan đề là Đại Nam quốc ngữ.
Có người bảo ta rằng, những nhà khoa hoạn nước ta, nếu không có quyển sách này thì cũng chẳng có tổn hại gì, sao ông không lập ngôn theo chính giáo mà lại cứ luận bàn theo những cái “nhật dụng thường hành”, ông làm thế để làm gì?
Ôi, các tinh anh trong trời đất đều được ngụ đọng trong muôn vật. Trong mỗi vật lại có cái lạ riêng cho chính mình. Thảng hoặc như nếu ta bỏ chúng, để thiếu kiến văn thì làm sao mà kê cứu được chúng. Vả lại, như các ngôi sao Mao Đầu, Thiên Cẩu, Sàm Thương, chúng là ngôi sao gì? Các vị thần như Thanh Nữ, Huyền Minh, Tất Lục là những vị thần nào? Nếp hương nếp trắng có gì để phân biệt? Đại mạch, Tiểu mạch lấy gì để nhận riêng? Chim chào mào với chim bách thiệt thuộc loài chim gì? Loài mộc khách loài cẩm dương thuộc loài thú gì? Cây ngưu tất, cây kim linh có hiệu là gì? Gọi là hoa lê, gọi là đường lệ là tên gì?” Ta làm sách này, một là để khảo cứu, một là để dạy cho con em. Nếu chúng ngươi ai mà để tâm nhớ đến thì không ai không có được sự bổ cứu nhỏ. Còn như kẻ nào coi nó là một vật tầm thường, thì không nên xem, ta cũng đành chịu, chứ ta không phụ cái tinh thần mà bậc thánh nhân đã dạy cho ta".
Bài tựa trên cho thấy, tác giả đã nhận thức và đưa ra những lí do cho việc biên soạn bộ sách của mình, có thể tóm gọn lại là: Cái học của Thánh nhân là cái học chẳng nề cao xa, thấp gần. Cái học khoa cử là cái học cao. Bên cạnh cái học cao ấy là cái học gần, cái học thường nhật. Nếu học chữ Bắc mà không dịch ra tiếng Nam thì không thể tường tận được tên của muôn vật. Việc làm sách này không phải là việc lập ngôn theo chính giáo, mà để khảo cứu và dạy cho con em… Như vậy, đây chính là sự định hướng của người soạn sách. Bộ sách lấy mục đích khảo cứu danh vật, dẫu bị khoa cử cho là cái học gần nhưng lại có ích cho đời sống.
Phần Nghĩa lệ của sách thì viết:
"1- Các nước ngôn ngữ khác nhau. Mỗi nước đều có một tiếng nói riêng của mình. Nước ta từ thời Sĩ vương đã dịch tiếng Bắc ra tiếng Nam. Trong số đó nhiều vật chưa từng biết được. Đại loại như “thư cưu” không biết là chim gì, "dương đào" không biết là cây gì. Đại khái những loại như thế thật là quá nhiều. Sách này chú bằng quốc âm, số đông đều được khảo xét đầy đủ. Có những trường hợp do quá rõ, quá dễ biết cho nên cũng không cần chú.
2- Sách này tham khảo những gì là thiết yếu nhật dụng hàng ngày. Trong đó hoặc giả có chỗ nào chưa đầy đủ thì ta lựa chọn trong các sách, tham bái những gì đã biết, phân môn chia loại, tập thành một bộ. Đại phàm những chỗ nào ở các sách chồng chéo nhau thì cắt bỏ đi, cải đổi chỗ sai kiểu chữ “hợi” chữ “thỉ”. Chỗ nào chính xác tin tưởng thì lưu truyền, chỗ nào nghi ngờ thì loại bỏ.
3- Sách này không phục vụ cho lối học “kinh tế - kinh bang tế thế”. Còn như về phương diện "nhật dụng thường hành" thì ngõ hầu đều chọn đủ. Thảng hoặc có ai cần khảo xét kĩ, chắc sách này ích lợi cũng không phải nhỏ.
4- Trong khoảng trời đất này, người và vật đông đúc, không biết làm sao kể hết được. Những cái gì tai nghe mắt thấy cũng chưa làm sao nêu hết được. Còn như muốn thu thập kiêm bị thì chờ các bậc quân tử bác nhã".
Bài Nghĩa lệ này với 4 điều như vậy như một sự qui ước về cách thức biên soạn của người soạn sách vậy.
Qua Tựa, Nghĩa lệ và chính từ cơ cấu vốn từ ngữ được trình bày trong
Đại Nam đã cho ta thấy yêu cầu, cách thức biên soạn và khối lượng tri thức
"NHẬT DỤNG THƯỜNG HÀNH" của bộ sách này. Từ cơ cấu vốn từ cũng như mục đích biên soạn của nó đã phản ánh sự tồn tại một cái học phi khoa cử, trọng “nhật dụng thường hành” ở Việt Nam những thập niên cuối thế kỉ XIX.
4.2.4.2. Định hướng cái học “phi khoa cử” qua bảng từ và mục từ
Bộ sách Đại Nam này có 50 môn loại. Nếu so sánh cụ thể về tên gọi với
các bộ tự điển Hán - Nôm được tổ chức theo môn loại như: Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (40 môn loại), Nhật dụng (32 môn loại), Tự Đức (7 môn loại); Nam
phương (33 môn loại) thì cơ cấu môn loại của Đại Nam có phần tương ứng với
Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa hơn cả về mặt số lượng môn loại cũng như tên
môn loại. Sự tương ứng về tên môn loại ở hai bộ này như sau: Thiên văn; Địa lí; Nhân luân; Thân thể; Tạng phủ (Thân thể cử thố); Thực bộ; Ẩm bộ; Bính bộ; Cẩm tú; Cung thất; Chu xa; Nông canh; Tàm thất; Chức nhậm; Chú dã;
trùng; Mao trùng; Lân trùng; Giáp trùng; Mộc loại; Hoa loại; Quả loại... Qua
thống kê chúng tôi thấy có đến 33 môn loại hoặc là trùng nhau toàn bộ hoặc là trùng nhau một phần.
Trước hết phải khẳng định rằng, Hải Châu tử Nguyễn Văn San đã xuất phát từ cái học tam tài (thiên - địa - nhân) để xây dựng các môn loại cho bộ sách học các tri thức được xây dựng theo từ điển Hán - Nôm của mình. Cơ cấu môn loại của Đại Nam tăng lên là do nó mang trong mình những liên hệ có
tính nội bộ. Liên hệ nội bộ ở đây thể hiện ở chỗ, ông đã chia tách nhiều phạm trù thành các môn loại nhỏ hơn để tạo nên những môn loại mới mà ở Chỉ Nam
ngọc âm không có. Các môn loại thuộc loại hình như thế như:
Thục túc môn đệ thập (tờ 28a - 29b) gồm 90 mục từ ghi tên các loại lúa
đậu như: đạo, bạch đạo, bạch đậu; Nữ trang môn đệ thập tam (tờ 34a - 34b)
gồm 45 mục từ ghi tên các đồ nữ trang như lược, son, phấn...; Thái sắc môn đệ
thập ngũ (tờ 35b - 36a) gồm 20 mục từ về các màu sắc như bạch, hắc...; Quan
đái môn đệ thập lục (tờ 36a - 36b) gồm 37 mục từ về các loại mũ, đai; Hoả
dụng môn đệ thập cửu (tờ 39a - 39b) gồm 27 mục từ về các vật liên quan đến
lửa; Tác dụng môn đệ thập nhị lục (tờ 46b - 48b) gồm 141 mục từ về các động
tác việc làm của con người như xuyên, xơ...; Văn sự môn đệ nhị thập thất (tờ
48b - 49a) gồm 66 mục từ về các thuật ngữ, tên gọi thuộc về sách vở như: đoan nghiêm, Tứ thư, Ngũ kinh...; Trân bảo môn đệ nhị thập cửu (tờ 50b - 53a) gồm
154 mục từ về các đồ trân báu như dạ quang châu, minh nguyệt châu...; Nhân
phẩm môn đệ tam thập nhị (tờ 55a - 57b) gồm 178 mục từ về các hạng lớp
người trong xã hội; Sơ thái môn đệ tứ thập (tờ 65a - 67b) gồm 111 mục từ về
các loại rau từ rau phổ thái đến rau tía tô; Bách thảo môn đệ tứ thập nhất (tờ
67b - 70a) gồm 172 mục từ về các loài cỏ; Trùng trãi môn đệ tứ thập thất (tờ
81b - 83b) gồm 81 mục từ về các loài sâu dũi chúi không có chân.
Sự định hướng cái học “phi khoa cử” qua bảng từ và mục từ của Đại Nam
được cụ thể hóa bằng những tri thức trong từng mục từ của nó. Dưới đây là những ví dụ thể hiện cái học phi khoa cử được chuyển đạt trong đó:
Môn loại Bách hoa môn đệ tam thập bát (tờ 61a - 63a) bao gồm hàng
trăm mục từ về trăm hoa (trồng, cắt, tỉa hoa; các loài hoa;... như: TÀI HOA trồng hoa; HOA ÂM bóng hoa; LẠC HOA hoa rụng; HOA BIỆN cánh hoa; TIỄN HOA cắt hoa; ...;
TIỂU HỒI HƯƠNG thì là.
Môn loại Bách quả môn đệ tam thập cửu (tờ 63a - 65a) bao gồm hàng
trăm mục từ về các loài quả, tên quả, các sản phẩm làm từ quả... như: MAI TỬ quả mai; Ô MAI dĩ đạo cách hôi điều thủy tẩm bán nhật chưng qua sái can trí táo yên thượng; BẠCH
MAI (...); ...; LÍ TỬ quả mận; ĐÀO TỬ quả đào; ... ; CÔN MA TỬ hạt dầu (thầu) dầu.
Môn loại Sơ thái môn đệ tứ thập (tờ 65a - 67b) bao gồm hàng trăm mục
về các loại rau, trạng thái, đặc tính, công dụng của một số loài rau như: CỬU THÁI rau hẹ; HỒ THÔNG rau môi; GIỚI THÁI rau kiệu; BẠCH GIỚI TÙNG cải cúc; GIỚI THÁI rau cải; MÃ CẦN rau cần đất; ...; THẢO TỊCH cỏ cói làm chiếu; TÍA TÔ THẢO.
Môn loại Bách mộc môn đệ tứ thập nhị (tờ 70 a - 71b) bao gồm tên hàng trăm loài cây cũng như đặc tính của chúng như: TÙNG thông;
TÙNG MAO lá cây thông om; BÁCH cây trắc bách diệp; LINH XUÂN cây thông; CỐI cây cối; NGỌC LAN cây đại;
CAM ĐƯỜNG cây bàng; NGÔ ĐỒNG cây bông; MỘC MIÊN cây gạo; THẠCH LỰU cây thừu lựu trắng; HOÀNG THỊ cây thị; THIẾT LÂM gỗ lim; THIẾT TÚ gỗ táu; HOÀNG TÂM gỗ vàng tâm; ... ; ĐÀO GIAO nhựa đào; HOÀNG BÁCH vỏ cây núc nác; HỔ PHÁCH nhựa cây thấm dưới đát lâu năm thành phách;
TAM LĂNG củ cây tam lăng; QUYỂN BÁCH cây vạn niên tùng, LỆ TRÚC trúc làm tên.
Những ví dụ dẫn ở trên đây có ý nghĩa như một cuốn sổ ghi chép về thực vật học có giá trị tham khảo rất lớn.
Cơ cấu bảng từ, mục từ của Đại Nam về hình thức tên gọi, số lượng mục
từ như thế đã cơ bản thể hiện sự định hướng một cái học “phi khoa cử”. Sự mở rộng số lượng các môn loại, sự chia tách, lai ghép giữa những môn loại mà các mục từ ở đấy có liên hệ với nhau trong Đại Nam, trong một chừng mực nào đó,
còn phản ánh sự phong phú, sự đi lên của đời sống người Việt Nam đương thời và điều đó đã được cố định trong cơ cấu vốn từ của từ điển. Đó là những kiến thức không dễ tìm thấy trong các sách vở phổ biến đương thời.