Nguồn các sách Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tự điển, từ điển Hán Nôm thế kỉ XIX (Trang 42 - 44)

CỦA CÁC TỰ ĐIỂN, TỪ ĐIỂN HÁN NÔM THẾ KỈ

2.2.2.Nguồn các sách Việt Nam

Bài tựa của Nam phương đã dẫn ở trên có đoạn: “Tiền bối Lê Quí Đôn “Vân Đài loại ngữ”; Tuệ Tĩnh “Dược tính chỉ nam”; Phạm Đình Hổ “Nhật dụng thường đàm” đẳng thư… diệc thường bác thái quần thư dĩ thụ hậu học nhi quải nhất lậu vạn lãm giả, bất vô hám yên - Các sách Vân Đài loại ngữ của

tiền bối Lê Quý Đôn, Dược tính chỉ nam của Tuệ Tĩnh, Nhật dụng thường đàm

của Phạm Đình Hổ cũng từng tham bác nhiều sách để dạy cho bọn hậu học, đeo lấy một mà bỏ sót đến muôn”. Đoạn trích này cũng cho ta biết bộ sách có nguồn dẫn liệu từ các sách Việt Nam.

Ta biết rằng, Vân Đài loại ngữ, 4 quyển, bách khoa thư theo môn loại do Lê Quí Đôn soạn, gồm 8 môn loại (1. Lí khí ng; 2.

Hình tượng ngữ; 3. Khu vũ ngữ; 4. Vựng điểu ngữ; 5. Văn nghệ ngữ; 6. Âm tự ngữ; 7. Thư tịch ngữ; 8. Sĩ qui ngữ), được xem như là một bách khoa thư.

Trần Văn Giáp đã nhận xết về Vân Đài loại ngữ như sau: “Theo thuật ngữ thư mục học thì “loại thư” là những bộ sách có nội dung tổng hợp, không chuyên hẳn về một môn loại nào, nếu chuyển ngang sang thuật ngữ hiện đại thì có thể gọi những sách ấy thuộc loại Bách khoa toàn thư. Cố nhiên, trong truyền thống biên soạn, khảo cứu của Trung Quốc và Việt Nam thì những bộ Bách khoa toàn thư ấy không xếp theo thứ tự chữ cái như Bách khoa toàn thư của các nước phương Tây, mà thường là chia riêng theo từng môn loại tùy theo nội dung của từng bộ sách. Trong ý nghĩa, Vân Đài loại ngữ là một Bách khoa toàn thư do riêng một tác giả là Lê Quí Đôn biên soạn. Với tư cách là một công trình cá nhân, Vân Đài loại ngữ đã thể hiện tầm hiểu biết rộng lớn của nhà bác học Lê Quí Đôn. Công trình đó là một trong những di sản rất quí báu mà ông

đã để lại cho chúng ta ngày nay. Nội dung Vân Đài loại ngữ có 9 đề mục; trong từng đề mục, tác giả cứ theo từng điều mà viết, không thật hẳn tuân theo một trật tự nào…”[15, tr.257].

+ Dược tính chỉ nam, do Tuệ Tĩnh soạn. Theo Trần Văn Giáp,

Tuệ Tĩnh tên là Nguyễn Bá Tĩnh , biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê làng Xưa, tổng Văn Thai, Cẩm Giàng, Hải Dương. Tuệ Tĩnh có các sách Nam dược thần hiệu, Phú thuốc Nam… Qua tìm hiểu, chúng tôi không thấy Tìm hiểu kho sách Hán Nôm và Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu nhắc đến tên sách Dược

tính chỉ nam, nên trong điều kiện tư liệu và phạm vi nghiên cứu, luận án chưa

dám khẳng định Nam dược thần hiệu và Dược tính chỉ nam có phải là một hay

không!.

+ Nhật dụng thường đàm, do Phạm Đình Hổ (1769 - 1839) soạn.

Đây là bộ sách được Nam phương nhắc đến với tư cách là nguồn dẫn liệu cho

sự biên soạn, song cũng chính là bộ sách cùng loại và đồng đại với Nam phương, đã được luận án giới thiệu ở phần trên đây.

+ Nhất thống chí tức Đại Nam nhất thống chí, gồm 28

quyển, Sử quán triều Nguyễn (Tự Đức) soạn; sách chép tay, giấy bản thường, khổ 28cm x 16cm; mỗi quyển riêng về một tỉnh.

Theo Trần Văn Giáp: “Sách chép riêng từng tỉnh, theo lối Nhất thống chí

triều Thanh, mỗi tỉnh gồm có các mục: 1. Phận dã (giới hạn theo vị trí các sao trên bầu trời); 2. Kiến trí diên cách (lịch sử thay đổi); 3. Hình thế

(vị trí địa dư); 4. Khí hậu (thời tiết, mưa nắng); 5. Phong tục (tục lệ thói quen); 6. Thành trì (Thành, hào, có phụ bản địa đồ) ; 7. Học hiệu

(trường học); 8. Hộ khẩu (số người); 9. Điền phú (thuế ruộng); 10.

Sơn xuyên (núi non, sông ngòi); 11. Cổ tích (di tích lịch sử); 12. Quan

tấn (cửa ải và đồn biển); 13. Thị tập (chợ búa); 14. Tân lương (bến đập); 15. Đê uyển (đê điều); 16. Lăng mộ (mồ mả vua quan); 17.

Từ miếu (đền miếu); 18. Tự quán (chùa thờ phật, đền đạo sĩ); 19. Nhân

vật (truyện các bậc nổi tiếng); 20. Liệt nữ (phụ nữ tiết liệt và giỏi); 21.

Tiên thích (các bậc tu Phật, tu đạo); 22. Thổ sản (sản vật địa phương);

23. Giang đạo (đường sông); 24. Tân độ (bến đò ngang, đò dọc). [14, tr.338-339].

Như vậy, theo như lời tiểu dẫn của Nam phương đã dẫn ở trên, nguồn các

sách được Nam phương nhắc đến có xuất xứ từ Trung Quốc gồm 12 quyển và

xuất xứ từ Việt Nam gồm 4 quyển. Từ danh mục những sách được coi là mẫu, hay là nguồn dẫn liệu cho việc biên soạn này cho thấy, tất cả chúng đều là sách thuộc phạm trù tự thư, từ thư, loại thư, hay các sách có tính cập nhật tri thức. Có những sách thuộc loại thư về tất cả lĩnh vực (tam tài) hay về một số lĩnh vực, đặc biệt nhất là những lĩnh vực về cỏ cây, chim thú, y dược mà theo cách nói hiện đại là các lĩnh vực động vật, thực vật, kĩ thuật, công nghệ, kiến trúc cũng như địa lí Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa xã hội Việt Nam cả trong lịch sử và đương thời.

Đa phần các sách được dẫn ra làm mẫu có nguồn gốc cả từ Trung Quốc và Việt Nam, về cơ bản đều thuộc phạm trù phi kinh điển, được biên soạn theo hướng “cách trí” hay “đa thức” nhằm cập nhật kiến thức. Chúng đều có mang ý nghĩa nhận thức về thế giới tự nhiên, xã hội tức là phạm trù danh vật. Trong số sách đó có một số sách liên quan đến đời sống cụ thể của đất nước Việt Nam ở thế kỉ XIX cả về tự nhiên - xã hội - con người. Điều đó cho thấy các bộ tự điển, từ điển Hán Nôm thế kỉ XIX được định hướng biên soạn theo hướng cập nhật kiến thức của nguồn sách làm mẫu. Đây là vấn đề sẽ được nghiên cứu trong chương 4 của luận án này.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu các tự điển, từ điển Hán Nôm thế kỉ XIX (Trang 42 - 44)