Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với sự phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN tố ẢNH HƯỞNG đến sự gắn bó của cán bộ CÔNG NHÂN VIÊN đối với TRƯỜNG CAO ĐẲNG văn hóa NGHỆ THUẬT và DU LỊCH NHA TRANG (Trang 33 - 36)

Trong mối quan hệ giữa nguồn lao động với phát triển kinh tế thì nguồn lao động luôn luôn đóng vai trò quyết định đối với mọi hoạt động kinh tế trong các nguồn lực để phát triển kinh tế. Theo nhà kinh tế người Anh, William Petty cho rằng lao động là cha, đất đai là mẹ của mọi của cải vật chất; C.Mác cho rằng con người là yếu tố số một của lực lượng sản xuất. Nhà tương lai Mỹ Avill Toffer nhấn mạnh vai trò của lao động tri thức, theo ông "Tiền bạc tiêu mãi cũng hết, quyền lực rồi sẽ mất; chỉ có trí tuệ của con người thì khi sử dụng không những không mất đi mà còn lớn lên” (Power Shift-Thăng trầm quyền lực- Avill Toffer).

Nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm những lao động qua đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ của các bậc đào tạo và có khả năng đáp ứng những yêu cầu phức tạp của công việc tương ứng với trình độ được đào tạo (trừ một số trường hợp đặc biệt không qua đào tạo); từ đó tạo ra năng suất và hiệu quả cao trong công việc, có những đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của mỗi đơn vị nói riêng và toàn xã hội nói chung (trích dẫn từ Đặng Danh Lợi, 2010).

Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Thứ nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực là nhân tố quyết định việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác. So với các nguồn lực khác như vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ… nguồn nhân lực với yếu tố hàng đầu là trí tuệ, chất xám có ưu thế nổi bật ở chỗ nó không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý, còn các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố có hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với nguồn nhân lực một cách có hiệu quả. Vì vậy, con người với tư cách là nguồn nhân lực, là chủ thể sáng tạo, là yếu tố bản thân của quá trình sản xuất, là nguồn lực chính quyết định quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo kinh nghiệm của các nước công nghiệp lớn thì công nghiệp hóa, hiện đại hóa là phương thức duy nhất để phát triển kinh tế và bất kỳ một quốc gia nào bỏ qua quá trình này đều sẽ trở

nên quá chậm, quá lạc hậu so với bước đi của thế giới. Chính vì vậy mà trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của nước ta đã đề ra phương hướng “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức…” và trong Cương lĩnh cũng nói rõ “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”.

Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện để các quốc gia hội nhập với nền kinh tế thế giới, nền kinh tế tri thức, nền kinh tế đó đang diễn ra những biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia.

1.3 Tầm quan trọng của duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao

Chúng ta đang sống trong thời đại mà hơn bao giờ hết các tổ chức, công ty đang ngày càng phụ thuộc vào vấn đề con người. Cho dù phần lớn công việc chúng ta đều tận dụng vào sức mạnh của công nghệ thông tin nhưng trong thế giới thương mại vẫn rất cần tài năng, kinh nghiệm và kỹ năng của con người để đưa ứng dụng của công nghệ trở thành những sản phẩm trí tuệ hữu ích và tạo ra những quyết định hiệu quả (trích dẫn từ Đinh Việt Hòa, 2009). Nguồn vốn, đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị… có thể dễ dàng huy động được nhưng yếu tố biến tất cả các nguồn lực trên trở thành lợi nhuận đó chính là con người, là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là nhân tố quyết định đến sự sống còn đối với mỗi tổ chức, công ty. Hơn nữa, chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề hết sức nghiêm trọng là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (Tracy, 2007). Dân số Việt Nam năm 2010 trên 86,9 triệu người, với lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm tỷ lệ 53,18% nhưng trong số đó có đến 47% người lao động chưa được đào tạo nghề hoặc kỹ năng thấp. Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2006 cho biết khoảng 18% tổng số các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho chính doanh nghiệp. 59% doanh nghiệp khu vực tư nhân, 47% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 65% doanh nghiệp nhà nước báo cáo rằng giữ người giỏi rất khó. Có 39% doanh nghiệp cho biết rất khó khăn trong tìm nhân sự quản lý cấp cao, 50% doanh nghiệp khó khăn trong tìm chuyên viên kỹ sư, 45% doanh nghiệp khó khăn trong tìm thợ có kỹ năng (Nguyễn Văn Dung, 2010). Thêm vào đó, nạn “chảy máu chất xám” đang khiến rất nhiều các doanh nghiệp phải đau đầu. Ở Bắc Mỹ, ngay vào thời kỳ kinh tế suy thoái nhất, tỷ lệ nhân viên thay đổi chỗ làm trung bình

cũng ở mức 20% và các công ty đều cho rằng giữ được nhân viên giỏi là rất khó. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 60% người lao động không cảm thấy gắn bó với nơi làm việc hiện tại và cũng không có ý định kéo dài quá hai năm (Gostick & Elton, 2006). Hay một nghiên cứu và thăm dò gần đây của hãng tư vấn nhân lực quốc tế Towers Watson nhằm trả lời câu hỏi “Hàng ngày, tập thể nhân viên có thực sự gắn bó để cống hiến những gì tốt nhất của họ cho công ty?” đã cho thấy trong năm 2010 chưa tới 21% các nhân viên được điều tra trả lời rằng họ “gắn bó cao” với công ty, giảm so với con số 31% vào năm 2009. Có tới gần 80% số người được hỏi thừa nhận họ “không cảm thấy gắn bó chút nào”.

Như vậy, việc duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của những nhà quản trị nhân lực trong thế kỷ 21 này.

Ngày nay, để cạnh tranh thành công trên thương trường vô cùng khắc nghiệt, các doanh nghiệp luôn phải nỗ lực duy trì và phát triển khách hàng, phải thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và tạo ra giá trị vượt trội cho họ. Các khách hàng được thỏa mãn cao sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (trích dẫn từ Lê Thế Giới cùng nhóm tác giả, 2011, tr35). Những nhân viên giỏi chính là nhân tố quan trọng để tạo ra những giá trị vượt trội cho khách hàng, làm cho khách hàng trung thành, gắn bó với công ty tạo ra nhiều giá trị cho công ty. Nếu nhân viên giỏi ra đi chắc chắn sẽ kéo theo lượng khách hàng trung thành, từ đó gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Cứ 5% khách hàng bỏ đi sẽ dẫn đến sự giảm sút lợi nhuận từ 25% đến 85% tùy thuộc vào từng ngành. Tỷ lệ lợi nhuận trên khách hàng có khuynh hướng gia tăng theo mức độ trung thành của khách hàng (trích dẫn từ Lê Thế Giới cùng nhóm tác giả, 2011, tr69). Ngoài ra, khi nhân viên giỏi ra đi sẽ làm cho doanh nghiệp tốn kém thêm rất nhiều chi phí như tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo, phụ cấp học nghề… và cả những chi phí vô hình khác, bởi người giỏi ra đi chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của những nhân viên ở lại.

Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia, của mỗi tổ chức. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, kinh tế tri thức ngày càng có vai trò quan trọng, do đó con người và tri thức trở thành lợi thế cạnh tranh mang bản sắc của mỗi quốc gia, của mỗi tổ chức. Vì giá trị thuộc về nguồn nhân lực là bền vững và không thể sao chép.

Tóm lại, trong bất kỳ một quốc gia hay một tổ chức nào dù có vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất hay tiềm lực về tài chính vững mạnh nhất thì con người luôn luôn đóng vai trò chủ đạo, là nhân tố quyết định sự thịnh suy (trích dẫn từ Đinh Việt Hòa, 2009) của tổ chức hay của quốc gia đó. Warren Bennis – một chuyên gia về lãnh đạo đã nói: “Thật nực cười nhưng chúng ta phải khẳng định rằng, lý thuyết và công nghệ đã không làm thay đổi thế giới. Con người đã thay đổi thế giới” (Đinh Việt Hòa, 2009). Cũng chính vì vậy mà trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011 – 2020 đã nêu rõ “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ”. Như vậy, quản trị nguồn nhân lực là một yêu cầu vô cùng cấp bách đối với sự phát triển của mỗi quốc gia hay mỗi tổ chức, đặc biệt, tuyển dụng và duy trì nhân viên giỏi là nhiệm vụ quan trọng và khó khăn hàng đầu của những nhà quản trị nhân sự ở thế kỷ 21 vì số lượng nhân viên giỏi hiện nay là rất ít ỏi (Tracy, 2007).

Một phần của tài liệu CÁC NHÂN tố ẢNH HƯỞNG đến sự gắn bó của cán bộ CÔNG NHÂN VIÊN đối với TRƯỜNG CAO ĐẲNG văn hóa NGHỆ THUẬT và DU LỊCH NHA TRANG (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)