2.2 Cơ sở thực nghiệm về tăng trưởng nông nghiệp
2.2.3 Dữ liệu sử dụng trong phân tích tăng trưởng nông nghiệp
Như đã trình ở phần trước thì số liệu cho các nghiên cứu rất đa dạng từ số liệu vĩ mô đến vi mô; số liệu thời gian, số liệu không gian và số liệu bảng. Số liệu sử dụng để nghiên cứu phụ thuộc vào mục tiêu của các nghiên cứu, và số liệu sử dụng sẽ quyết định phương pháp ước lượng. Với sự đầy đủ về số liệu hơn và phát triển các kỹ thuật kinh tế lượng, vì vậy các nghiên cứu gần đây đã sử dụng số liệu bảng và các kỹ thuật ước lượng cho số liệu bảng. Số liệu bảng chứa đựng nhiều thông tin hơn so với số liệu chéo và số liệu thời gian, vì vậy số liệu bảng khắc phục được những nhược điểm của số liệu còn lại. Tăng trưởng nông nghiệp Mỹ được khá nhiều tác giả nghiên cứu với sự đa dạng về loại số liệu và phương pháp cũng như mô hình nghiên cứu. Bắt đầu từ nghiên cứu của Griliches (1963) về việc chỉ trích sử dụng phần dư không giải thích được để đo lường sự thay đổi của kỹ thuật, vì vậy ông sử dụng phân tích định lượng tăng trưởng năng suất nông nghiệp bằng cách sử dụng hàm sản xuất Cobb – Douglas với số liệu của 68 vùng trong giai đoạn 1940 – 1960, đồng thời ông cũng điều chỉnh việc đo lường các biến và so sánh kết quả giữa hai cách tiếp cận. Evenson (1967) với mục đích ước lượng sự ảnh hưởng của hoạt động nghiên cứu đến sản xuất nông nghiệp và ước lượng độ trễ giữa chi phí nghiên cứu và sự ảnh hưởng của nó. Tác giả sử dụng số liệu của tất cả các bang của Mỹ trong giai đoạn 1938 – 1963 và sử dụng cách tiếp cận kinh tế lượng và hàm sản xuất Cobb – Douglas. Số liệu sử dụng là số liệu thời gian cho toàn bộ nền nông nghiệp Mỹ và số liệu chéo cho từng bang. Trong nghiên cứu ngoài việc điều chỉnh chất lượng lao động theo số năm đi học thì tác giả cũng sử dụng biến thời tiết. Kết quả cho thấy sự ảnh
29
hưởng của chi phí nghiên cứu có độ trễ từ 6 đến 7,5 năm và mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất của chi tiêu cho nghiên cứu là từ 6 năm.
Hayami & Ruttan (1970) với mục tiêu tìm ra nguyên nhân của sự khác biệt về năng suất nông nghiệp giữa nhóm quốc gia phát triển (DCs) và các quốc gia kém phát triển (LDCs) bằng cách sử dụng số liệu của 38 nước trong giai đoạn 1952 – 1966. Sản lượng nông nghiệp của từng quốc gia được tổng hợp bằng cách sử dụng giá nhập khẩu của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong các nghiên về tăng trưởng nông nghiệp giữa các quốc gia phải kể đến nghiên cứu của Bhattacharjee (1955). Nghiên cứu này sử dụng số liệu của 22 quốc gia từ năm 1948 – 1950 để nghiên cứu nguồn gốc tăng trưởng nông nghiệp của các nước, với kết quả tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của thế giới là 2,25% lớn hơn tốc độ tăng dân số 1,22%. Tác giả kết luận nếu tỷ lệ tăng trưởng trên được giữ như vậy thì vấn đề an ninh lương thực không đáng lo ngại. Kế thừa và phát triển kỹ thuật ước lượng của Hayami & Ruttan (1970) thì Craig et al. (1997) sử dụng số liệu của 98 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 1961 – 1990 bằng cách sử dụng hàm sản xuất Cobb – Douglas. Các tác giả đã xây dựng chỉ số sản lượng thực của mỗi hoạt động trồng trồng trọt và chăn nuôi, giá hàng hoá của quốc giá hoặc chỉ số giá được sử dụng để điều chỉnh sự thay đổi thực theo thời gian của mỗi quốc gia khi sử dụng năm so sánh là năm 1980, đồng thời số liệu về đầu ra và đầu vào của mỗi quốc gia được chuyển đổi cùng một đơn vị định giá bằng cách sử dụng tỷ lệ chuyển đổi nông nghiệp hoặc sức ngang giá mua.
Lim & Shumway (1997) sử dụng kỹ thuật đồng kết hợp để ước lượng sai lệch về thay đổi kỹ thuật ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp Mỹ trong giai đoạn 1948 – 1991 bằng cách kết hợp nhiều yếu tố thể hiện sự thay đổi của công nghệ. Kết quả kiểm định Dickey – Fuller và Johansen – Juselius trên hàm quadratic và hàm translog. Kết quả ước lượng từ hai mô hình cho thấy mô hình truyền thống có nhiều hệ số có ý nghĩa hơn và dấu của các hệ số ước lượng cũng phù hợp với lý thuyết hơn so với mô hình đồng kết hợp mặc dù kết quả kiểm định dành cho số liệu thời gian cho thấy mô hình đồng kết hợp phù hợp.
Fan & Pardey (1997) khi nghiên cứu về năng suất và tăng trưởng sản lượng của nông nghiệp Trung Quốc cũng đã sử dụng số liệu bảng, trong đó bao gồm hoạt động nghiên cứu hoặc giá trị của vốn kiến thức, đất, phân bón, năng lượng, diện tích đất có thuỷ lợi và biến giả cho các vùng đất khác nhau về kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên mà không được tính vào các biến khác và biến giả cho thời gian trước và sau năm 1978. Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật ước lượng OLS với hàm sản xuất Cobb – Douglas và sử dụng mô hình hiệu ứng cố định. Kết quả ước lượng cho thấy sự tăng trưởng của nông nghiệp Trung Quốc phần lớn do sự thay đổi của định chế và tái cơ cấu thị trường, thay đổi về kỹ thuật đóng góp 20% vào sự tăng trưởng nông nghiệp từ năm 1966, ngoài ra vốn và năng lượng là hai nguồn lực quan trọng cho sản xuất nông nghiệp. Tác giả cũng
30
đưa các khuyến nghị về sự đa dạng các hoạt động kinh tế nông thôn như là chuyên môn hoá sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi làm tăng lợi thế cạnh tranh theo vùng, và cần khôi phục lại những quyền cơ bản của nông hộ. Arnade (1998) sử dụng số liệu của 70 quốc gia trong giai đoạn 1961 – 1993 để ước lượng hiệu quả kỹ thuật và năng suất của đa yếu tố (MFP). Chỉ số Malmquist và phương pháp bao dữ liệu (DEA) được sử dụng để tính hiệu quả sản xuất. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp được sử dụng làm biến được giải thích bởi các biến giải thích là diện tích đất có thuỷ lợi và không có thuỷ lợi, lao động, máy kéo, phân bón và vật nuôi. Trong cả giai đoạn 1961 – 1993 được chia làm 11 giai đoạn để nhằm giảm ảnh hưởng của thời tiết đến sản xuất. Kết quả cho thấy Nhật Bản, Israel, Hà Lan và Mỹ là đạt hiệu quả kỹ thuật ở hầu hết các năm. Hầu hết các quốc gia phát triển thì thay đổi về kỹ thuật thì tăng dần, trong khi ở nhiều nước đang phát triển sự thay đổi về kỹ thuật thì giảm dần. Một kết luận quan trọng của nghiên cứu này là công nghệ giúp cải thiện năng suất ở các quốc gia phát triển, còn các quốc gia đang phát triển thì sự ảnh hưởng của công nghệ không được như các quốc gia phát triển và trợ cấp dẫn đến giảm năng suất.
Một nghiên cứu được trích dẫn nhiều trong các nghiên cứu về nông nghiệp là nghiên cứu của Coelli & Rao (2003). Hai tác giả đã sử dụng số liệu của 93 quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhất trong giai đoạn 1980 – 2000 bằng chỉ số Malmquist và phương pháp DEA. Số liệu về sản lượng trồng trọt và chăn nuôi được tổng hợp từ sản lượng đầu ra của 185 hàng nông sản. Kết quả nghiên cứu của nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ trung bình về thay đổi kỹ thuật của 93 quốc gia khá gần với kết quả nghiên cứu của O’Donnell (2010) (lần lượt là 1,1% và 1%). Trong một nghiên cứu của Ortega & Lederman (2004) đã sử dụng dạng hàm translog để ước lượng TFP trong nông nghiệp sử dụng số liệu bảng cho hai nhóm quốc gia – nhóm quốc gia có thu nhập cao và nhóm quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong mỗi mô hình áp dụng cho hai nhóm trên để giảm sai lệch do bỏ sót biến thì biến về khí hậu cũng đưa vào mô hình phân tích và đều được kiểm định về sự giảm xuống của công nghệ sản xuất, mô hình tuyến tính đồng nhất giữa các quốc gia, sự thay đổi công nghê trung lập Hicks và sự phù hợp của mô hình. Kết quả cho thấy mô hình dạng translog phù hợp với số liệu hơn mô hình Cobb – Douglas và diện tích đất được thuỷ lợi trên đầu người, số máy điện thoại bình quân đầu người, lượng điện tiêu thụ bình quân, mật độ đường beton, tỷ lệ học vấn, tín dụng là những biến có ý nghĩa đến sự tăng trưởng TFP của các quốc gia. Belloumi & Matoussi (2009) sử dụng số liệu từ năm 1970 – 2000 để đo lường năng suất nông nghiệp ở nước Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Kết quả ước lượng bằng phương pháp phi tham số với chỉ số Malmquist cho thấy thay đổi kỹ thuật là nhân tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng nông nghiệp của các nước MENA. O’Donnell (2010) sử dụng số liệu của 88 nước phát triển và đang phát triển trong giai đoạn 1970 – 2001 để phân tích chỉ số Hicks – Moorsteen nhằm tìm ra
31
nguyên nhân của sự thay đổi TFP. Kết quả cho thấy sự thay đổi kỹ thuật là 1,0% thấp hơn 1,1% so với kết luận của Coelli & Rao (2003). Nghiên cứu cũng chỉ ra sự cải thiện trong thương mại sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đạt hiệu quả tối ưu để mở rộng hoạt động, cho dù lợi nhuận và quy mô giảm xuống. Chính vì vậy sự gia tăng lợi nhuận có liên quan đến việc giảm xuống của năng suất. Tác giả cũng đề xuất cần giảm trong trợ giá đầu vào, tăng thuế suất và bất kỳ chính sách nào là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến thương mại, cải thiện thương mại sẽ gia tăng năng suất.
Như vậy, các nghiên cứu thực nghiệm về tăng trưởng nông nghiệp đã được thực hiện với nhiều mức độ khác nhau (từ so sánh sự chênh lệch về tăng trưởng nông nghiệp giữa các quốc gia), cho đến phân tích các yếu tố ảnh hưởng nông nghiệp trong phạm vi một quốc gia hoặc so sánh, phân tích tăng trưởng nông nghiệp trong địa phương của một quốc gia. Các nghiên cứu càng về sau thì càng có những điểm mới, cải tiến về việc đưa các biến vào đo lường tăng trưởng, số liệu sử dụng cho đến các kỹ thuật ước lượng để khắc phục những hạn chế của các nghiên cứu trước đó và quan trọng nhất là có được những kết quả ước lượng hiệu quả nhất và tin cậy nhất.