Cơ cấu tổ chức quản trị và điều hành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 128 - 132)

3.3. Những nội dung cơ bản của chế định công ty hợp vốn cổ phần

3.3.7. Cơ cấu tổ chức quản trị và điều hành

Trong pháp luật của Pháp hiện hành, cấu trúc nội bộ của CTHVCP có tính đặc thù hơn so với các loại hình công ty khác. Cụ thể, “CTHVCP có nhiều điểm vừa giống với CTCP, vừa giống với CTHVĐG. Thật vậy, theo khoản 1, Điều L. 226-1 của Bộ luật Thương mại, những qui định liên quan đến hai loại hình công ty này được áp dụng cho CTHVCP với điều kiện là những qui định đó phù hợp với những qui định đặc thù của Điều L. 226-1 và các điều tiếp theo” [61, tr. 48-55].

Cơ cấu tổ chức quản trị và điều hành của CTHVCP được quy định trong pháp luật của một số nước trên thế giới bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Ban kiểm soát.

3.3.7.1. Về Đại hội đồng cổ đông

Ở pháp luật của các quốc gia có quy định loại hình CTHVCP đều có quy định chung về Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực nhất trong CTHVCP, bao gồm tất cả cổ đông hợp lại thành Đại hội đồng cổ đông.

Tuy vậy, về thành phần tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông có sự khác nhau, cụ thể:

Theo quy định của Bộ luật Thương mại của Pháp, “Đại hội đồng thành viên bao gồm các thành viên hợp danh và thành viên hợp vốn của công ty. Thẩm quyền của đại hội đồng thành viên thông qua các báo cáo tài chính, quyết định việc phân chia lợi nhuận, tăng vốn điều lệ hay chia tách, hợp nhất, sáp nhập công ty, Thay đổi điều lệ, một hay các thành viên hợp danh có quyền phủ quyết” [104, Điều L.226-11].

Theo quy định trong LCTCP Đức, “trong cuộc họp cổ đông, các thành viên góp vốn chỉ có quyền biểu quyết đối với các cổ phần sở hữu. Thành viên hợp danh không được thực hiện quyền biểu quyết thay mặt cho mình hoặc người khác trong trường hợp có quyết định về: 1. Bầu cử hoặc bãi nhiệm Hội đồng giám sát; 2. Phê chuẩn các hoạt động của các thành viên hợp danh và thành viên Hội đồng giám sát; 3. Bổ nhiệm kiểm toán viên đặc biệt; 4. Xác nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại; 5. Từ bỏ yêu cầu bồi thường thiệt hại; 6. Bổ nhiệm kiểm toán viên độc lập” [114].

Như vậy, có thể nói, có sự khác nhau giữa pháp luật các nước quy định về vấn đề đại hội đồng cổ đông (ở Pháp gọi là Hội đồng thành viên) của CTHVCP. Tuy vậy, khi xây dựng quy định để bổ sung trong LDN hiện hành thì phải xem xét đến nhiều yếu tố như truyền thống pháp luật, sự thống nhất giữa các quy định khác của LDN để đưa ra mô hình thích hợp nhất. Các quy định về Đại hội đồng cổ đông của CTHVCP cần thiết phải được xây dựng dựa trên những vấn đề sau:

Thứ nhất, về thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông

Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Như về các vấn đề sau đây:

- Phương hướng phát triển công ty; - Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;

- Quyết định khai trừ tư cách cổ đông nhận vốn hoặc tiếp nhận thêm cổ đông nhận vốn mới;

- Quyết định dự án đầu tư. Quyết định việc vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

- Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;

- Quyết định thông qua báo cáo tài chính hàng năm, tổng số lợi nhuận, mức cổ tức chia cho cổ đông;

- Quyết định giải thể công ty.

Ngoài ra, đại hội đồng có quyền thông qua các quyết định về vấn đề khác theo quy định của LDN hoặc điều lệ công ty.

Quyền tham gia biểu quyết của cổ đông góp vốn được thực hiện theo quy định của LDN và Điều lệ công ty.

Thứ hai, về triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông:

Cổ đông nhận vốn có thể triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông khi xét thấy cần thiết. Thông báo mời họp có thể bằng giấy mời, điện thoại, fax hoặc phương tiện điện tử khác. Thông báo mời họp phải nêu rõ mục đích, yêu cầu và nội dung họp, chương

trình và địa điểm họp, tên cổ đông yêu cầu triệu tập họp.

Thứ ba, thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông. Trình tự, thủ tục tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông tương tự như CTCP. Tuy vậy cũng có những sự khác biệt. Đó là, người ký tên triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông điều khiển để Đại hội đồng cổ đông bầu một trong các cổ đông nhận vốn là chủ tọa cuộc họp và người có số phiếu bầu cao nhất làm chủ tọa cuộc họp.

Thứ tư, thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Tương tự CTCP,đại hội đồng cổ đông của CTHVCP thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Như vậy, về hình thức thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được áp dụng tương tự các quy định trong CTCP.

Thứ năm, điều kiện để nghị quyết được thông qua

Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông nhận vốn đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông nhận vốn dự họp tán thành, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định: a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, hoặc tỷ lệ, giá trị khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định; đ) Tổ chức lại, giải thể công ty; e) Các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định. Các nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành: Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; Quyết định tổ chức lại, giải thể công ty.

Các nghị quyết về nội dung về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Ban kiểm soát được thông qua nếu được số cổ đông góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông góp vốn tán thành.

Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông nhận vốn của công ty.

Thứ sáu, các vấn đề khác về Đại hội đồng cổ đông của CTHVCP được tuân thủ các quy định của LDN về đại hội đồng cổ đông của CTCP. Như: Thẩm quyền và thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Hiệu lực các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

3.3.7.2. Quy định về giám đốc hoặc tổng giám đốc

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc chỉ bao gồm các cổ đông nhận vốn. Các cổ đông nhận vốn cùng nhau bầu một người ra đảm nhiệm chức vụ Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, quyền quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là cổ đông nhận vốn. Phân công, phối hợp công việc kinh doanh, giữa các cổ đông nhận vốn.

Thứ hai, Triệu tập và tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông; ký các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Tổ chức sắp xếp, lưu giữ đầy đủ và trung thực sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của công ty theo quy định của pháp luật;

Thứ ba, Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác;

Thứ tư, Các quyền và nghĩa vụ khác của giám đốc hoặc tổng giám đốc do Điều lệ công ty quy định.

3.3.7.3. Quy định về Ban kiểm soát

Trong CTHVCP, để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông góp vốn, pháp luật cho phép họ thành lập ban kiểm soát để kiểm tra sổ sách kế toán và tài sản của công ty. Các cổ đông góp vốn tuy không có quyền tham gia quản lý công ty nhưng có thể tham gia vào việc kiểm soát hoạt động quản lý doanh nghiệp của các cổ đông nhận vốn trong công ty. “Hội đồng kiểm soát chỉ có quyền kiểm soát mà không được can thiệp trực tiếp vào công việc của công ty, phải tôn trọng quyền hành của người quản lý” [88, tr. 1070].

Trong Bộ luật Thương mại của Pháp, Hội đồng kiểm soát là cơ quan được chỉ định bởi đại hội đồng thành viên và chỉ bao gồm các thành viên hợp vốn, đảm bảo sự

kiểm soát thường trực việc quản lý công ty (Điều L. 226-9). Hội đồng này phải bao gồm 03 thành viên hợp vốn và đây cũng là số lượng tối thiểu của thành viên hợp vốn trong CTHVCP (Điều 226-1).

Nhiệm kỳ của Kiểm soát viên không quá 05 năm và Kiểm soát viên được bầu bởi Đại hội đồng cổ đông với nhiệm kỳ không hạn chế. Các Kiểm soát viên bầu một người trong số họ làm Trưởng Ban kiểm soát theo nguyên tắc đa số. Quyền và nghĩa vụ của Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

Ngoài ra, cần thiết phải quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của kiểm soát viên, quyền và nghĩa vụ của Ban kiểm soát trong quá trình thực hiện giám sát Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, cổ đông nhận vốn trong việc quản lý và điều hành công ty.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 128 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)