3.1. Sự cần thiết xây dựng chế định về công ty hợp vốn cổ phần trong pháp
3.1.3. Theo truyền thống tổ chức kinh doanh của người Việt Nam
Hơn ba mươi năm sau khi thực hiện công cuộc “đổi mới” nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vượt bật trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và hội nhập với nền kinh tế quốc tế. Tuy vậy, lối kinh doanh truyền thống và thói quen của người Việt vẫn bám sâu vào tiềm thức và hành động trong các hoạt động
kinh doanh. Sự e ngại, lo lắng về những rủi ro trong kinh doanh và tâm lý lấy nền tảng đạo đức và gia đình là trên hết, đã ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn các loại hình doanh nghiệp. Người Việt đề cao quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong công ty.
Mặc dù loại hình CTCP được phổ biến ở các nước phát triển lớn về quy mô cổ đông và vốn để tạo nên những sức mạnh vượt trội so với các loại hình doanh nghiệp khác. Nhưng ở Việt Nam, những CTCP có quy mô lớn là rất ít, hầu hết chỉ là những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ, được kiểm soát bởi một gia đình hoặc những người thân tín của nhau. Do vậy, có thể nhận thấy “mọi cải cách về tổ chức kinh doanh không thể chống lại mô hình kinh doanh gia đình, bởi gia đình là tâm hồn, là cách nghĩa và cách hành động của người Việt Nam” [56, tr. 248].
Truyền thống tổ chức kinh doanh của người Việt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự ra đời và phát triển của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các loại hình CTCP và CTTNHH mang lại cho chủ sở hữu những ưu việt về chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản, nhưng lại có cơ cấu tổ chức quản trị phức tạp, chịu sự điều chỉnh nghiêm ngặt của pháp luật. Dường như chưa phù hợp với thói quen và truyền thống kinh doanh. Vì thế, đã có nhận định rằng “có nhiều cơ sở để dự báo mô hình kinh doanh chủ yếu của người Việt Nam trong một tương lai gần vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sức mạnh của họ chủ yếu là niềm tin giữa những người trong một gia đình, dòng họ, bạn bè” [56, tr. 338].
Vì thế, việc bổ sung loại hình CTHVCP trong pháp luật hiện hành là cần thiết, phù hợp với truyền thống kinh doanh của người Việt Nam coi trọng quan hệ gia đình, họ hàng bền chặt. Sự tin tưởng lẫn nhau dựa trên quan hệ thân thích, cùng với trách nhiệm vô hạn của thành viên công ty và cơ cấu tổ chức nội bộ tương đối đơn giản là những vấn đề luôn được những nhà đầu tư Việt Nam coi trọng và lựa chọn.