Khái niệm, bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 62 - 67)

2.2. Những vấn đề lý luận về công ty hợp vốn cổ phần

2.2.1. Khái niệm, bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần

2.2.1.1. Khái niệm công ty hợp vốn cổ phần

Công ty hợp vốn cổ phần là một sự kết hợp giữa các đặc điểm nổi bật của CTHVĐG và CTCP với nhau. Hiện nay, CTHVCP được pháp luật của rất nhiều các

quốc gia ghi nhận và quy định tạo cơ sở pháp lý cho các nhà kinh doanh được quyền lựa chọn để thành lập. Ở các quốc gia, các quy định pháp luật đưa ra khái niệm CTHVCP bằng cách liệt kê các đặc điểm pháp lý nổi bật của CTHVCP.

Ở Đức, khái niệm CTHVCPđược hiểu là một hình thức pháp lý, trong đó, “các thành viên hợp danh có trách nhiệm và quản lý không bị giới hạn và các nhóm khác - cổ đông - trách nhiệm được giới hạn trong phần đóng góp của họ” [110, tr.108]. Cụ thể, theo quy định của LCTCP Đức thì CTHVCP là một loại hình công ty, trong đó “ít nhất một thành viên chịu trách nhiệm vô hạn đối với các chủ nợ của công ty (thành viên hợp danh) và các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của công ty (cổ đông hạn chế) trong phạm vi số cổ phần mà họ sở hữu” [114, khoản 1 điều 278].

Theo pháp luật của Pháp, CTHVCP có nhiều điểm vừa giống với CTCP, vừa giống với CTHVĐG được quy định trong Bộ luật Thương mại từ Điều L. 226-1 đến Điều L226- 24. Theo đó, CTHVCP là công ty “có vốn được chia thành các cổ phần, được thành lập bởi một hoặc nhiều thành viên hợp danh, thành viên này có tư cách thương nhân và chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với nghĩa vụ trả nợ của công ty, và thành viên hợp vốn có tư cách của các cổ đông và chịu thiệt hại chỉ trong phạm vi vốn góp của họ. Số lượng thành viên hợp vốn không được ít hơn ba thành viên” [104, điều L.226-1].

Ở Luxembourg, loại hình CTHVCP (Société en commandite par actions, SCA) được quy định tại Luật Công ty thương mại. Theo quy định thì “CTHVCP bao gồm ít nhất hai loại cổ đông, cụ thể là một cổ đông chịu trách nhiệm pháp lý vô hạn (thành viên hợp danh) và một cổ đông có trách nhiệm hữu hạn, chịu trách nhiệm pháp lý đối với các khoản nợ của công ty (SCA) chỉ trong phạm vi tương ứng với khoản đóng góp của mình” [117, điều 600-1].

Theo pháp luật của Ba Lan, CTHVCP được quy định tại Luật công ty thương mại năm 2000 từ điều 125 đến điều 150. Theo đó, CTHVCP được khái niệm là một loại hình công ty, “trong đó ít nhất có một thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về nghĩa vụ của công ty và có ít nhất một thành viên là cổ đông [105, điều 125]. Pháp luật Tây Ban Nha, khái niệm CTHVCP là một loại hình kết hợp giữa CTHD và CTCP. Đó là loại hình doanh nghiệp phát sinh từ nhu cầu xã hội, trong đó

có hai loại thành viên cùng tồn tại. Một loại gồm những người chịu trách nhiệm cá nhân, với trách nhiệm vô hạn đó là thành viên hợp danh và các hợp danh hạn chế có trách nhiệm pháp lý giới hạn đối với lợi ích của họ trong công ty.

Như vậy, có thể thấy rằng CTHVCP được hiểu là một loại công ty kết hợp các đặc điểm pháp lý của CTHVĐG và CTCP. Vốn điều lệ công ty được chia thành các cổ phần bằng nhau. Công ty có hai loại thành viên là: Thành viên hợp danh (thành viên nhận vốn) có cổ phần trong công ty, nhưng lại có tư cách thương nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới với các thành viên hợp danh khác đối với các nghĩa vụ trả nợ của công ty. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi giá trị cổ phần mà thành viên đó sở hữu.

Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự Bắc kỳ 1931 đưa ra khái niệm bằng cách liệt kê các đặc điểm pháp lý nổi bật khi quy định: “Trong hội hợp cổ, thì các cổ đông là phải xuất vốn, chỉ phải chịu trách nhiệm đến ngang phần vốn của mình mà thôi, còn những hội viên thụ tư thì phải đem tất cả tài sản mình mà cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới về cả công nợ của hội” [10, điều 1265]. “Vốn hội chia làm nhiều phần gọi là cổ phần” [10, điều 1267]. Các tác giả Lê Tài Triển, Nguyễn Vạng Thọ, Nguyễn Tân cho rằng

“khái niệm công ty hợp vốn cổ phần (công ty hợp tư cổ phần) là một loại hội đứng giữa công ty hợp vốn đơn giản và công ty vô danh” [88, tr. 1069]. Theo Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972, CTHVCP cũng được khái niệm tương tự: “Hội hợp tư cổ phần gồm có một hay nhiều hội viên thụ tư liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi trái khoản của hội và những hội viên xuất tư chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình thức cổ phần” [12, điều 236].

Có thể khái niệm CTHVCP là loại hình doanh nghiệp, trong đó: i) bao gồm ít nhất một thành viên hợp danh có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm vô hạn, liên đới về các khoản nợ của công ty và ít nhất ba (03) thành viên góp vốn chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần của mình sở hữu; ii). Vốn điều lệ được chia ra thành các phần bằng nhau; iii). Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được đăng ký thành lập; iv). Công ty có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Trong CTHVCP, thì thành viên hợp danh có tư cách thương nhân, chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các nghĩa vụ trả nợ của công ty. Thành viên hợp danh là những người trực tiếp tham gia quản lý công ty và có quyền đại diện, nhân danh cho công ty tham gia các giao dịch với bên thứ ba; Thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi giá trị cổ phần mà thành viên đó sở hữu. Thành viên góp vốn không có quyền tham gia quản lý công ty và không có quyền đại diện cho công ty. Tư cách pháp lý của thành viên góp vốn giống như các cổ đông trong CTCP.

2.2.1.2. Bản chất pháp lý của công ty hợp vốn cổ phần

Trên cơ sở kết hợp các yếu tố của loại hình CTHVĐG và CTCP đã tạo nên một loại hình công ty mới là CTHVCP. Bản chất pháp lý của CTHVCP cũng có sự tương đồng với các loại hình công ty CTHVĐG và CTCP. Tuy vậy, trong CTHVCP có sự đặc thù như: sự liên kết, địa vị pháp lý của các thành viên có sự khác nhau. Cụ thể thể hiện ở những khía cạnh như sau:

Thứ nhất, tính liên kết trong CTHVCP: sự liên kết giữa thành viên hợp danh là sự liên kết mang tính đối nhân, bao gồm những người có quan hệ thân thích, hiểu biết lẫn nhau. Các thành viên hợp danh là những người có uy tín, kinh nghiệm nghề nghiệp. Thành viên hợp danh có tư cách thương nhân. Trong khi đó, sự liên kết của các thành viên góp vốn lại mang tính đối vốn khi họ là những nhà đầu tư, bỏ tiền vào công ty để nhận lợi tức. Các thành viên góp vốn có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác giống như các cổ đông trong loại hình CTCP. Tuy vậy, việc đầu tư vào công ty của các thành viên góp vốn được bảo đảm bằng tính chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới của thành viên hợp danh. Vì thế, loại hình CTHVCP có nhiều ưu điểm so với CTCP.

Thứ hai, địa vị pháp lý của các thành viên có sự khác nhau: Trong loại hình CTHVCP, thành viên hợp danh và thành viên góp vốn có địa vị pháp lý khác nhau. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với các khoản nợ của công ty. Họ có quyền quản lý công ty, có quyền đại diện và nhân danh công ty để tham gia các quan hệ pháp luật. Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số cổ phần sở hữu, họ không có quyền tham gia quản lý công ty, không có quyền

nhân danh, đại diện cho công ty.

Khi phân tích bản chất đối nhân và đối vốn của CTHVCP, có nhiều quan điểm khác nhau. Quan điểm xem CTHVCP là loại hình công ty đối vốn cho rằng: “Ngoài CTCP và CTTNHH, người ta còn xếp CTHVĐG cổ phần vào loại công ty đối vốn (pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định loại hình công ty này)” [50, tr. 154]. Cùng quan điểm này, ông Lê Tài Triển có nhận xét rằng: “Theo điều 1263 Dân luật Bắc phần và điều 102 Luật Thương mại Trung Phần, những công ty đối vốn gồm có công ty vô danh và công ty cấp vốn cổ phần. Cả hai công ty này đều là những công ty mà tiền vốn chia ra từng cổ phần. Cả hai công ty này đều là những công ty mà tiền vốn chia ra từng cổ phần” [87, tr. 81].

Tuy vậy, cũng có quan điểm khác lại cho rằng: CTHVCP trong pháp luật của các nước theo truyền thống dân luật là công ty đối nhân. “Các nước theo truyền thống dân luật, trong đó có cả Trung Hoa, thường khái quát hoá các công ty hợp vốn, CTHVĐG, CTHVĐG cổ phần, công ty dự phần và các biến dạng của chúng dưới quan niệm công ty đối nhân” [56, tr. 54].

Công ty đối nhân là công ty mà có các thành viên liên kết với nhau dựa trên mối quan hệ gần gũi, tin cậy lẫn nhau. Trong loại hình công ty này, thường có thành viên chịu trách nhiệm cá nhân đến cùng với các nghĩa vụ tài sản của công ty. Công ty đối nhân gồm các hình thức: CTHD, CTHVĐG, công ty dự phần.

Công ty đối vốn là loại hình công ty chú trọng đến vốn góp của các thành viên hơn là sự thân thiết và tin cậy lẫn nhau. Các thành viên có thể tự do chuyển nhượng vốn góp của mình. Tiêu biểu của công ty đối vốn là loại hình CTCP.

Trong thực tiễn phát sinh loại hình kết hợp, lai ghép giữa hai loại hình công ty đối nhân và công ty đối vốn như: Công ty TNHH và CTHVCP. Vì thế, xuất phát từ việc loại hình CTHVCP là hình thức công ty kết hợp, giao thoa giữa hai loại hình công ty đối nhân và đối vốn. Việc xếp loại CTHVCP chỉ là tương đối, mang ý nghĩa trong khoa học pháp lý và “cần phải linh động cho từng trường hợp cụ thể” [32, tr. 162]. Còn trong thực tiễn, có thể thấy rằng loại hình CTHVCP đáp ứng nhu cầu của các nhà kinh doanh bởi nó vừa mang những đặc tính ưu việt của loại hình công ty đối nhân - CTHVĐG

và của loại hình công ty đối vốn - CTCP.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 62 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)