Khái luận về chế định pháp luật điều chỉnh công ty hợp vốn cổ phần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 89 - 90)

2.4. Những vấn đề lý luận của chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ

2.4.1. Khái luận về chế định pháp luật điều chỉnh công ty hợp vốn cổ phần

Trong khoa học pháp lý, hệ thống pháp luật được hiểu là “tổng thể các quy phạm pháp luật có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau được phân định thành các chế định pháp luật và các ngành luật, được thể hiện trong các văn bản do Nhà nước ban hành theo trình tự và hình thức nhất định” [82, tr.33-34]. Trong đó, chế định pháp luật là một bộ phận cấu thành lên hệ thống pháp luật và được hiểu là tập hợp một nhóm các quy phạm pháp luật có đặc điểm giống nhau để điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong phạm vi một ngành luật hoặc nhiều ngành luật. Vì vậy, “chế định pháp luật mang tính chất nhóm, mỗi chế định có một đặc điểm riêng nhưng chúng đều có mối liên hệ nội tại và thống nhất với nhau, chúng không tồn tại một cách biệt lập” [49, tr.403]. Chế định pháp luật có đặc điểm trên bởi “những quan hệ xã hội mặc dù mang tính đặc thù, nhưng chúng tồn tại không tách biệt nhau. Mối quan hệ giữa chúng có thể là xa hoặc mật thiết” [90, tr. 336].

Trong một ngành luật bao gồm nhiều chế định pháp luật hợp lại, các ngành luật hợp lại sẽ tạo thành một hệ thống pháp luật. Chế định pháp luật có thể bao gồm: Chế định pháp luật trong mỗi ngành luật và chế định liên ngành luật. Theo đó, “chế định liên ngành luật hay còn gọi là chế định pháp luật phức hợp là tổng thể các quy phạm pháp luật có trong cơ cấu nhiều ngành luật khác nhau cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội cùng loại” [67, tr. 382].

Tính chất chế định pháp luật về các loại hình công ty nói chung và CTHVCP nói riêng có thể được hiểu là chế định về tập quán của các thương nhân. Thương nhân bao gồm thể nhân và pháp nhân. Trong đó, các loại hình công ty được coi là vỏ bọc của pháp nhân. Vì vậy, “chế định công ty chiếm một tỷ trọng khá lớn trong các đạo luật về thương mại bởi chúng khá phức tạp và là thành tố chính của thị trường” [32, tr. 21].

Như vậy, có thể hiểu chế định pháp luật về CTHVCP là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trực tiếp trong quá trình thành lập, quản lý điều hành, hoạt động và chấm dứt hoạt động của CTHVCP. Chế định pháp luật về CTHVCP cùng với các chế định điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp khác tạo nên hệ thống các chế định điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Pháp luật về doanh nghiệp không chỉ bao gồm các chế định pháp luật trong quy định tại LDN và các văn bản hướng dẫn thi hành LDN. Ngoài ra, còn có những nguồn quan trọng của văn bản pháp luật chuyên ngành áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh đặc thù của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 89 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)