Quá trình hình thành và phát triển chế định pháp luật về công ty hợp vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 81 - 86)

2.3. Lịch sử ra đời và phát triển chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ

2.3.2. Quá trình hình thành và phát triển chế định pháp luật về công ty hợp vốn

vốn cổ phần ở Việt Nam

Ở Việt Nam, pháp luật công ty châu Âu đã được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20. Vì thế, pháp luật công ty của Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi mô hình luật công ty châu Âu. Luật Thương mại Pháp được áp dụng trên từng vùng lãnh thổ khác nhau của Việt Nam. Các hình thức công ty như trong Luật Thương mại của Pháp đã xuất hiện trong các Bộ luật thời Pháp thuộc như Dân luật thi hành tại các tòa án Nam Bắc kỳ 1931 và BLDS Trung kỳ, Bộ luật Thương mại Trung Kỳ 1942. Những quy định về công ty ở Việt Nam trong giai đoạn này đều được coi là “những bản sao của luật công ty Pháp” [102, tr. 567-568]. Cụ thể, chế định về CTHVCP trong pháp luật Việt Nam được quy định trong các văn bản pháp luật sau:

Dân luật Bắc Kỳ 1931 chia các hội buôn thành hai loại:

Hội người là do ở lòng tin cậy của các hội viên đối lẫn với nhau mà lập ra. Khi toàn thể các hội viên khác không đồng tình ưng thuận thì một hội viên không thể nhường phần cho đệ tam nhân được.Hội ngườigồm: Hội hợp danh (CTHD), hội hợp tư (CTHVĐG) và hội đồng lợi.

Hội vốn là hội không xét đến người, các hội viên có thể tự do nhường phần của mình. Hội góp vốn bao gồm: hội vô danh (CTCP) và hội hợp cổ (CTHVCP đơn giản).

Theo điều 1265 quy định về hội hợp cổ (CTHVCP): Trong hội hợp cổ, thì các cổ đông là phải xuất vốn, chỉ phải chịu trách nhiệm đến ngang phần vốn của mình mà

thôi, còn những hội viên thụ tư thì phải đem tất cả tài sản mình mà cùng nhau chịu trách nhiệm liên đới về cả công nợ của hội.

Vốn hội được chia làm nhiều phần gọi là cổ phần. Căn cứ vào số tiền vốn của hội mà quy định mệnh giá mỗi cổ phần. Những người quản lý công ty (người trị sự) phải là sở hữu chủ một số cổ phần định rõ ở điều lệ hội. Toàn thể những cổ phần ấy, dùng để bảo đảm tất cả mọi việc quản trị trong hội, dù việc riêng của một người trong những người trị sự cũng vậy. Những cổ phần ấy là hữu danh, không chuyển dịch được, có đóng dấu chỉ rõ là không được dịch chuyển và phải ký tại quỹ hội (điều 1285).

Tổ chức quản trị nội bộ của hội bao gồm: Đại hội đồng; Người quản lý công ty (người trị sự) và Hội đồng kiểm soát (gồm ít nhất ba cổ đông).

Sự thuận lợi khi thành lập công ty hợp tư cổ phần khi “người ta chỉ cần một người đóng vai xuất tư là có thể tự do lập một công ty đối vốn, khỏi cần xin phép, khỏi cần đợi đến khi được cấp giấy phép mới hoạt động được” [88].

Đến năm 1942, Bộ luật Thương mại Trung kỳ 1942 cũng quy định loại hình hội này, theo đó, tại điều 102 quy định những công ty đối vốn gồm có công ty vô danh và công ty cấp vốn cổ phần.

Đến Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972 có hiệu lực, thì hội hợp tư cổ phần tiếp tục được ghi nhận từ điều 236 đến điều 294. Theo nội dung của Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972, những hội cổ phần được chia làm hai loại: Hội hợp tư cổ phần (CTHVCP và hội nặc danh (CTCP). Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972 quy định: “Hội hợp tư cổ phần gồm có một hay nhiều hội viên thụ tư liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi trái khoản của hội và những hội viên xuất tư chỉ chịu trách nhiệm trong giới hạn phần hùn của mình dưới hình thức cổ phần” [12, Điều 236].

Như vậy, hội hợp tư cổ phần có tối thiểu một hội viên thụ tư (thành viên hợp danh), hội viên này chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ đối với các khoản nợ của hội.

Vốn điều lệ của hội được chia thành các phần bằng nhau. Cổ phiếu đã đóng được một phần tư (1/4) có thể được đem nhượng dịch, nhưng phải giữ hình thức ký danh cho đến khi đóng đủ. Những sở hữu chủ, những người thụ nhượng kế tiếp và những người ký thuận mua cổ phần phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền chưa góp. Người ký thuận

mua cổ phần hay người cổ đông, khi nhượng lại cổ phần của mình, được hết trách nhiệm sau hai năm kể từ ngày nhượng cổ phần về những số tiền chưa gọi đóng (điều 260).

Tổ chức quản trị nội bộ hội hợp tư cổ phần theo quy định của Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972 bao gồm: Đại hội đồng cổ đông; Người quản lý và Hội đồng giám thị.

Như vậy, tuy có tên gọi khác nhau nhưng các quy định pháp luật đã có ở Việt Nam đều thể hiện bản chất đặc trưng của CTHVCP đã được quy định trong pháp luật của Pháp và các nước trên thế giới. Tuy vậy, từ sau khi giải phóng đất nước đến nay Nhà nước đã không ghi nhận và quy định loại hình CTHVCP trong các quy định pháp luật.

Để giải thích cho nguyên nhân của thực trạng thiếu vắng các quy định về CTHVCP có thể được xem xét dưới những khía cạnh lịch sử phát triển của pháp luật công ty và các quan điểm của nhà làm luật, cụ thể:

Thứ nhất, dựa vào lịch sử phát triển của pháp luật công ty ở Việt Nam.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đã du nhập vào Việt Nam pháp luật về công ty được xây dựng trên cơ sở hoạt động thực tiễn của các thương nhân. Tuy vậy, những loại hình công ty chưa kịp bám rễ vào sinh hoạt kinh tế, thói quen của người Việt thì bị gián đoạn khi Việt Nam chia ra làm hai miền, có hai hệ thống pháp luật khác nhau. Miền Bắc khởi động quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa từ sau năm 1954, bắt đầu xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Ở miền Nam đi theo chế độ Việt Nam Cộng hòa, Bộ luật Thương mại Sài Gòn 1972 có quy định về hội hợp tư cổ phần tiếp tục được ghi nhận từ điều 236 đến điều 294.

Sau khi giải phóng đất nước năm 1975, cả nước xây dựng nền kinh tế mà Nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập. Trong một nền kinh tế tập trung – kế hoạch hóa gồm hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể. “Chỉ có tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể) mới được phép kinh doanh, còn các thành phần kinh tế khác thì bị hạn chế và cấm đoán” [23, tr. 13]. Do đó, các loại hình công ty không phát triển, nhà nước không ban hành Luật Công ty.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, theo đó“xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ

chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đã tạo điều kiện cho các công ty ra đời” [50, tr. 160]. Các Luật công ty 1990 đến LDN 1999 lần lượt được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho các loại hình công ty ra đời và phát triển. Tuy vậy, các đạo luật này được thiết lập bằng ý chí chủ quan của nhà làm luật, mà chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn kinh doanh. Bằng chứng là Luật Công ty 1990 chỉ quy định hai loại hình công ty là CTCP và CTTNHH. Đến LDN 1999, tách CTTNHH thành hai loại một thành viên và hai thành viên trở lên, bổ sung thêm hai loại hình là CTHD và DNTN. Tuy nhiên, CTTNHH một thành viên chỉ cho phép tổ chức có quyền thành lập, cá nhân không được thành lập. Đến LDN 2005, thì cho phép cá nhân, tổ chức có quyền thành lập. Loại hình CTHD ban đầu cũng chỉ được quy định sơ sài bằng 4 điều trong LDN 1999. Đến nay, chế định về CTHD vẫn chưa phản ánh được bản chất của loại hình công ty này khi nhà làm luật cố gán ghép chung hai loại hình CTHD và CTHVĐG.

Đến nay, LDN hiện hành được ban hành năm 2014 vẫn giữ nguyên các loại hình doanh nghiệp này. Như vậy, ở nước ta sau khi nước ta thống nhất đất nước, loại hình CTHVCP không được Luật công ty và các LDN 1999, 2005, 2014 ghi nhận và điều chỉnh.

Thứ hai,quan điểm của nhà làm luật về quyền tự do kinh doanh

Công dân có quyền tự do trong việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề kinh doanh để đầu tư vốn, tự do thành lập doanh nghiệp, tự do chọn loại hình doanh nghiệp, tự do xác định loại tài sản góp vốn vào doanh nghiệp, tự do tổ chức bộ máy hoạt động, cách thức tổ chức, quản lý doanh nghiệp… nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh. Vì thế, quyền của công dân sẽ được tự do lựa chọn trong phạm vi các loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định.

Quyền tự do kinh doanh của công dân và hoạt động quản lý nhà nước về các loại hình doanh nghiệp vẫn được bảo đảm, hiệu quả. “Vấn đề có thể xuất phát từ quan điểm nhà nước phải can thiệp, hạn chế tự do trong việc thương mại vì cần hướng nền kinh tế quốc gia về một mục đích nào đó …” [88, tr. 693]. Các quy định về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật Việt Nam thường là quyền của doanh nghiệp, có nghĩa nếu hiểu theo cách này thì quyền tự do kinh doanh chỉ phát sinh sau khi mà các nhà

đầu tư đã lựa chọn loại hình doanh nghiệp để thành lập và hoạt động.

Hiện nay, theo quy định của LDN 2014: “Điều 7. Quyền của doanh nghiệp: 1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. 2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh. 3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. 4. Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng….”.[75, điều 7]

Thứ ba,quan điểm cho rằng các loại hình doanh nghiệp được LDN hiện hành quy định là những loại hình có nhiều tính ưu việt, được nhiều các nhà đầu tư lựa chọn, vì vậy không cần thiết phải mở rộng các loại hình mới.

Trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam, CTTNHH (một thành viên và hai thành viên trở lên) và CTCP là hai loại hình phổ biến nhất, được đa số các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn dựa trên các ưu điểm của các loại hình công ty này. Các hình thức khác, tùy từng ngành nghề kinh doanh, nhà đầu tư có thể lựa chọn hoặc bắt buộc phải lập theo các loại hình doanh nghiệp nhất định như CTHD, DNTN….

Ngoài ra, khi mà xã hội, nhà đầu tư không chấp nhận, không lựa chọn hoặc được số ít lựa chọn thì pháp luật không cần thiết phải quy định các hình thức doanh nghiệp này, tránh sự đồ sộ, phức tạp của luật khi không thực sự cần thiết. Quan điểm của các chuyên gia luật học cũng phân viên về việc có nên thay đổi quy định về CTHD vì loại hình công ty này chưa hiệu quả trong thực tiễn cho rằng: “Khi góp vốn vào công ty hợp danh, người góp vốn sẽ chịu rủi ro cao hơn nhiều khi cho vay hoặc gửi tiền vào tiết kiệm. Nếu các thành viên hợp danh hoạt động không có hiệu quả, người góp vốn chẳng những không thu được lãi mà có thể bị mất vốn góp mà không thể quy trách nhiệm cho ai. Vì thế, mặc dù không nên bỏ loại hình công ty hợp danh nhưng cần nghiên cứu, quy định lại, công ty hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn và không cần có những thành viên góp vốn” [132, tháng 6/2018].

Có thể thấy rằng, trong những năm qua quá trình hoàn thiện những quy định pháp luật về các loại hình doanh nghiệp đã tạo ra những thành tựu đáng kể cho nền kinh tế - xã hội. LDN đã được hoàn thiện đáp ứng gần hơn với những nhu cầu của đời sống thực

tiễn. Bởi, qua thực tiễn kinh doanh, thấy rằng các loại hình công ty “tự nó đã tạo được thế đứng vững chắc của mình trong hệ thống các doanh nghiệp ở Việt Nam và khẳng định vai trò không thể thiếu của nó trong sự phát triển nền kinh tế xã hội” [94, tr. 65].

Tuy nhiên, việc quy định hạn chế các loại hình doanh nghiệp vừa không phù hợp với xu hướng hoàn thiện của pháp luật doanh nghiệp về mở rộng quyền tự do kinh doanh, vừa không phù hợp với thực tiễn phát triển của nền kinh tế. Đến nay, nhu cầu đặt ra với LDN hiện hành cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của công dân để phù hợp với các quy luật và sự hội nhập của nền kinh tế thị trường. Xu hướng phát triển của pháp luật là ghi nhận và điều chỉnh nhu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư ở Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng chế định pháp luật về công ty hợp vốn cổ phần ở việt nam (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)