3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động
3.2.5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện
pháp luật về quan hệ lao động trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp FDI
Từ trước đến nay công việc chính của thanh tra lao động chủ yếu tập trung vào việc xác định và xử phạt các vi phạm pháp luật lao động. Thực tế cho thấy công việc này bị hạn chế bởi số lượng thanh tra viên và số lượng lớn các doanh nghiệp FDI trong cả nước, trong khi đó dịch vụ tư vấn và vấn đề phòng ngừa lại bị bỏ qua. Chính vì thế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra với mục đích kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và pháp luật về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp FDI phải thực hiện theo các giải pháp sau:
- Tăng cường công tác tự kiểm tra của doanh nghiệp FDI: Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp FDI để thay đổi ý thức, hành vi chấp hành nghiêm pháp luật lao động, xây dựng văn hóa thực hiện pháp luật, tăng cường công tác tự kiểm tra của doanh nghiệp thông qua việc báo cáo phiếu tự kiểm tra.
- Thanh tra có trọng điểm và tăng cường thẩm quyền của thanh tra: Thẩm quyền của thanh tra cần được quy định rõ ràng, được tự do tiếp cận các địa điểm thanh tra, tạo điều kiện tốt hơn trước những trở ngại hiện nay để thanh tra lao động thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, điều này cần được quy định trong hệ thống pháp luật. Xây dựng chương trình thanh tra có trọng điểm hơn trên cơ sở kết quả báo cáo phiếu tự kiểm tra của các doanh nghiệp, thanh tra các khu vực có nguy cơ vi phạm cao, những nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động.
- Chế tài xử phạt nghiêm minh: Mức độ xử phạt theo luật định cần tăng lên để đảm bảo tính răn đe và thực thi nghiêm chỉnh pháp luật lao động nói chung và vấn đề lao động nước ngoài nói riêng. Trong quá trình thanh tra phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe và biện pháp chống tái vi phạm trong quan hệ lao động của các doanh nghiệp FDI.
- Thành lập hệ thống thanh tra lao động chuyên biệt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương: Lao động là lĩnh vực có nhiều chuyên biệt riêng đòi hỏi các nội dung kỹ thuật đặc thù vì thế việc thành lập đơn vị thanh tra lao động chuyên biệt là cần thiết, cần bố trí các cán bộ đáp ứng được yêu cầu nội dung thanh tra như vậy sẽ giúp tăng cường thẩm quyền của hệ thống thanh tra.
- Thiết lập hệ thống các đối tác xã hội hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra: Thanh tra lao động cũng cần phải thiết lập cho được mối quan hệ tốt với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động cũng như tổ chức đại diện người lao động, tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông… Những tổ chức
này có thể góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy, giám sát kiểm tra việc thực thi pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, tổ chức.Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, luật Thanh tra và các văn bản pháp luật về lao động cần xem xét đưa vào các điều khoản quy định. Quy định tạo điều kiện tốt hơn, thẩm quyền thanh tra rõ ràng, đảm bảo thanh tra lao động thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra, được tự do tiếp cận địa điểm thanh tra, các tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra. Cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải báo cáo theo phiếu tự kiểm tra khi có yêu cầu của các cơ quan thanh tra lao động.
- Xem xét phê chuẩn các công ước của Tổ chức lao động Quốc tế về lĩnh vực thanh tra đáp ứng yêu cầu hội nhập.
- Tổ chức thực hiê ̣n : Xem xét thành lập hệ thống thanh tra lao động tại cấp Bộ và Sở LĐTBXH với chức năng tách biệt khỏi Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở; xây dựng quy trình và chương trình, kế hoạch riêng biệt cho hệ thống thanh tra lao động tập trung các khu vực, các lĩnh vực có nguy cơ vi phạm cao, không thanh tra dàn trải; tăng cường lồng ghép nội dung thanh tra lao động trong các đoàn thanh tra; tăng cường năng lực cho đội ngũ thanh tra lao động bổ sung cả về số lượng và đào tạo nâng cao trình độ nhất là kỹ năng xã hội, kỹ năng tư vấn phòng ngừa. Nâng cao mức độ thanh tra của từng thanh tra viên.
- Tăng cường chức năng phòng ngừa và phối hợp với các đối tác xã hội: Xây dựng chiến lược cải thiện, thúc đẩy văn hóa phòng ngừa vi phạm pháp luật lao động trong mối quan hệ các đối tác như tổ chức đại diện giới sử dụng lao động, đại diện tổ chức người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, giới truyền thông… Chiến lược này góp phần tăng cường thực thi pháp luật lao động và bổ sung nhiệm nhiệm vụ, năng lực cho thanh tra lao động thông qua tiếp xúc công chúng và các chương trình nâng cao nhận thức.