3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động
3.2.1. Nghiên cứu lựa chọn mô hình pháp luật về quan hệ lao động
phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển hệ thống pháp luật về lao động nói chung và pháp luật về quan hệ lao động nói riêng cũng như nhiều Bộ luật khác là sản phẩm của quan niệm truyền thống coi pháp điển hóa là
một hoạt động lập pháp với kết quả cuối cùng là một văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành có mức độ tổng hợp, khái quát cao thường được gọi là các Bộ luật.
Về vấn đề hoàn thiện pháp luật lao động nói chung và pháp luật quan hệ lao động nói riêng hiện nay ở Việt Nam, các nhà lập pháp đang phân vân giữa việc lựa chọn mô hình ban hành văn bản dưới luật hay là xây dựng Bộ luật điều chỉnh quan hệ lao động.
Về quan điểm xây dựng văn bản dưới luật điều chỉnh quan hệ lao động:
Tại Việt Nam hiện còn đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các quan hệ xã hội mới phát sinh cũng như thay đổi liên tục đòi hỏi nhà lập pháp phải có những phản ứng tức thời trong khi đó quá trình chuẩn bị cho việc ra đời của những Bộ luật đồ sộ thường gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Quy trình thảo luận, xem xét, thông qua cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định trong các Bộ luật này tại Quốc hội hoàn toàn không đơn giản. Để đáp ứng sự thay đổi, vận động không ngừng của các quan hệ lao động thì theo quan điểm này là không nên ban hành một đạo luật riêng điều chỉnh quan hệ lao động. Bộ luật Lao động sẽ quy định khung và Chính phủ cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành các vấn đề của quan hệ lao động.
Ưu điểm của phương pháp này là văn bản dưới luật dễ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, có thể cụ thể, chi tiết ngay để nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Nhưng về mặt hạn chế là tính ổn định và thông nhất của pháp luật sẽ không được đảm bảo. Đồng thời với phương án ban hành văn bản dưới luật điều chỉnh quan hệ lao động thì chính chúng ta lại quay lại thời kỳ chưa xuất hiện Bộ luật lao động, các quy phạm điều chỉnh về quan hệ lao động nằm riêng lẻ, rời rạc, thiếu tính hệ thống và khó kiểm soát trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và không có giá trị pháp lý cao. Có thể thấy
rằng, việc ban hành văn bản dưới luật để điều chỉnh quan hệ lao động thay cho các đạo luật đã không còn phù hợp trong điều kiện chúng ta hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN mà trong đó các đạo luật sẽ giữ vai trò cơ bản trong điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Xây dựng và ban hành Luật về quan hệ lao động chung và các Luật liên quan đến các vấn đề quan hệ lao động
Tuy việc xây dựng và ban hành Luật về quan hệ lao động sẽ mất nhiều thời gian, trình tự, thủ tục phức tạp và không thể giải quyết ngay vấn đề trước mắt nhưng sẽ khắc phục được những hạn chế mà pháp luật về quan hệ lao động nói chung và pháp luật về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp FDI hiện nay. Nhưng quan hệ lao động là vấn đề rộng từ vấn đề học nghề, tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động, giải quyết các vấn đề sau khi kết thúc quan hệ lao động mà hiện tại Việt Nam đã ban hành các văn bản Luật điều chỉnh từng vấn đề về quan hệ lao động như Luật Việc làm, Luật Công đoàn, Luật bảo hiểm Y tế, Luật An sinh xã hội...
Thực tế cho thấy chúng ta không thể phủ nhận giá trị lớn mà Bộ luật Lao động 2012 đem lại trong việc tạo ra một hệ thống các khái niệm, thuật ngữ, những nguyên tắc chung trong quan hệ lao động mang tính thống nhất, ổn định và là tiêu chuẩn cho tất cả các đạo luật chuyên ngành về quan hệ lao động. Đồng thời, cũng thấy rõ việc ban hành các luật chuyên ngành về từng lĩnh vực của quan hệ lao động lại đáp ứng được yêu cầu về tính chuyên sâu, điều chỉnh cụ thể, chi tiết, tránh tình trạng luật khung, luật ống tốn kém thời gian cho việc xây dựng, dự thảo như Bộ luật đồ sộ. Nghĩa là dù tồn tại dưới hình thức Bộ luật hay luật, thì những văn bản quy phạm pháp luật này đều có giá trị nhất định đối với việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về lao động.
soi chiếu vào thực trạng của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, việc tiếp tục kết hợp Bộ luật tổng hợp với các đạo luật chuyên ngành đang là cần thiết. Bởi lẽ, với vai trò là một Bộ luật chung, Bộ luật Lao động sẽ thiết lập và duy trì một hệ thống khái niệm, thuật ngữ, những nguyên tắc chung đặt nền móng cho việc xây dựng các đạo luật chuyên ngành trong trường hợp cần thiết. Các đạo luật chuyên ngành được xây dựng đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên cơ sở những giá trị chung nhất mà Bộ luật Lao động đã khẳng định, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về lao động, đồng thời mỗi đạo luật chuyên ngành cũng có thể được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, cụ thể, chi tiết hơn mà không phải nhắc lại, dẫn chiếu lại những nội dung đã được quy định trong Bộ luật Lao động.
Để rút ngắn quá trình xây dựng văn bản luật, có thể xem xét áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật đối với những nội dung có liên quan chặt chẽ đến nhau thuộc các văn bản luật khác nhau mà việc sửa đổi nội dung này sẽ dẫn đến thay đổi nội dung tương ứng ở văn bản khác.