1.3. Pháp luật về quan hệ lao động của một số nước trên thế giớ
1.3.1. Pháp luật về quan hệ lao động tại một số nước Châu Âu
Tại Cộng hòa Liên bang Đức:
Đức thực hiện xây dựng đường lối “kinh tế thị trường xã hội” với phương châm “ít nhà nước đến mức có thể, nhiều nhà nước đến mức cần
thiết” [37, tr.85]. Nhà nước không can thiệp vào việc hình thành giá cả, lương
bổng mà chỉ tạo điều kiện khung cho quá trình phát triển kinh tế sao cho có hiệu quả và đảm bảo công bằng, ổn định. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất của Đức là phương thức sản xuất tư bản nên quan hệ lao động trong các doanh nghiệp là quan hệ lao động giữa chủ và thợ. Người lao động thường bị “lép vế” hơn so với người sử dụng lao động. Để trung hòa mối quan hệ này, Đức đã xây dựng và ban hành hành một đạo Luật riêng về Hội đồng lao động trong đó điều chỉnh quan hệ lao động ở tất cả các lĩnh vực và thành phần kinh tế trong.
Đạo luật về Hội đồng lao động của Đức quy định rõ về quyền của người lao động cụ thể như người lao động có quyền chia sẻ thông tin, người có quyền tham gia xây dựng và biết thông tin về kế hoạch sản xuất của Công ty; quyền được thông tin về quy trình làm việc lắp đặt thiết bị mới và thay đổi tổ chức bộ máy; quyền tham gia và xây dựng, cải tiến và mở rộng nhà máy. Người lao động có quyền được hỏi ý kiến về quản lý nhân sự, sa thải, đào tạo nghề, quy chế tuyển dụng, cơ cấu tại nơi làm việc, nội dung công việc, giờ bắt đầu, giờ kết thúc ngày làm việc và sự thay đổi trong thời gian làm việc, tiền lương và việc điều chỉnh tiền lương, phúc lợi của Công ty, tuyển dụng và thuyên chuyển cá nhân người lao động.
Đồng thời Đạo luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, đặc biệt còn quy định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp là phải thông báo cho người lao động về các nội dung trong
thỏa ước tập thể. Và đạo luật cũng quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền, cơ cấu và tổ chức của Hội đồng lao động.
Hội đồng lao động được thành lập ở các ngành đại diện cho người lao động ở nơi làm việc và nằm trong hệ thống Công đoàn. Cán bộ của Hội đồng lao động do người lao động bầu, nhiệm kỳ 4 năm. Công đoàn Đức chú trọng thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với 2 nội dung:
- Lợi ích của người lao động: Tiền lương, giờ làm việc, hỗ trợ phương tiện đi lại, phúc lợi của doanh nghiệp, an toàn vệ sinh lao động và chia sẻ lợi nhuận.
- Quyền của người lao động gồm: Quyền tự do công đoàn, quyền thành lập tổ chức, quyền thương lượng tập thể, quyền hành động tập thể (đình công), quyền đối với sức khỏe và cuộc sống, sự tham gia của người lao động: Người lao động có quyền được thông tin, tham gia ý kiến và cùng ra quyết định.
Tại Liên bang Nga:
Ở Nga, mọi quan hệ lao động được điều chỉnh bởi các đạo luật dân chủ đảm bảo thực hiện cân đối giữa các nhóm lợi ích và tầng lớp xã hội, tạo ra hành lang pháp lý đối với chế độ chuyên chế, tạo cơ sở pháp lý tin cậy cho quan hệ ba bên trong quan hệ lao động nhằm quy định các “luật chơi” dân chủ.
Các nội dung của quan hệ lao động như người lao động, người sử dụng lao động; các nội dung về hợp đồng; trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể; về công đoàn, quyền và đảm bảo hoạt động công đoàn; về điều chỉnh quan hệ lao động xã hội, thống nhất người sử dụng lao động... được ghi nhận tại Bộ luật Lao động Liên bang Nga (sửa đổi, bổ sung năm 2015), Luật Liên bang №199- ФЗ (sửa đổi, bổ sung năm 2015), Luật Lao động ngoại kiều...
Mô hình quan hệ lao động gồm có Chính phủ, Hiệp hội giới chủ và Liên minh công đoàn toàn Nga. Quan hệ lao động ở Nga được gọi là quan hệ đối tác xã hội và được ghi nhận như một nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp và thể chế trong Bộ luật Lao động Nga, Luật pháp Liên bang Nga.
Hệ thống đối tác xã hội của Nga gồm có 5 cấp:
- Cấp liên bang: Quy định những nguyên lý cơ bản chung điều chỉnh quan hệ lao động.
- Cấp khu vực: Quy định những nguyên lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi vùng lãnh thổ.
- Cấp lãnh thổ: Quy định những nguyên lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi thành phố (thỏa thuận lãnh thổ).
- Cấp ngành: Quy định những nguyên lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi ngành (có thể ký kết ở cấp Liên bang, khu vực lãnh thổ).
- Cấp cơ sở: Quy định những nguyên lý cơ bản điều chỉnh quan hệ lao động trong phạm vi cụ thể về lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động (hợp đồng tập thể).