và thực tiễn áp dụng
Nếu như hợp đồng lao động là biểu hiện của quan hệ lao động cá nhân thì thỏa ước lao động tập thể là biểu hiện của quan hệ lao động tập thể. Bộ luật lao động 2012 đã quy định cụ thể về thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp gồm các quy định về ký kết thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; thực hiện thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; thời hạn thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp; thực hiện thỏa ước lao động tập thể trong trường hợp chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền sử dụng doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở pháp lý để các doanh
nghiệp FDI thực hiện ký kết các thỏa ước lao động với đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp.
Về thỏa ước lao động tập thể ngành, Bộ luật lao động hiện hành chỉ có một điều quy định về việc áp dụng theo nguyên tắc chung của Chương Thỏa ước lao động tập thể, Bộ luật lao động năm 2012 quy định 3 điều về Thỏa ước lao động tập thể ngành với các nội dung: đại diện ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành, quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể ngành với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp và thời hạn của thỏa ước ngành.
Tuy nhiên, quy định về thỏa ước lao động tập thể trong Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hiện hành vẫn còn một số hạn chế sau:
Một là, vấn đề thương lượng tập thể của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ
sở: Trình tự, thủ tục, quy trình yêu cầu và tham gia thương lượng của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn.
Hai là, vấn đề trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc
“Tham dự phiên họp thương lượng tập thể nếu có đề nghị của một trong hai
bên thương lượng tập thể” [59, Điều 72, Khoản 2] chưa được hướng dẫn và
quy định rõ. Ví dụ, tổ chức công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước về lao động hiện có nhiều cấp khác nhau, vậy cấp nào thì các bên thương lượng có quyền đề nghị để cấp đó “tham dự phiên họp thương lượng tập thể”; quyền và trách nhiệm cụ thể khi tham dự phiên họp thương lượng tập thể...
Thỏa ước lao động tập thể đã có tác dụng khuyến khích, phát huy dân chủ. Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thể hiện rõ nét là người đại diện cho tập thể người lao động để thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm đạt được những thỏa thuận với người sử dụng lao động về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
các tỉnh và Ban chấp hành công đoàn tại các doanh nghiệp FDI luôn làm tích cực thực hiện vai trò là người đại diện cho quyền và lợi ích của tập thể người lao động thực hiện thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay đã có khoảng 60% các doanh nghiệp FDI có tổ chức công đoàn đã thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể [73, tr.9]. Thậm chí số doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể chiếm 97,56% [77, tr.15]. Đặc biệt, tại các tỉnh tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp FDI thì tỉ lệ ký thỏa ước lao động khá cao như Thái Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, theo thống kê của Liên đoàn lao động các tỉnh, hiện đã có trên 70% số doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, 80% trở lên bản thoả ước lao động tập thể được thương lượng, ký kết bảo đảm chất lượng, có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật [77, tr.14].
Đa số các bản thỏa ước được ký mới đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng. Theo đó, thỏa ước trở nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện và có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật từ các chế độ lương, thưởng, chăm sóc sức khỏe, khen thưởng đến các chế độ phúc lợi…; từ đó, tạo được không khí dân chủ, đồng thuận, khuyến khích người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã thực sự nghiêm túc và có ý thức tích cực trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước; thường xuyên cùng với Công đoàn quan tâm sửa đổi, bổ sung các điều khoản cho phù hợp với chính sách mới của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.
Nhằm nâng cao chất lượng các bản thỏa ước, thời gian qua, Công đoàn khu công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm như Biên Hòa (Đồng Nai),
Quế Võ (Bắc Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc)... đã triển khai thí điểm về đổi mới quy trình, hình thức, nội dung thương lượng, ký kết để có những bản thỏa ước thực sự của người lao động, trong đó, họ được tham gia suốt quá trình xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện. Nhiều bản thỏa ước với “Nội dung thật, đối tác thật, thương lượng thật và thực hiện thật” đã khắc phục được tình trạng quy trình xây dựng dự thảo thỏa ước không xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của tập thể người lao động.
Đặc biệt, đã có những doanh nghiệp FDI chưa có công đoàn nhưng vẫn tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đây là một tín hiệu đáng mừng để các cấp tiếp tục vận động, triển khai ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn.
Về thỏa ước lao động tập thể ngành, đã có một số ngành kinh tế trọng điểm tập trung nhiều doanh nghiệp FDI đã thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành như thoả ước lao động tập thể ngành Dệt May Việt Nam, ngành Cao su, ngành Công thương.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI mặc dù đã xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể nhưng vẫn còn khoảng 40% doanh nghiệp FDI có tổ chức công đoàn chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể. Số lượng các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn mà thực hiện ký kết thỏa ước lao động hiện nay là rất ít. Tại một số nơi, số lượng các doanh nghiệp FDI chưa ký thỏa ước lao động tập thể còn chiếm số lượng cao như tỉnh Vĩnh Phúc số doanh nghiệp FDI (tính đến năm 2014) có thỏa ước lao động tập thể chiếm 36,3%, số chưa có thỏa ước lao động tập thể chiếm 63,7% [86, tr.16]; Hải Phòng có khoảng 60 % doanh nghiệp FDI chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể... [86, tr.16].
Chất lượng thỏa ước lao động tập thể chưa cao, chủ yếu còn sao chép luật; một số đơn vị chưa sửa đổi cho phù hợp với chính sách mới; một số chủ sử dụng lao động né tránh thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nội
dung ít có lợi cho người lao động và không thể hiện nhiều trách nhiệm phía người sử dụng lao động… Như ngành Công thương hiện nay có khoảng 30% các bản thỏa ước lao động gồm ít khoản có lợi cho người lao động; còn lại 10% bản thỏa ước lao động sao chép luật [86, tr.17].
Điển hình như ở công ty TNHH Kỹ thuật Việt Mỹ (phường 11, TP.Vũng Tàu) thì bản thỏa ước lao động chỉ mới sao chép lại một số nội dung của Bộ luật Lao động. Bản thỏa ước của công ty này tuy được viết khá dài dòng nhưng lại chưa có một điều khoản nào được thông qua bằng con đường thương lượng và thực sự có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Hay như công ty TNHH MTV Co.opmart Vũng Tàu 2 (phường 8, TP.Vũng Tàu) tuy đã ký kết thỏa ước lao động vào ngày 10/6/2014 nhưng công ty lại không tổ chức phiên họp thương lượng tập thể nào.
Thỏa ước lao động tập thể ngành không phát triển (mới có thỏa ước lao động tập thể ngành Dệt May, ngành Cao su, ngành Công thương). Trong khi một số ngành kinh tế trọng điểm tập trung rất nhiều các doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều lao động như Ngành chế biến nông lâm thủy sản, ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... lại chưa có thỏa ước lao động tập thể.