1.2. Sự điều chỉnh pháp luật về quan hệ lao động
1.2.4. Vai trò của pháp luật quan hệ lao động
Thứ nhất, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng quan hệ lao động
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng quan hệ lao động thể hiện từ văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng. Từ đó cho đến nay các Văn kiện Đại hội và Nghị quyết của Đảng đều khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng quan hệ lao động. Tại Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 28/01/2008 của Ban chấp hành TW Đảng (Khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, đã chỉ rõ:
Ban hành quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường cơ chế đối thoại, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Quy định rõ quyền, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ [2, tr.7].
Nhằm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 28/01/2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Đây được coi là một trong những văn bản quan trọng là cơ sở và định hướng việc xây dựng, quy chế, hoàn thiện quan hệ lao động ở Việt Nam nói chung và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nói riêng.
Song các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng đó không thể tự tạo ra được môi trường pháp lý cho quan hệ lao động ở Việt Nam. Chỉ khi đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng quan hệ lao động được thể chế hóa thành pháp luật, thì nó trở thành phương tiện của Nhà nước, có sức mạnh bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo.
Hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước về quan hệ lao động được ban hành trên cơ sở đường lối, chính sách về quản lý nhà nước trong đó có
hoạt động quản lý biên chế của Đảng. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, quan điểm, chính sách, chủ trương xây dựng quan hệ lao động của Đảng đều có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phù hợp với tình hình thực tiễn nên pháp luật về xây dựng quan hệ lao động cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng.
Thứ hai, là khung pháp lý để điều chỉnh quan hệ lao động
Mặc dù việc xây dựng quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được thực hiện dựa trên nguyên tắc thỏa thuận là chủ yếu. Đây được coi là điều kiện đủ, miễn là các thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức nhưng pháp luật về quan hệ lao động được coi là điều kiện cần. Với tư cách là chủ thể quản lý, Nhà nước đã sử dụng pháp luật để đưa ra các chuẩn mực pháp lý cơ bản nhất cho quan hệ lao động, nếu vi phạm pháp luật về quan hệ lao động sẽ bị Nhà nước ngăn chặn và xử lý.
Thứ ba, là phương tiện để nhà nước thực hiện vai trò của mình
Nhà nước có nhiều phương thức, biện pháp khác nhau để thực hiện vai trò quản lý nhà nước và tham gia cơ chế “ba bên” trong quan hệ lao động như: quản lý bằng pháp luật, bằng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, bằng các chính sách kinh tế - xã hội... Trong đó, pháp luật về quan hệ lao động được coi là công cụ hữu hiệu nhất, chủ yếu và quan trọng nhất, bởi vì pháp luật có tính cưỡng chế, bắt buộc mọi người phải tuân theo, mọi tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật.
Với những đặc điểm riêng của mình, pháp luật về quan hệ lao động có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách nhanh chóng, đồng bộ và hiệu quả nhất trên quy mô rộng lớn nhất. Mặt khác, Nhà nước cũng dựa vào pháp luật để phát huy quyền lực và kiểm tra, kiểm soát các cơ quan nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động thực hiện pháp luật về quan hệ lao động.