3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quan hệ lao động
3.2.3. Tăng cường công tác rà soát, hệ thống và pháp điển hóa pháp
luật về lao động
Rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật nói chung và pháp luật về quan hệ lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phát hiện những văn bản, những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để xử lý bằng các hình thức thích hợp. Đồng thời tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật về lao động, pháp luật về quan hệ pháp luật đã được rà soát thành hệ thống thống nhất, theo các tiêu chí nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng của từng vấn đề, từng lĩnh vực, từng ngành. Trên cơ sở đó, lập ra và công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, hết hiệu lực. Để nâng cao chất lượng rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa pháp luật về lao động cần phải thực hiện các giải pháp sau:
Một là, thực hiện nghiêm túc Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2008; Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 có hiệu lực (ban hành kèm theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hóa hệ thống quy phạm pháp luật trong năm 2014; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày
16/02/2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết số 75/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội (Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đối với việc triển khai thi hành Hiến pháp; công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính) và Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/2014/QH13 của Quốc hội...
Hai là, căn cứ vào chương trình làm việc hàng năm của ngành Tư pháp,
sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan đến pháp luật lao động trong đó có pháp luật về quan hệ lao động. Chú trọng kiểm tra văn bản theo một số chuyên đề thuộc những lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc, có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người lao động, người sử dụng lao động như về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp lao động… Chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong việc tự kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định đối với các văn bản đã được kiểm tra, phát hiện trái pháp luật; đề cao tính chịu trách nhiệm của cá nhân, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, hoàn thiện thể chế, bố trí biên chế, kinh phí, xây dựng hệ thống
cơ sở dữ liệu và các điều kiện đảm bảo khác trong thực hiện công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.