1.3 Xử lý tài sản thế chấp
1.3.1 Khái niệm về xử lý tài sản thế chấp
Tài sản thế chấp được xử lý khi nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm bị vi phạm hoặc trong các trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Việc tìm hiểu về xử lý tài sản bảo đảm có thể được tiếp cận dưới các giác độ kinh tế và giác độ pháp lý.
Dưới giác độ kinh tế, xử lý tài sản thế chấp được hiểu là việc bán tài sản thế chấp để đối trừ với nghĩa vụ trả nợ nhằm thu lại những lợi ích thuộc về bên nhận thế chấp một cách nhanh chóng và chủ động. Xử lý tài sản thế chấp là sự hiện thực hóa quyền của bên nhận thế chấp khi quyền lợi đó đã không được bảo đảm bằng một quan hệ trái quyền được thiết lập trước đó. Tính thanh khoản của tài sản thế chấp là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình xử lý.
Dưới giác độ pháp lý, trên cơ sở tìm hiểu và phân tích các học thuyết, các quan điểm khoa học, xử lý tài sản thế chấp được coi là một quá trình để thực thi quyền của bên nhận thế chấp thông qua các biện pháp tác động đến tài sản thế chấp”. Quan điểm này được xây dựng trên các căn cứ sau:
- Một là, mục đích của xử lý tài sản thế chấp là bảo đảm quyền cho bên nhận thế chấp. Quyền này được bảo vệ một cách trực tiếp và ngay tức khắc khi nghĩa vụ trả nợ không được thi hành. Như vậy, bên nhận thế chấp cần phải chứng minh các điều kiện cần và đủ để thực thi quyền lợi của mình trên tài sản thế chấp, đó là: có sự vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm và hợp đồng thế chấp là hợp pháp.
- Hai là, việc xử lý tài sản thế chấp là tiến hành các thủ tục để định đoạt tài sản thế chấp để thu giữ số tiền tương đương với nghĩa vụ được bảo đảm. Các biện pháp xử lý mà bên nhận thế chấp được thực hiện theo sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp hoặc bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để cưỡng chế bán tài sản.
- Ba là, xử lý tài sản thế chấp là bảo đảm lợi ích của các chủ thể có quyền trên tài sản đó trên nguyên tắc “ai công bố quyền trước sẽ được ưu tiên thanh toán trước”. Tính chất vật quyền của thế chấp là căn cứ hợp pháp cho việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp trên. Số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp phải giải quyết được tổng thể các lợi ích liên quan trên tài sản theo nguyên tắc ưu tiên được xác định một các rõ ràng, cụ thể.
Trên cơ sở những luận giải trên, khái niệm xử lý tài sản thế chấp được đưa ra là: “Xử lý tài sản thế chấp là quá trình thực thi quyền của bên nhận thế chấp thông
qua việc tiến hành các thủ tục định đoạt quyền sở hữu của tài sản thế chấp và số tiền thu được sẽ thanh toán cho bên nhận thế chấp và các chủ thể khác cùng có quyền lợi trên tài sản đó theo thứ tự ưu tiên do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.” [38, tr.45-46]