Thuế và các chi phí phát sinh khi xử lý tài sản thế chấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo pháp luật dân sự việt nam hiện hành 03 (Trang 80 - 86)

2.2. Những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về thế chấp và xử lý tài sản

2.2.2.8. Thuế và các chi phí phát sinh khi xử lý tài sản thế chấp

Thuế là một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khả năng xử lý TSBĐ của các TCTD, tuy nhiên các văn bản pháp luật hiện hành về thuế đang tồn tại một số hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc xử lý TSBĐ của TCTD. Liên quan đến việc xử lý TSBĐ có thể kể đến hai loại thuế là: Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Đối với thuế giá trị gia tăng:

Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/06/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung 31/2013/QH13 ngày 19/06/23013, tại điều khoản 8 điều 5 có quy định rõ dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng, nhưng không đề cập đến việc bán TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD. Tuy nhiên, trước đây các văn bản hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng đều quy định việc bán TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD phải chịu thuế giá trị gia tăng. Ví dụ như Khoản 8 Điều 4 Thông tư 06/2012 quy định: Tài sản sử dụng để đảm bảo tiền vay của người nộp

thuế GTGT hoặc đã được chuyển quyền sở hữu sang bên cho vay khi bán phải chịu thuế GTGT, trừ trường hợp là hàng hoá không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng đã có sự thay đổi về việc áp dụng thuế giá trị giá tăng với hoạt động bán TSBĐ để thu hồi nợ của TCTD. Khoản 2 Điều 3 Nghị định 209/2013/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì dịch vụ cấp tín dụng quy định tại Khoản 8 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng và Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng được gồm các hình thức: Cho vay; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; Bảo lãnh; Cho thuê tài chính; Phát hành thẻ tín dụng; Bao thanh toán trong nước; bao

thanh toán quốc tế;Bán tài sản bảo đảm tiền vay; Cung cấp thông tin tín dụng theo

quy định của Luật ngân hàng nhà nước; Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật.

Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn chi tiết nội dung này như sau: Bán TSBĐ do TCTD hoặc do cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ. Trường hợp hết thời gian trả nợ, người có TSBĐ không có khả năng trả nợ và phải bàn giao tài sản cho TCTD để TCTD xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật thì các bên thực hiện thủ tục bàn giao TSBĐ theo quy định. Trường hợp các bên thỏa thuận người có TSBĐ tự bán TSBĐ để trả nợ, nếu người có TSBĐ là người nộp thuế GTGT và tài sản đem bán thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.Trường hợp TCTD nhận TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì TCTD thực hiện hạch toán tăng giá trị tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh theo quy định. Khi TCTD bán tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh nếu tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thì TCTD phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định.

Như vậy, theo các quy định tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP và Thông tư 219/2013/TT-BTC như trên thì trường hợp bán TSBĐ không thuộc trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng. Các quy định này là phù hợp và đáp ứng được phần nào yêu cầu của công tác xử lý TSBĐ của các TCTD để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 209/2013/NĐ-CP và Thông tư 209/2013/TT-BTC lại mâu thuẫn với Luật giá trị gia tăng. Theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, ngoài các dịch vụ cấp tín dụng được liệt kê cụ thể là: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; luật còn có một nội dung mở là “hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật. Nghị định 209/2013/NĐ-CP và Thông tư 219/2013/TT-BTC đã vận dụng quy định này để đưa nội dung “bán TSBĐ” vào các đối tượng không phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Việc xác định bán TSBĐ là một hình thức cấp tín dụng là không chính xác. Theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật các TCTD 2010, Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh TCTD và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Trong khi như đã trình bày ở trên xử lý TSBĐ là biện pháp được sử dụng để bên cho vay thu hồi nợ trong trường hợp bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn trả tiền vay. Cấp tín dụng là một hoạt động của TCTD trong khi đó xử lý TSBĐ chỉ là một biện pháp, một chế tài mà pháp luật cho phép TCTD với tư cách là bên bị vi phạm đối với khách hàng vay với tư cách là bên vi phạm.

Theo quan điểm của tác giả, việc Luật thuế giá trị gia tăng không đưa hoạt động bán TSBĐ của TCTD nhằm thu hồi nợ vào các đối tượng không phải chịu thuế giá trị gia tăng là một thiếu sót. Bởi, thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hoá, từ khi còn là nguyên liệu thô sơ cho đến sản phẩm hoàn thành, và cuối cùng là giai đoạn tiêu dùng. Theo quy định tại Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng, Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Trong khi đó, Nghị định 163/2006 quy định rõ: Hoạt động xử lý TSBĐ để xử lý nợ vay không phải là hoạt động kinh doanh. Do đó, trong mọi trường hợp không nên đánh thuế giá trị gia tăng với các trường hợp xử lý TSBĐ.

- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp:

Liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp khi xử lý TSBĐ là BĐS, hiện nay chỉ có quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Khoản 4 Điều 16 của Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định: Trường hợp TCTD nhận giá trị bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm thì TCTD khi được phép chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật phải kê khai nộp thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào Ngân sách Nhà nước. Trường hợp bán đấu giá bất động sản là tài sản bảo đảm tiền vay thì số tiền thu được thực hiện thanh toán theo quy định của Chính phủ về bảo đảm tiền vay của các TCTD và kê khai nộp thuế theo quy định. Sau khi thanh toán các khoản trên, số tiền còn lại được trả cho các tổ chức kinh doanh đã thế chấp bất động sản để bảo đảm tiền vay.

Nội dung tại Thông tư 78/2014/TT-BTC đã trích dẫn ở trên thể hiện sự không rõ ràng. Theo đó, nội dung này chỉ hướng dẫn với với trường hợp TCTD nhận giá trị bất động sản là TSBĐ để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm và trường hợp xử lý tài sản thông qua bán đấu giá. Trường hợp TCTD căn cứ vào thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm để bán tài sản thu hồi nợ không qua đấu giá thì việc kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào, TCTD có được kê khai và thực hiện nộp thay cho chủ sở hữu tài sản hay không, thông tư lại không có hướng dẫn. Nếu bắt buộc chủ sở hữu tài sản (bên bảo đảm) phải tự kê khai và đóng thuế thì đúng làm khó TCTD bởi rõ ràng với những trường hợp này, bên bảo đảm sẽ không hợp tác để thực hiện các thủ tục này. Và nếu không thể hoàn thành nghĩa vụ về thuế thì TCTD không thể thực hiện thủ tục sang tên, cấp Giấy chứng nhận cho người mua BĐS.

Liên quan đến vấn đề thuế, còn tồn tại một vấn đề liên quan đến việc lập hóa đơn đối với bán TSBĐ. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chính thức về việc lập hóa đơn khi Ngân hàng đứng ra bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Qua tìm hiểu được biết hầu hết các Cục thuế hiện nay khi hướng dẫn về thủ tục này thường viện dẫn nội dung tại tại công văn số 1220/TCT-CS ngày 09/4/2011 của Tổng cục Thuế về lập hóa đơn đối với tài sản đấu giá thi hành án để hướng dẫn các TCTD. Cụ thể

cơ quan quản lý thuế viện dẫn nội dung tại công văn số 1220/TCT-CS của Tổng Cục thuế là: Trường hợp quyền sở hữu trước khi đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác, thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao lập hóa đơn cho người trúng đấu giá. Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp Ngân hàng bán đấu giá tài sản đảm bảo tiền vay và lập hóa đơn cho người trúng đấu giá [16].

Tuy nhiên theo tác giả hướng giải quyết này không hợp lý. Vì tại công văn số 1220/TCT-CS, Tổng cục thuế viện dẫn điều 12, 14 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ (văn bản có hiệu lực thời điểm đó) và hướng dẫn:

Trường hợp tài sản trước khi đấu giá vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có tài sản kê biên phải lập hóa đơn khi bán đấu giá tài sản đó. Trường hợp quyền sở hữu trước khi đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác, thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao lập hóa đơn cho người trúng đấu giá.

Trường hợp doanh nghiệp có tài sản kê biên phải lập hóa đơn khi bán đấu giá tài sản nhưng không thực hiện lập hóa đơn giao cho người mua tài sản kê biên thì cơ quan thuế tiến hành lập Biên bản xử phạt về hành vi bán hàng không lập hóa đơn và cùng với việc bị xử phạt, doanh nghiệp phải lập hóa đơn cho người mua.

Trường hợp doanh nghiệp có tài sản kê biên vẫn tiếp tục không chịu lập hóa đơn sau 10 ngày kể từ ngày bị xử phạt hoặc tài sản đấu giá là tài sản của tổ chức, cá nhân không có hóa đơn thì cơ quan thi hành án lập hóa đơn cho tài sản đấu giá để thi hành án. Cơ quan thuế thực hiện cấp hóa đơn lẻ cho cơ quan thi hành án theo đề nghị để lập hóa đơn giao cho người mua theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính. Trường hợp giá trúng đấu giá là giá bán đã có thuế giá trị gia tăng được công bố rõ trong hồ sơ bán đấu giá do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được cấp hóa đơn giá trị gia tăng để giao cho người mua. [44]

Như vậy, hướng dẫn của Tổng Cục thuế tại Công văn 1220/TCT-CS chỉ áp dụng đối với trường hợp bán đấu giá TSBĐ do Cơ quan thi hành án thực hiện,

không áp dụng đối với trường hợp TCTD tự xử lý bán (đấu giá hoặc không qua đấu giá). Ngoài ra nếu áp dụng tương tự pháp luật với nội dung: Trường hợp quyền sở hữu trước khi đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác, thì tổ chức, cá nhân được chuyển giao lập hóa đơn cho người trúng đấu giá thì không hợp lý vì thực tế quyền sở hữu BĐS chưa được chuyển giao cho TCTD, do đối với BĐS để chuyển giao quyền sở hữu phải thực hiện thủ tục sang tên, cấp Giấy chứng nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mà nếu thực hiện thủ tục sang tên thì lại liên quan đến quyền nắm giữ BĐS của TCTD như đã trình bày ở phần trên.

Đối với việc lập hóa đơn khi TCTD bán tài sản bảo đảm, nếu pháp luật đã cho phép ngân hàng tự đứng ra thực hiện các thủ tục bán tài sản trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì TCTD đương nhiên phải có quyền lập hóa đơn bán hàng. Tuy nhiên các văn bản pháp luật hiện nay lại không có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, gây khó khăn cho TCTD khi thực hiện thủ tục bán mà bên bảo đảm không hợp tác. Một vướng mắc dễ giải quyết nhưng chưa được khắc phục, đẩy TCTD vào thế khó khi xử lý TSBĐ. Chính phủ và Bộ tài chính cần nhanh chóng ban hành văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

CHƢƠNG III - HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THẾ CHẤP VÀ XỬ LÝ TÀI SẢN THẾ CHẤP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo pháp luật dân sự việt nam hiện hành 03 (Trang 80 - 86)