Trong hoạt động thu giữ tài sản thế chấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo pháp luật dân sự việt nam hiện hành 03 (Trang 63 - 68)

2.2. Những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành về thế chấp và xử lý tài sản

2.2.2.2. Trong hoạt động thu giữ tài sản thế chấp

Trên thực tế, trong số các TSBĐ mà các TCTD nhận để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ thì bất động sản nói chung và quyền sử dụng đất nói riêng chiếm một tỷ trọng lớn, trong đó chủ yếu là đất đai, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất bởi đây là loại tài sản được đánh giá là có giá trị ít suy giảm, dễ quản lý và khả năng phát mại tốt. Tuy nhiên, việc thu giữ những tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất rất khó khăn phức tạp, tốn công sức, thời gian, chi phí, thậm chí có trường hợp còn bế tắc không có hướng xử lý do những tài sản này thường là nơi ở, nơi sinh sống, nhà xưởng sản xuất... của bên vay vốn hoặc các bên thế chấp.

Ví dụ như vụ việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) thu giữ tài sản của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa. Theo đó, ngày 11/06/2010, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa vay của VPbank tổng số tiền là 5 tỷ đồng. Để đảm bảo cho khoản vay này tại VPbank, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa đã thế chấp tài sản bảo đảm là căn hộ chung

cư địa chỉ tại phòng 1401, tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng nên khoản vay nêu trên bị quá hạn kể từ ngày 5/9/2012. Từ đó đến nay đã gần 3 năm, VPbank đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện cho ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa tự bán tài sản thế chấp hoặc sử dụng các nguồn khác để trả nợ, tuy nhiên ông Minh và bà Thoa vẫn không thực hiện. Vì vậy, VPbank đã quyết định chấm dứt việc cho vay, thu hồi toàn bộ dư nợ của khách hàng Nguyễn Sỹ Minh và xử lý tài sản thế chấp để thu nợ. VPBank AMC đã có Thông báo về việc yêu cầu tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm gửi tới ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa nhưng ông Minh và bà Thoa không thực hiện. Sau đó, VPBank đã có Thông báo về việc sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, thông báo về thời gian, địa điểm, thành phần dự kiến tham gia sẽ tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý theo quy định của pháp luật. Đến ngày 17/3/2015, VPbank đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là Phòng 1401, Tòa nhà 17T2, Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính của ông Nguyễn Sỹ Minh và bà Lâm Thị Phương Thoa. Thành phần tham gia buổi thu giữ gồm các cán bộ thu hồi nợ của VPbank, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện UBND phường Trung Hòa và đại diện Công an phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. VPbank tiến hành lắp thêm khóa ngoài, niêm phong tài sản. Tuy nhiên, vụ việc trở lên rất căng thẳng, gây xôn xao dư luận khi ông Nguyễn Sỹ Minh làm đơn tố giác ra Công an phường Trung Hòa và Công an quận Cầu Giấy về việc cán bộ VPbank cưỡng đoạt tài sản của ông Minh, giữ người trái pháp luật. Kết quả là Vpbank đã phải tiến hành mở niêm phong, bàn giao lại tài sản cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Minh, việc thu giữ không thành công. [41]

Để xảy ra tình trạng này, một mặt là do ý thức pháp luật kém của bên vay vốn và bên thế chấp, nhưng mặt khác chính là do các quy định của pháp luật không rõ ràng, không chặt chẽ, thiếu thực tế, khó áp dụng. Điều 63 Nghị định 163/2006 đã có quy định về việc thu giữ TSBĐ để xử lý, theo đó bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có

quyền thu giữ TSBĐ theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong quá trình tiến hành thu giữ TSBĐ, nếu bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.

Tinh thần của Điều luật này xác định việc xử lý TSBĐ là mối quan hệ dân sự, hạn chế sự can thiệp của Cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, TSBĐ là nhà, đất thường gắn liền với nơi ở, nơi sinh sống hoặc nơi sản xuất kinh doanh của bên vay vốn, bên thế chấp, vì vậy rất ít khi các bên hợp tác tự nguyện bàn giao TSBĐ cho TCTD để xử lý nếu TCTD tự kê biên thu hồi thì sẽ gặp rất nhiều sự cản trở, chống đối hoặc đe dọa từ phía khách hàng, các bên thế chấp. Các cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ TCTD thu hồi TSBĐ khi bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ mới có quyền yêu cầu sự can thiệp của các cơ quan này. Tuy nhiên, sự can thiệp của cơ quan chức năng lúc này cũng chỉ là để giữ trật tự xã hội mà không phải là hỗ trợ các TCTD thu hồi TSBĐ. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được đem bán đấu giá nhưng để thực hiện được, TCTD lại phải thu hồi được TSBĐ mới có thể phát mại được. Chính vì thế, quy định của Điều luật này không có tính khả thi và các TCTD không thể thu hồi được TSBĐ nếu các bên có TSBĐ không hợp tác. TCTD phải mất rất nhiều thời gian, công sức để thuyết phục các chủ TSBĐ tự nguyện bàn giao tài sản. Nếu TCTD khi chưa thu hồi được TSBĐ đã ủy quyền cho tổ chức bán đấu giá thì các tổ chức này vẫn yêu cầu TCTD phải cam kết việc bàn giao được tài sản cho người mua trong khoảng thời gian nhất định, nếu không bàn giao được thì TCTD phải bồi thường thiệt hại. Đây là khó khăn chính của TCTD, có những trường hợp ban đầu chủ TSBĐ đồng ý bán đấu giá tài sản, tuy nhiên sau đó lại không giao tài sản cho người mua (mặc dù người mua vẫn được sang tên chủ sở hữu, sử dụng), tranh chấp xảy ra và một mặt TCTD phải bồi

thường cho người mua, mặt khác lại phải khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp. Thực tế đã có nhiều trường hợp TCTD làm theo hình thức này, sau đó do không bàn giao được tài sản cho người mua nên bị chính người mua kiện lại và phải bồi thường. Có thể nói, quyền thu giữ tài sản của các TCTD thực tế chỉ là trên giấy và hỗ trợ của các cơ quan nhà nước cũng chỉ là “hỗ trợ” trong văn bản.

Gần đây cùng với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), tại Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam có quy định rõ hơn về việc hỗ trợ thu giữ TSBĐ. Cụ thể Khoản 1 Điều 30 Nghị định này quy định: Ủy ban nhân dân, cơ quan công an các cấp nơi tiến hành thu hồi; thu giữ TSBĐ tham gia thu hồi, thu giữ, kiểm kê TSBĐ và áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo thực hiện quyền của Công ty Quản lý tài sản trong việc thu hồi, thu giữ TSBĐ. Quy định này chính thức ghi nhận trách nhiệm trong việc tham gia thu hồi, thu giữ TSBĐ của cơ quan nhà nước mà cụ thể là UBND, cơ quan công an các cấp.

Hiện nay, Bộ Tư Pháp – Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN hướng dẫn một số vấn đề xử lý TSBĐ, trong đó điều 9 của thông tư có đề cập đến trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của người xử lý TSBĐ. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục gửi thông báo đến UBND cấp xã trước khi tiến hành thu giữ TSBĐ, theo đó trước thời điểm thu giữ TSBĐ ít nhất bảy (07) ngày làm việc, người xử lý TSBĐ có quyền gửi văn bản thông báo về việc thu giữ TSBĐ đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ TSBĐ. Văn bản thông báo về việc thu giữ tài sản được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện kèm theo một (01) bản sao hợp đồng bảo đảm thỏa thuận về việc xử lý TSBĐ đã được các bên giao Văn bản của người xử lý TSBĐ phải nêu rõ lý do xử lý, thời gian, địa điểm xử lý, kế hoạch thu giữ tài sản và tài sản dự định thu giữ.

Liên quan đến việc thu giữ TSBĐ để xử lý nợ của các TCTD còn vấp phải một vấn đề khác trong cách hiểu quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định 163/2006. Theo quy định tại điều khoản này, nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên

giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ theo

quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định

của điều khoản này có thể dẫn đến cách hiểu là: nếu bên giữ TSBĐ không giao tài sản theo thông báo của TCTD thì TCTD (với tư cách là người xử lý tài sản) chỉ được lựa chọn một trong hai phương án: Thu giữ tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 63, hoặc khởi kiện tại Tòa án; trong trường hợp TCTD đã thực hiện các biện pháp thu giữ TSBĐ quy định tại Khoản 2 Điều 63 nhưng không thành công thì không được quyền khởi kiện tại Tòa án. Quy định này khiến TCTD, để chắc chắn chỉ có cách lựa chọn xử lý theo con đường tố tụng – phương án vốn tốn kém và mất rất nhiều thời gian.

Nói chung, thu giữ TSBĐ để xử lý thu hồi nợ là một vấn đề nan giải đối với các TCTD đặc biệt là thu giữ TSBĐ là BĐS, xuất phát từ đặc tính của tài sản, đặc điểm cư trú - văn hóa của cộng đồng dân cư, và quan điểm truyền thống của cơ quan nhà nước về các vấn đề đất đai. Về mặt pháp lý, tác giả cho rằng việc giao trách nhiệm hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự hoặc trực tiếp tham thu hồi, thu giữ, kiểm kê TSBĐ như các quy định đã dẫn chiếu ở trên cho UBND cấp xã và cơ quan Công an các cấp đều không hợp lý. Theo thông lệ quốc tế, mọi can thiệp vào tài sản tư pháp phải có lệnh của Tòa án trên cơ sở yêu cầu của chủ nợ, UBND và cơ quan công an không được tự thực hiện các công việc này. Thực tế công tác thu giữ TSBĐ của TCTD cũng cho thấy việc hỗ trợ thu giữ TSBĐ của UBND và cơ quan công an các cấp tại các địa phương rất khác nhau, có địa phương UBND và cơ quan công an hỗ trợ rất nhiệt tình, có địa phương lại không thực hiện hỗ trợ. Cũng đã có những trường hợp khiếu kiện liên quan đến việc UBND và cơ quan công an hỗ trợ TCTD cưỡng chế thu giữ TSBĐ để xử lý. Sự tùy tiện và không thống nhất này bắt nguồn từ cơ chế liên quan đến việc thu giữ TSBĐ chưa rõ ràng và hợp lý. Quy định hiện tại theo pháp luật Việt Nam tưởng chừng trao quyền cho TCTD trong việc chủ động thu giữ tài sản để xử lý nhưng thực tế không tạo ra một cơ chế hữu hiệu để thực thi quyền của chủ nợ trong việc truy đòi TSBĐ và hệ quả tất yếu là TCTD từ vị trí của bên có quyền lại bị đẩy vào tình trạng yếu thế hơn. Do đó, nếu trao quyền quyết định việc thu giữ cho Tòa án thì mới hợp lý, hợp pháp và đảm bảo được nguyên tắc pháp chế. Theo đó, Tòa án sẽ ra quyết định thu giữ tài sản trên cơ sở yêu cầu (kèm

theo các chứng cứ chứng minh việc vi phạm nghĩa vụ và quyền được truy đòi tài sản) của chủ nợ. Trên cơ sở quyết định của Tòa án, các cơ quan nhà nước tại địa phương có trách nhiệm tham gia thu giữ, kiểm kê TSBĐ và bàn giao cho TCTD để xử lý. Tất nhiên cũng cần có một thủ tục nhanh gọn tại Tòa án khi tiếp nhận yêu cầu của TCTD và ra quyết định thu giữ TSBĐ nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thu giữ, tránh tình trạng bên bảo đảm chây ỳ hoặc tẩu tán tài sản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo pháp luật dân sự việt nam hiện hành 03 (Trang 63 - 68)